Một ngày, có chàng trai đến gặp vị thiền sư và nói: “Thưa đại sư, vì sao con không thể sống vui vẻ được? Có quá nhiều điều không như ý, có quá nhiều điều bất công trong đời, khiến con luôn thấy mệt mỏi và phiền não”.
Thiền sư không trả lời, mà chỉ yêu cầu anh ta ra vườn hái đầy hai lẵng hoa. Một lát sau, chàng trai quay trở lại, mang hai lẵng đầy hoa dâng lên trước mặt thiền sư.
Thiền sư nói: “Buông!”.
Chàng trai lưỡng lự không hiểu, nhưng cũng đặt lẵng hoa bên tay trái xuống trước.
Thiền sư lại nói: “Buông!”.
Anh ta lại đặt lẵng hoa bên tay phải xuống.
Thiền sư lại nói: “Buông!”.
Anh ta ngơ ngác nhìn thiền sư và nói: “Đại sư, con đều buông xuống hết rồi, không còn gì để buông xuống được nữa”.
Thiền sư nói: “Nhưng tâm của con vẫn chưa buông xuống được”.
Chàng trai nghe đến đây, đột nhiên bừng tỉnh.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể buông được cái tâm mình, có như vậy tâm thái mới
có thể bình thản yên vui. (Ảnh: pngtree.com)
Câu chuyện trên có ảnh hưởng lớn đối với tôi, giúp tôi nhận ra rằng: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể buông cái tâm mình xuống được, có như vậy tâm thái mới có thể bình thản yên vui. Từ đó, đối với việc bình bầu lao động tiên tiến, đối với tiền thưởng, hay những việc mà mọi người vẫn hay tính toán so đo, tôi cũng không còn tranh giành nữa. Sẵn sàng nhường hoa tươi cho người khác, người ta vui cười với tôi, như vậy thật là tốt đẹp.
Sau này, với những việc như thăng quan tiến chức tôi cũng để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên, mọi việc đều có mệnh cả rồi. Cổ nhân cũng dạy: “Trong mệnh mà có thì cuối cùng cũng sẽ có được, trong mệnh mà không có thì chớ gắng gượng cầu làm gì”, cho nên con người ta không cần nhọc sức tranh đấu về những chuyện như thế. Nhờ đó tôi thấy cuộc sống thật thoải mái dễ chịu, không hề có chút áp lực nào.
Trên thế gian này không có gì là không thể buông bỏ được
Có câu chuyện kể rằng, sau khi có được giang sơn, Lưu Bang ngày đêm lo lắng sẽ có người đoạt mất thiên hạ của mình, nên thân tại ngôi cao thiên tử mà cuộc sống lại rất mệt mỏi. Trước khi chết, Lưu Bang triệu tập các chư hầu và quần thần vào phòng, rồi giết một con ngựa trắng và bắt họ phải thề: “Từ hôm nay trở đi, ngoài họ Lưu ra thì không ai được phong vương, ai có công cũng không được phong hầu. Nếu trái lời thề này sẽ bị cả thiên hạ đánh”.
Nhưng Lưu Bang vừa nhắm mắt thì Lã Hậu đã phong tỏa tin tức, bí mật không phát tang, mưu đồ tiếm quyền. Nỗi lo cả đời của Lưu Bang khi ở ngôi thiên tử và hành động giết ngựa thề ước trước khi chết chẳng thể ngăn cản được dã tâm mưu quyền đoạt vị của Lã Hậu.
Con người bởi vì quá tranh tranh đoạt đoạt, nên mới có chuyện người này không yên tâm đối với người kia, người kia cũng không yên tâm đối với người này; người này muốn tranh đấu với người kia, người kia cũng không thể không động lòng mưu tính chống lại. Kết cục là, cả hai đều bị thương.
Có những việc mà nếu không buông bỏ, thì cũng không còn lựa chọn nào khác. Ví như một viên ngọc quý, sẽ có ngày rơi vào tay kẻ khác. Nhưng có người không nghĩ thế, cho dù xuống suối vàng họ cũng phải đem theo viên ngọc đó, kết quả chiêu mời đám trộm mộ. Viên ngọc quý bị trộm lấy đi, còn thi thể của chủ nhân thì bị phơi bày ra ngoài nơi hoang dã…
Bỏ xuống cũng là trí huệ
Nghiêm Quang không coi trọng danh lợi, không tham luyến tiền tài, sống một đời thanh bạch
nên mới có thể lưu lại danh tiếng cho đời sau. (Ảnh minh họa: twitter.com)
Khi Lưu Tú lập nên vương triều Đông Hán thì quốc thổ đã đầy thương tích. Để mau chóng kết thúc cục diện chiến loạn liên miên, dân không biết sống dựa vào đâu, ông bèn cầu hiền khắp nơi, tìm người có tài trị sửa quốc gia. Một hôm ông nhớ tới người bạn đồng song Nghiêm Quang (tự Tử Lăng), là một người có học vấn sâu rộng. Ông bèn tìm khắp chốn, cuối cùng tìm được Nghiêm Quang, nhưng Nghiêm Quang không muốn ra làm quan. Lưu Tú đã làm mọi cách để thuyết phục nhưng cũng không thể làm Nghiêm Quang động lòng.
Được quần thần khuyên bảo, cuối cùng Lưu Tú cũng không miễn cưỡng nữa, ban cho Nghiêm Quang ít tiền rồi để ông ta trở về quê câu cá. Nơi Nghiêm Quang câu cá bên bờ sông ở Đồng Lư, Chiết Giang, được người đời sau gọi là “Bến Tử Lăng”. Nghiêm Quang không coi trọng danh lợi, không tham luyến tiền tài, ông chỉ sống một đời thanh bạch nên mới có thể lưu lại danh tiếng cho đời sau.
Buông bỏ là một loại tự tại
Có câu chuyện như thế này: Ở ngôi chùa nọ có hai hòa thượng, một già một trẻ. Hòa thượng trẻ thường sai hòa thượng già làm việc này việc kia. Có người đến dâng hương, hòa thượng trẻ nói với hòa thượng già: “Có khách đến rồi, sư đi pha trà cho khách đi”. Thấy ban thờ Phật có bụi bẩn, hòa thượng trẻ bảo hòa thượng già đi lau dọn. Có khách hành hương thấy hòa thượng già bị hòa thượng trẻ sai bảo đến mức chạy đông chạy tây, tất bật không ngừng mà cảm thấy không vừa mắt. Khách hành hương bèn hỏi hòa thượng già: “Hòa thượng trẻ là người thế nào với ngài, tại sao anh ta luôn luôn sai ngài làm các việc lặt vặt?”.
Hòa thượng già nói: “Nó là đồ đệ của tôi, tôi là sư phụ của nó”.
Vị khách thực sự không thể hiểu được tại sao như vậy. Hòa thượng già giải thích rằng: “Tôi có đồ đệ như thế này là phúc của tôi đó. Mọi việc lớn nhỏ trong chùa đều là đồ đệ lập kế hoạch sắp xếp, cũng đủ vất vả cho cậu ta rồi. Tôi chẳng qua là làm mấy việc chẳng đáng bận tâm, thật tự tại làm sao”.
Vị hòa thượng già này đã buông bỏ hết thảy, nên ông mới hoàn toàn ung dung tự tại đến vậy.
Sống trong cuộc sống hiện thực mà có thể buông bỏ được cái tâm này mới có thể
sống một đời tự tại. (Ảnh: modafinilsale.com)
Tất nhiên, buông bỏ không phải là bỏ đi vật chất tiền tài, bỏ đi thân nhân quyến thuộc, bỏ đi địa vị công danh… mà kỳ thực là buông bỏ cái tâm này. Nhưng buông bỏ rất khó khăn. Cổ phiếu tăng giảm, chúng ta có thể bình thản được không? Thành tích học tập của con cái sa sút, chúng ta có thể bình tĩnh được không? Thăng quan tiến chức, chúng ta có thể bình tâm được không? Tình sâu nghĩa nặng, chúng ta có thể coi nhẹ được không? Thậm chí một trận bóng đá được thua chúng ta còn xáo động mãi trong lòng, “buông bỏ” mới khó nhường nào!
Nhìn những người đi đường đều vội vàng tất bật, trông những hành khách trên xe đầy tâm sự chất chồng, thử hỏi trên thế gian có mấy người sống an nhiên bình thản? Chúng ta thường thấy có những người mắt đỏ sưng phồng, vì một chút danh lợi chưa thỏa mãn mà trằn trọc cả đêm không thể yên giấc. Cái tâm ấy nếu không chịu buông xuống, sao có thể sống một đời tự tại đây?
Nam Phương – Theo Tiểu Cố Sự