Câu hỏi tưởng chừng như vô lý này đã giúp chàng trai trẻ kiếm được tiền và trở thành triệu phú.
Làm thế nào để có chiếc xe Rolls-Royce trị giá 350.000 USD miễn phí? Bí quyết ư? “Tôi chỉ việc hỏi thôi,” Nathan Latka khi đó 29 tuổi nói với The Post.
Tất nhiên là mọi thứ không hề đơn giản như vậy. Nathan Latka đã thương lượng với một công ty chuyên cho thuê siêu xe để mượn chiếc Rolls-Royce này trong ngày. Đổi lại, anh sẽ đăng hình chụp cùng xe lên tài khoản Instagram của mình. Những giao dịch kiểu này không lạ với các influencer (người tạo ảnh hưởng), nhưng lúc ấy, chàng trai trẻ mới chỉ có vỏn vẹn 5.000 người theo dõi.
“Mọi người không nhận ra rằng kể cả những influencer ít tiếng tăm cũng có thể đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho các thương hiệu,” Latka cho biết.
Theo anh, nếu không đòi hỏi điều mình muốn, bạn sẽ không bao giờ phát hiện ra sức mạnh đàm phán của mình. “Bạn sẽ chẳng làm được gì nếu cứ nghĩ câu trả lời mặc định là ‘không’,” Latka khuyên.
Nathan Latka là một triệu phú đang sinh sống tại Texas (Mỹ). Anh đã thành lập công ty đầu tiên của mình – một ứng dụng cho Facebook mang tên Heyo trị giá 10,5 triệu USD – ngay tại ký túc xá 4 năm về trước chỉ với 119 USD. Bên cạnh đó, kênh podcast “The top Entrepreneurs” chuyên phỏng vấn các CEO và nhà đầu tư tầm cỡ của anh cũng có hơn 10 triệu lượt download.
Latka cho biết, anh kiếm hơn 100.000 USD/tháng nhờ nguồn thu nhập “thụ động” – bởi vì anh không tham gia mọi hoạt động điều hành ở các công ty do mình sở hữu trong lĩnh vực kỹ thuật số hay bất động sản.
“Mục tiêu của tôi không phải là trở thành doanh nhân tài giỏi,” Latka viết trong cuốn sách của mình. “Tôi muốn giàu có. Và bạn sẽ làm được điều này nhờ các nguồn thu nhập thụ động như tôi.”
Dưới đây là 5 bí quyết đã giúp Latka từ một chàng thanh niên chỉ có 119 USD trong tay trở thành triệu phú:
Đừng chỉ tập trung vào một việc duy nhất
“Cơ hội để bạn xây dựng được một đế chế tỷ đô ngay trong lần đầu tiên hoàn toàn là con số không,” Latka khẳng định. Thay vào đó, anh gợi ý rằng chúng ta nên theo đuổi ít nhất 3 cơ hội cùng lúc, thay vì quá tập trung vào một thứ. Để tránh kiệt sức, Latka khuyên: “Hãy dành 80% thời gian của mình cho dự án chính có khả năng đem lại nhiều lợi nhuận nhất. 20% còn lại chia đều cho những cơ hội dự phòng.”
Không đặt ra mục tiêu quá xa vời
Theo Latka, nếu bạn cứ mãi mơ mộng về cách mình tiêu tiền, bạn sẽ không bao giờ giàu được.
“Bạn đang quá tập trung vào quả trứng vàng của mình mà quên mất phải hỏi xem con gà đẻ quả trứng đó đang ở đâu?”
Đó chính là cách khiến chúng ta bị xao lãng và theo đuổi nhầm mục tiêu. Latka nói: “Chúng ta nhìn thấy một chiếc đồng hồ Rolex trị giá 30.000 USD và biến nó thành mục tiêu của mình. Chúng ta mơ về giấc mộng giàu sang thay vì bắt tay vào kinh doanh để ra tiền.” Nói cách khác, hãy nghĩ về công việc của mình, chứ không phải kết quả xa vời.
Bắt chước đối thủ
Bạn không cần phải nghĩ ra một ý tưởng độc đáo như Facebook mới có thể trở thành Mark Zuckerberg thứ hai. Ngay cả Facebook cũng bắt chước chính đối thủ của mình. “Khi Snapchat ra mắt Snapchat Stories, Facebook cũng cho ra đời Facebook Storie,” Latka chỉ ra.
Trước khi cho ra mắt một kênh podcast hay Youtube, Latka cho biết anh sẽ lên những trang như Patreon.com để tìm hiểu xem đối thủ của mình đang có gì. “Mọi chiến lược của các đối thủ đều như đang ở ngay trước mắt bạn,” anh nói.
Đàm phán ngay cả khi bạn không cần làm thế
Phương châm làm việc của Latka là: Hãy hỏi xin tăng lương kể cả khi bạn không cần. “Lúc bạn không cần nhiều lương chính là lúc bạn nên đàm phán xin tăng lương,” triệu phú 29 tuổi này khuyên. Đợi đến khi gặp gánh nặng về tài chính mới xin, bạn sẽ gặp khó khăn do bị lo lắng.
“Chìa khóa cho bất kỳ cuộc đàm phán nào là sự tự tin,” Latka cho biết. “Mọi người luôn tự tin hơn khi đang không phải đối mặt với khó khăn.”
Học cách tiết kiệm
Chiến lược đầu tư của Latka chỉ gói gọn trong một câu duy nhất: “Chi tiêu tiết kiệm”. Đối với chàng trai này, bất cứ khoản chi tiêu nào không cần thiết như quần áo hàng hiệu hay tư vấn pháp lý cũng nên tránh.
Theo Latka, những người giàu có “rất giỏi trong việc chi tiêu tiết kiệm.”
“Dù kiếm được bao nhiêu, nếu có cơ hội tiết kiệm hàng trăm USD hay hàng nghìn USD, tôi sẽ làm ngay,” Latka quả quyết.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể lập ra một số ý tưởng và nguyên tắc để giải quyết vấn đề, thế nhưng không có gì là hoàn chỉnh, chúng ta sẽ được thực tế dạy dỗ rất nhiều trên con đường chạm đến thành công. Tuy nhiên, dù thành công chưa đến thì ta vẫn sẽ có thu hoạch, cũng giống như đọc một cuốn sách, cái ta nhận lại chính là nội dung nằm trong cuốn sách đó.
Những người thành công thường nhìn thấy những cơ hội ở nơi không thể ngờ tới, và họ tuân theo những nguyên tắc cơ bản chứ không phải bí quyết gì cả, nhưng họ cũng sẽ thiết lập phương pháp luận và nguyên tắc của riêng mình.
Thùy Anh–Nhịp sống thị trường