Bộ óc thiên tài Toán học Grigori Perelman thích sống ẩn dật và có ngoại hình kì dị.
“Tôi không có hứng thú với tiền bạc hay danh vọng. Tôi không muốn bị nhìn như động vật diễn trò trong sở thú. Tôi không phải người hùng toán học. Tôi thậm chí còn chưa thành công”.
Vâng, đó chính là những phát ngôn được nói ra từ chính bộ óc thiên tài người Do Thái Grigori Perelman. Sinh ngày 13/6/1966 tại Leningrad (nay là Saint Petersburg, Nga), ông là con của một gia đình gốc Do Thái. Tên khai sinh đầy đủ của ông là Grigori Yakovlevich Perelman. Sau này, cha ông di cư về Israel còn Grigori sống cùng mẹ tới tận bây giờ. Chính mẹ – giáo viên dạy Toán tại một trường dạy nghề – cũng là người truyền đam mê Toán học cho Grigori.
Tài năng thiên bẩm với môn Toán đã bộc lộ khi Grigori tuy mới chỉ 10 tuổi nhưng đã tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề do chuyên gia đầu ngành của bộ môn khoa học tự nhiên giáo sư Sergei Rukshin sáng lập tại trung tâm toán học ở cung thiếu nhi Leningrad, do vị chuyên gia đầu ngành của bộ môn khoa học tự nhiên. Tới năm 16 tuổi, Grigori tham dự cuộc thi Olympic toán quốc tế (IMO) lần thứ 23 cùng với 5 thành viên khác của đội tuyển Liên Xô. Khi ấy, với điểm số tuyệt đối 42/42, tên của Grigori đã được xướng tên giành được huy chương vàng.
Sau đó, khi trở về nước, Grigori đặc cách vào học ở trường Đại học tổng hợp quốc gia Leningrad (LGU). Ông tiếp tục nhận được học bổng toàn phần “Lê-nin” và chuyển lên làm nghiên cứu sinh vì thành tích học tập quá đỗi xuất sắc. Tốt nghiệp phó tiến sĩ khoa Toán cơ của LGU, chuyên ngành nghiên cứu hình dáng các vật thể trong không gian, Grigori sau đó nhận công tác tại Phân nhánh Leningrad thuộc viện Toán học cao cấp Steklov (LOMI, hiện là PDMI).
Được mệnh danh là người thông minh nhất hành tinh, Grigori vì thế cũng nhận không ít những giải thưởng Toán học về mình, có thể kể đến như:
– Giải thưởng của hiệp hội Toán học châu Âu (EMS) cho các nhà toán học trẻ năm 1996.
– Huy chương Fields – phần thưởng cao quý được mệnh danh là “giải Nobel Toán học” năm 2006.
– Giải thưởng của Hội đồng Nhà toán học Quốc tế năm 2006.
– Giải thưởng Thiên niên kỷ kèm phần thưởng là 1 triệu USD, được trao bởi Viện Toán học Clay (CMI), một tổ chức phi lợi nhuận lừng danh đặt trụ sở ở thành phố Cambridge (Massachusetts, Mỹ) năm 2010.
Tuy nhiên, với từng ấy giải thưởng, Grigori lại chẳng màng đến, thậm chí từ chối thẳng thừng. Duy nhất một lần vào năm 1991, ông đã nhận giải thưởng do hội Toán học trẻ Leningrad trao tặng vì những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn. Thậm chí, tới năm 2011, ông cũng từ chối luôn lời mời trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Một trong những đóng góp lớn nhất vào Toán học của bộ óc thiên tài này là ông đã chứng minh được giả thuyết hình học của Thurston, tạo tiền đề cho việc khám phá giả thuyết Poincare. Nhà toán học gạo cội người Pháp Jules Henri Poincare (1854-1912) đã nêu ra giả thuyết Poincare – một trong những mệnh đề toán học hóc búa nhất suốt một thế kỷ qua chưa ai giải được – vào năm 1904.
Hiện nay, Grigori đã xin nghỉ việc tại Steklov và trở về nhà nghiên cứu. Ông sống cùng mẹ trong một chung cư xập xệ, xuống cấp nhưng bản thân Grigori đã thấy mình có đủ những gì mình cần. Grigori sống khép kín, ít giao tiếp với mọi người xung quanh, kể cả hàng xóm cạnh nhà, bề ngoài ăn mặc cũng không chỉn chu, gọn gàng cho lắm và tất nhiên, ông từ chối mọi lời mời hay phỏng vấn của truyền thông. Theo một nguồn tin mật, chính phủ Nga đã âm thầm giúp đỡ ông một khoản tiền nhỏ đủ để mua lương thực mỗi tháng.
Tiên Yên-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị