Đáng chú ý, mặt hàng này chưa bao giờ ế khách.
Theo Báo Bình Phước, nhờ trồng cây sương sâm, nông dân Nguyễn Văn Ngọc ở xã Phú Trung (huyện Phú Riềng, Bình Phước) đã “hái ra tiền”.
Trong một chuyến đi Đồng bằng sông Cửu Long, anh Ngọc đã nhận thấy nhiều hộ trồng sương sâm và thu lãi lớn. Năm 2023, anh mang cây giống về trồng thử nghiệm trên 1.500m2 đất của gia đình.
Ban đầu anh làm giàn bằng cây tre, dây thép và sợi chỉ. Sau đó, anh dùng cọc sắt cố định, cao khoảng 4m để sử dụng lâu dài. Chi phí đầu tư làm giàn loại này khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.
Hiện anh Ngọc trồng với mật độ 3.500 cây/1.000m2, mỗi gốc cách nhau 30cm, mỗi hàng cách nhau 80cm và giữa các luống cách nhau từ 1-1,2m.
Anh Ngọc cho biết không nên trồng quá dày để những lá dưới gốc không bị thiếu ánh sáng. Nếu chăm sóc tốt, mỗi dây sương sâm có thể thu hoạch trong nhiều năm.
Cây sương sâm dễ trồng, nhưng cần hiểu rõ tập tính sinh trưởng, chăm sóc đúng cách thì mới cho năng suất lá ổn định.
Sau 5 tháng trồng thử nghiệm, vườn sương sâm của gia đình anh Ngọc cho thu hoạch 500kg lá, xuất bán cho các cơ sở chế biến thạch sương sâm ở các tỉnh, thành.
Giá bán 1kg lá từ 55.000-60.000 đồng, khoảng 20 ngày anh Ngọc sẽ thu hoạch lá một lần. Với diện tích hiện tại, một năm anh Ngọc thu hoạch khoảng 3 tấn lá, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 130 triệu đồng.
Vào mùa mưa, nguồn nước dồi dào, cây phát triển xanh tốt nên lượng lá thu hoạch nhiều. Còn mùa nắng, lá sương sâm “cháy hàng”, không đủ cung cấp cho thị trường nên giá bán sẽ cao hơn.
Chỉ cần khu vườn có lá bán là thương lái đặt hàng. Anh Ngọc chia sẻ: “So với những loại cây khác trồng từ 3-6 năm mới cho thu hoạch, cây sương sâm chỉ trồng trong thời gian ngắn là đã có thu”.
“Nếu chăm sóc đúng quy trình, 1 ha có thể cho thu hoạch hơn 30 tấn lá/năm. .
Cũng trồng cây sương sâm, ông Nguyễn Quang Định – người được mệnh danh là “vua” lá sương sâm ở Quảng Nam, theo Dân Trí.
“Nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau 5-6 tháng có thể thu hoạch. Dây càng lớn thì năng suất càng cao. Cây rất dễ trồng. Trong thời gian phát triển, cây cần được cung cấp đủ nước tưới, làm giàn chắc chắn là được”, ông Định chia sẻ.
Hiện gia đình ông Định đầu tư hơn 3.000 m2 đất trồng cây sương sâm. Sắp tới, ông sẽ đầu tư trồng thêm 2.000 m2 để cung ứng lá sương sâm ngược vào cho khách hàng ở miền Nam.
Theo ông Định, từ khi trồng loại cây này (từ 10 năm nay), chưa khi nào mặt hàng này bị ế ẩm. Sau khi có sản phẩm, khách hàng đến tận vườn thu mua chứ không phải mất công chở đi bỏ mối ở nơi xa.
Lá được xuất bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg. “Lá đạt chất lượng thì khoảng 25 ngày sẽ được thu hoạch một lần. Bình quân 500 m2 vườn trồng, tôi thu được 200-300 kg lá. Với diện tích hiện tại, một năm tôi có thể thu được 20 tấn lá sương sâm, thu nhập khoảng 2 tỷ đồng“, ông Định nói.
Cây sương sâm không khó trồng
Theo báo Dân tộc và phát triển, cây sương sâm tuy dễ sống nhưng nếu trồng sai cách sẽ không có được năng suất cao, thậm chí khiến cây chết.
Sương sâm thích hợp trên nhiều chân đất, nơi đất cao ráo thoát nước tốt, có độ mùn cao, được che mát 20 – 30%. Cây cần nhiều nước nhưng không chịu úng nên những vùng đất thấp phải lên ụ hay lên liếp cao để thoát nước. Nhưng để cây phát triển tốt thì chọn chân đất nhiều mùn, nhiều dinh dưỡng và có cây chà chống đỡ. Trồng theo hàng phải làm luống.
Cây có thể trồng bằng hạt hoặc cành. Sau đó, chọn những cây lá tốt sinh trưởng mạnh (lá xanh bóng, mượt, kích thước lá to), tách ra đem trồng. Trồng cây con gieo sẵn vào từng hàng vào đất (ngập 2/3 đoạn thân vừa cắt), sau đó tưới nước nhẹ cho cây đủ ẩm. Hàng ngày tưới nước 2 lần cho cây.
Lá sương sâm là loại cây trồng ít sâu bệnh hại, sương sâm rất sợ úng, úng sẽ dễ bị bệnh, đặc biệt là bệnh thối rễ, chết nhanh. Từ lúc dây bắt đầu bỏ ngọn và bắt đầu leo được khoảng 3 – 4 tháng sau thì có thể thu hoạch được, lá càng xanh đậm càng tốt.
Theo Dy Khoa-Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn