Trong khi Việt Nam chưa có quy định thế nào là hàng “Made in Vietnam”, các nền kinh tế lớn trên thế giới đưa ra những bộ tiêu chí rất chi tiết về việc gắn nhãn “Made in…”.
Tại Mỹ, theo quy định của Ủy ban Thương mại liên bang (FTC), một loại hàng hóa có thể được dán nhãn “Made in USA” phải đáp ứng các tiêu chí rất nghiêm ngặt.
Theo đó, tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm này đều phải có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố nước ngoài trong sản phẩm chỉ được bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Tuy nhiên trong trường hợp mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn “Made in USA” sẽ được nới lỏng. Theo đó, chỉ cần 50% linh kiện trở lên được làm tại Mỹ là đủ để đáp ứng yêu cầu.
Khi phân tích một mặt hàng có đủ tiêu chuẩn gắn nhãn “Made in Canada” hay không, Cục Cạnh tranh Canada áp dụng hai quy chuẩn.
Thứ nhất, công đoạn gia công, chế biến cuối cùng của hàng hóa phải được thực hiện ở Canada. Thứ hai, ít nhất 51% tổng chi phí trực tiếp sản xuất hoặc sản xuất hàng hóa phải là của Canada.
Tại Thụy Sĩ, một loại hàng hóa công nghiệp sẽ chỉ được dán nhãn “Made in Switzerland” nếu đảm bảo được rằng ít nhất 60% chi phí sản xuất và các công đoạn gia công quan trọng được thực hiện tại Thụy Sĩ.
Với các mặt hàng thực phẩm, giới chức Thụy Sĩ yêu cầu tỷ lệ nguyên liệu thô và quá trình sản xuất thiết yếu tại nội địa phải đạt ít nhất 80%.
Theo luật Pháp, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu sản phẩm phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm nếu nhãn “Made in France” được dán trên sản phẩm đó. Họ phải cho thấy sản phẩm đã được sản xuất hoàn toàn tại Pháp hoặc công đoạn chế biến, gia công cuối cùng được thực hiện ở Pháp.
Năm 2009, ltaly tuyên bố chỉ các sản phẩm hoàn toàn được thực hiện tại nước này (quy hoạch, sản xuất và đóng gói) mới được phép sử dụng các nhãn “Made in Italy”. 100% được sản xuất tại Italy, 100% tiếng Italy, có cờ Italy. Mỗi hành vi vi phạm đều bị pháp luật Italy trừng phạt.
Tại khu vực châu Á, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đưa ra những quy định chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Theo đó, một sản phẩm “Made in Taiwan” sẽ phải đáp ứng các điều kiện được sản xuất hoàn toàn tại Đài Loan.
Trường hợp có hơn một nền kinh tế tham gia vào hoạt động sản xuất, công đoạn gia công cuối cùng sẽ phải được tiến hành tại Đài Loan.
Văn Hưng (ZN)