“Trong sản xuất kinh doanh, ngoài chăm chỉ lao động còn phải chịu khó tư duy tìm hướng đi đúng và luôn giữ uy tín, lấy chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu mới thành công”-đó là lời chia sẻ của ông tỷ phú nông dân Nguyễn Văn Út (thôn 3, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) khi kể về quá trình lập nghiệp của mình.
Mồ côi bố mẹ từ khi còn nhỏ nên ông Út sớm phải bươn chải để kiếm sống. Sau khi lập gia đình, ông sang Đak Lak làm thuê với mong muốn kiếm tiền tích lũy cho tương lai.
Năm 1997, sau hơn 1 năm tằn tiện tích góp, ông Út trở về Ia Pa lập nghiệp. Thời điểm đó, người dân nơi đây chủ yếu trồng đậu xanh và bắp. Tuy nhiên, đậu xanh thường xuyên bị sâu bệnh, giá cả các loại nông sản bấp bênh…
“Lúc ấy, tôi lại nghĩ tới việc trồng mì và bán hom mì giống. Cứ 4 giờ sáng, tôi đạp xe xuống huyện Krông Pa thu mua mì. Sau đó, tôi thuê người nhổ rồi chở củ mì tươi đến thị xã An Khê bán với giá 500 đồng/kg. Đồng thời, tôi chọn những cây mì to đẹp chở về huyện Ia Pa bán hom giống cho bà con”-ông Út nhớ lại.
Có thu nhập, ông Út tích góp mua đất trồng mì. Năm 2002, ông mua 1 chiếc máy cắt củ mì, phơi khô rồi chế biến thành thức ăn gia súc bán cho doanh nghiệp. Sau đó, ông mua thêm 1 chiếc máy cắt mì nữa để nâng công suất cắt lên 100 tấn mì tươi/ngày nhằm bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn.
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, ông Út thu mua hơn 50.000 tấn mì tươi của người dân các huyện: Ia Pa, Krông Pa và thị xã An Khê. Sau khi cắt lát, phơi khô rồi xuất bán, ông lãi 500-700 triệu đồng/năm.
Từ số tiền đó, ông mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Đến năm 2010, ông có tổng cộng 65 ha mì và lúa. Năm 2013, nhận thấy trồng mì không còn hiệu quả do đất đai bạc màu và thường xuyên bị bệnh khảm lá, ông chuyển sang trồng điều. Sau nhiều lần chuyển đổi, đến nay, ông có tổng cộng 24 ha, chủ yếu giống điều AB0508 và AB29.
“Ban đầu, tôi trồng giống điều hạt nhưng giống này ra hoa vào tháng 11 và 12 Âm lịch hay gặp sương muối nên tỷ lệ đậu quả không cao. Sau chuyến học hỏi kinh nghiệm tại Bình Phước và Đồng Nai, tôi chuyển sang trồng giống điều ghép AB0508 và AB29. Hai giống điều này ra hoa sau Tết Nguyên đán nên tránh được sương muối và cho năng suất đạt 3,7 tấn/ha, cao hơn so với giống điều hạt gần 2 tấn/ha”-ông tỷ phú nông dân Nguyễn Văn Út cho biết.
Cách đây 1 năm, ông Út cũng chuyển gần 30 ha mì sang trồng keo và bạch đàn. Riêng cây mì ông chỉ giữ lại 7 ha và trồng xen vào vườn điều. Ông cũng duy trì 4 ha lúa và chăn nuôi heo, bò để tăng thêm thu nhập.
“Riêng 24 con bò cái cho nuôi rẽ, mỗi năm, gia đình tôi cũng được nhận về 10 con bê. Nguồn thu này cộng với thu từ mì và kinh doanh nông sản, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn 1,5 tỷ đồng/năm”-ông Út nhẩm tính.
Cũng theo ông nông dân tỷ phú Nguyễn Văn Út, thu nhập của gia đình sẽ tăng lên trong vài năm tới. Bởi lẽ, ngoài 11 ha mì và lúa, ông còn 24 ha điều mới chỉ cho thu hơn 1 nửa diện tích và gần 30 ha keo, bạch đàn.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Út còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu những giống cây trồng cho hiệu quả cao để người dân địa phương áp dụng.
Trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng điều cao sản và Tổ trưởng Tổ trồng mì, ông đã kêu gọi các thành viên gây quỹ được hơn 100 triệu đồng, giúp hàng chục hộ khó khăn vay đầu tư sản xuất. Ngoài ra, ông còn tự bỏ tiền túi hơn 250 triệu đồng giúp 15 hộ vay đầu tư sản xuất không tính lãi.
Bà Trần Thị Thẻ (thôn 3) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 5 ha mì, mía và lúa. Mỗi lần vào vụ gieo trồng, thiếu vốn đầu tư phân bón, tôi đều được ông Út cho vay 10 triệu đồng không tính lãi. Ông còn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng”.
Nói về mô hình sản xuất kinh doanh của ông nông dân tỷ phú Nguyễn Văn Út, ông Ksor Nhan-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai-không tiếc lời khen ngợi: “Chúng tôi rất ấn tượng về cách thức sản xuất kinh doanh của ông Nguyễn Văn Út. Không chỉ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, ông Út còn linh động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, biết nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, ông còn biết cách tập hợp nông dân và giúp họ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nên đã hạn chế được tình trạng bị thương lái ép giá. Ông Út nhiều lần được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện”.
Nhật Hào (Báo Gia Lai)