Một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp có trụ sở tại Abu Dhabi vừa thông báo về khoản đầu tư 60 triệu USD để mở rộng hoạt động trồng rau trên sa mạc ở Trung Đông.
Pure Harvest Smart Farms trồng trái cây và rau trong nhà kính giữa các sa mạc của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và đang xây dựng quan hệ đối tác để làm điều tương tự tại Ả rập Xê út và Kuwait. Khí hậu khắc nghiệp của Trung Đông khiến các quốc gia trong khu vực phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực. Khi đại dịch bùng lên hồi năm ngoái, an ninh lương thực nơi đây bị đe dọa.
“Thí điểm trồng hoa màu trên sa mạc đã cho thấy những kết quả rất hứa hẹn cùng tiềm năng sản xuất quanh năm tại ngay địa phương với chất lượng cao và giá thành tốt”, lãnh đạo công ty chia sẻ. Pure Harvest Smart Farms muốn mở rộng hoạt động của mình ra khu vực đồng thời cũng gia tăng số loại cây được trồng.
Công ty này mới huy động được 50 triệu USD thông qua trái phiếu Hồi giáo, hay còn được gọi là sukuk, đòn bảy tài chính tuân theo luật Shariah. Điều này được mô tả là khá mới vì hình thức đầu tư này vốn không dành cho startup bởi đặc tính mạo hiểm của chúng. Trước đó, Sancta Capital cũng đã bơm 10 triệu USD vào công ty khởi nghiệp này bởi đánh giá cao tiềm năng của nó.
Dù khá thành công trong việc huy động vốn nhưng CEO kiêm đồng sáng lập Sky Kurtz cho biết họ vẫn có ít tiền hơn so với các công ty nông nghiệp công nghệ cao ở Mỹ hay ở châu Á. Điều này bắt nguồn từ đặc thù thị trường đầu tư mạo hiểm ở Trung Đông kém phát triển hơn phần còn lại của thế giới.
“Chúng tôi đang trưởng thành nhanh chóng nhưng đó vẫn là thị trường tương đối non trẻ”, Kurtz nói.
Lãnh đạo của Pure Harvest cũng thừa nhận việc huy động được 200 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A là “cực kỳ lớn” ở cả khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp công nghệ cao được cho là rất thâm dụng vốn, dẫn đến sự thiếu hụt mà công ty đang phải đương đầu.
Dù huy động được số tiền khổng lồ nhưng Pure Harvest vẫn thua kém nhiều công ty khác. Chẳng hạn như Plenty ở Mỹ. Công ty này đã huy động được 500 triệu USD đầu tư cho các hoạt động của mình.
“Dù nhiều công ty gọi vốn được nhiều tiền hơn chúng tôi nhưng phải thừa nhận rằng, nhu cầu nông nghiệp trong nhà kính ở thị trường Trung Đông là vô cùng lớn. Hiện tại, 80 đến 90% trái cây tươi và rau quả tiêu thụ ở khu vực này được nhập khẩu từ nước ngoài”, Kurtz cho biết.
Trước những tiềm năng khổng lồ, Kurts tiết lộ tiền đầu tư vào Pure Harvest tới từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, điều đó không dễ dàng đạt được. Việc Trung Đông kém hấp dẫn hơn phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm khiến các công ty như Pure Harvest phải giành giật để có tiền.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều này đang thay đổi nhanh chóng. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn rất biết ơn các đối tác mà mình đã có”, Kurts chia sẻ.
Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt với đặc trưng là khô và nóng, nhiều phần đất ở Trung Đông bị hoang hóa hoặc là sa mạc. Nếu công nghệ có thể giúp phát triển nông nghiệp ở loại địa hình đặc thù này, Trung Đông có khả năng rất lớn trong việc giảm bớt áp lực nhập khẩu nông sản, thậm chí còn mang lại tiềm năng to lớn.
Linh Anh-Theo Doanh nghiệp và tiếp thị