Đến thăm vườn hoa giấy của chị Nguyễn Thị Kim Vân (xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) khi bình minh ngập tràn những tia nắng vàng, phản chiếu trên từng khóm hoa giấy nhiều màu lung linh khoe sắc.
Với diện tích đất trên 2 hecta, chị Nguyễn Thị Kim Vân đầu tư tất cả cho mô hình trồng hoa giấy với nhiều chủng loại khác nhau, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.
So với các mô hình sản xuất, kinh doanh lớn khác, số tiền thu được từ mô hình trồng hoa giấy của chị Vân tuy không lớn, nhưng so với thu nhập trung bình của bà con vùng sông nước, trên mảnh đất nhiễm phèn thì không phải ai cũng thực hiện được.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn, ý thức được sự vất vả của cha mẹ, từ khi còn ngồi dưới trên ghế nhà trường, chị Kim Vân đã biết chăm nom vườn tược cho đến việc nội trợ của gia đình.
Ngoài giờ học, chị mua buôn bán nhỏ phụ gia đình để có thêm kinh phí mua dụng cụ học tập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân ngành Ngữ Văn, chị Vân tham gia công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp được 4 năm, do gia đình đơn chiếc nên chị xin nghỉ việc và bắt tay vào kinh doanh bên ngoài.
Để bắt đầu việc kinh doanh, chị thành lập chuỗi phân phối bao bì giấy tại các khách sạn, quán ăn trong và ngoài tỉnh để lấy ngắn nuôi dài. Sau khi tích lũy lợi nhuận từ kinh doanh, chị Kim Vân đầu tư vào 10.000 mét vuông đất trồng lúa (do đất nhiễm phèn nặng, mỗi vụ thu hoạch đôi khi thiếu chi phí, gia đình khó khăn, có lúc phải vay nợ).
Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, chị Vân được biết cây hoa giấy phù hợp với đất phèn, sau khi thu hoạch, lớp phân bón hữu cơ bón cây còn lại sẽ giúp cho đất tơi xốp, màu mỡ hơn.
Năm 2020, chị mạnh dạn đưa cây hoa giấy về trồng thử nghiệm, với số lượng vừa phải để xem hiệu quả như thế nào. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị tìm đến các nhà vườn ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung và huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là những vùng chuyên trồng hoa giấy, để tìm hiểu cách thức chăm sóc loại cây này.
Ngoài ra, chị thường xuyên nghiên cứu các tài liệu và xem hướng dẫn cách trồng hoa giấy trên các trang mạng xã hội, từ đó, chị đặt mua các loại hoa giống Mỹ về ghép với nhiều giống khác nhau, để tạo cho vườn hoa đa dạng màu sắc, đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách hàng.
Để có một chậu hoa giấy đẹp, ưng ý phải trải qua công đoạn ghép phôi. Cách ghép cũng đơn giản nhưng trước tiên phải chọn gốc ghép (phôi ghép) như: Chọn phôi có hình dáng lạ, củ phình to, bán kính từ 5 đến 15 xăngtimét; gốc ghép có tuổi đời 2 đến 3 năm, bộ rễ khỏe, khả năng sinh trưởng tốt. Đối với việc chuẩn bị tược ghép (bo ghép): Lựa cây bo mập, cứng cáp tầm 3 đến 4 tấc, cắt tỉa bớt lá để hạn chế bo hút hết nhựa của cây phôi.
Khi cây bo có màu nâu gỗ vừa cứng, không chọn phần bo quá non hoặc quá già tỷ lệ sống sẽ không cao. Trung bình mỗi cây bo có sử dụng 2 đến 3 mắt ghép, mỗi mắt ghép có độ dài từ 1,5 đến 2cm.
Sau khi ghép xong, dùng dây nilon quấn để giữ cố định mắt ghép, trùm kín bao nilon xung quanh phần nối của mắt ghép tránh nước xâm nhập và giữ ẩm để mắt ghép nhanh ra rễ. Cứ vài ba tuần, chị lại thuê nghệ nhân ở Lai Vung và 5 đến 7 người làm công đến ghép, thay phân để duy trì nguồn hàng khi khách yêu cầu bất cứ lúc nào.
Hiện vườn hoa giấy của chị Vân có trên 20.000 chậu hoa giấy các loại và trên 10 loại hoa giấy ghép các loại như: Cẩm thạch quế, Mỹ đỏ, Mỹ trắng, Mỹ cam, vàng, Ấn Độ đổi màu, Tím tuyết, Hồng gân, Đỏ lửa, Cam lửa, Phớt hồng, Suraca, Cẩm thạch đỏ, Cẩm thạch vàng…
Ngoài tìm hiểu thêm công nghệ làm cây kiểng, chị Vân còn tham gia Hội nhóm cây cảnh Bắc Trung Nam để các cửa hàng và người đam mê hoa kiểng biết đến vườn hoa giấy của mình. Định kỳ 3 tháng, chị xuất đơn hàng trên 100 triệu đồng để giao cho khách ngoài tỉnh, với số lượng lớn từ kiểng thành phẩm đến cây giống các loại.
Đặc biệt, chị Kim Vân còn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc hoa kiểng giấy cho sáu hộ nông dân ở địa phương, sau khi trồng đạt chất lượng sẽ thu mua lại cây giống giúp họ phát triển kinh tế gia đình hướng đến làm giàu từ hoa kiểng.
Nhờ phát triển vườn hoa giấy, chị đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, có thu nhập ổn định, mỗi tháng từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, giúp người lao động thuận tiện trong việc chăm sóc gia đình con cái nên ai cũng phấn khởi. Sau khi trừ chi phí mỗi tháng chị thu lãi trên 50 triệu đồng từ vườn hoa giấy của gia đình.
Với sự đột phát trên, người nông dân thời đại 4.0 luôn bắt nhịp với tiến bộ của khoa học công nghệ và biết tự thay đổi chính mình để phát triển kinh tế. Từ mảnh đất nhiễm phèn nặng của gia đình, chị Kim Vân đã chủ động đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư thay đổi phương thức sản xuất để thích nghi với biến đổi khí hậu, làm gia tăng giá trị sản xuất trên chính mảnh đất quê hương mình.
Điểm đặc biệt, chị quyết tâm làm giàu chính đáng cho bản thân và mong muốn giúp nhiều người xung quanh có cuộc sống khấm khá hơn. Đây là hướng đi đột phá của cô gái 8X trên mảnh đất Cao Lãnh anh hùng, cần nhân rộng điển hình để nhiều người học tập, làm theo.
K.C (Cổng TTĐT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp)