Từ những năm 1967, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, đã lên thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) định cư và phát triển kinh tế. Hiện nay, hộ ông Sơn đã là hộ khá giả với mô hình trồng cây sơn ta và trồng cây ba kích-một cây dược liệu quý…
Trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có rất nhiều nông dân tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của địa phương xây dựng mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Từ đó tạo ra nhiều loại sản phẩm hàng hóa, có giá trị kinh tế cao tại địa phương.
Từ những năm 1967, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, Quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, đã lên Tân Lập, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên định cư và phát triển kinh tế.
Với ý chí quyết tâm làm giàu từ vùng đất mới này, nên gia đình ông đã khai phá và mua thêm được gần chục ha đất, những năm đầu ông cũng chỉ trồng các loại cây như: lúa, ngô, khoai sắn và các loại cây keo, soan, mỡ và cây chè… không mang lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ đủ ăn, chứ không thể làm giàu.
Đến năm 2012 ông đã đưa cây sơn ta vào trồng, sau 2 năm cây bắt đầu cho thu hoạch nhựa, đến nay gia đình ông Sơn có hơn 11 ha cây sơn đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng, từ bán nhựa.
Đến năm 2018, ông Sơn tiếp tục đưa 2 ha cây ba kích vào trồng dưới tán cây sơn. Đặc điểm của cây này ưa mát, phát triển tốt dưới tán rừng, phải làm giàn và trồng ở nơi cao ráo, không ngập úng.
Sau 4 năm cây sơn ta mới cho thu hoạch nhựa, trung bình mỗi ha rồng sơn ta cho thu trên 2 tỷ đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế, năm 2023 này, gia đình ông tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng cây sơn và cây ka kích.
Việc trồng hai loại cây này đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định so với các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Cây sơn trồng trong vòng từ 18 – 20 tháng sẽ cho thu hoạch nhựa, thu nhập rất là ổn định. Khi trồng cây sơn này được 10 năm tuổi thì chúng tôi tiếp tục đưa cây ba kích vào trồng, từ đó cũng tạo điều kiện đem lại thu nhập ổn định cho gia đình phát triển kinh tế”.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, với tinh thần hăng say lao động của ông Sơn, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong quá trình lao động, sản xuất.
Thành công từ mô hình phát triển kinh tế qua mô hình trồng cây sơn ta, trồng cây ba kích của ông Sơn đã giúp cho nhiều người lao động tại địa phương có việc làm thu nhập ổn định.
Chị Ngô Thị Thủy, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ tâm sự: “Tôi làm việc ở đây đã được 3 năm rồi, công việc đây phù hợp với sức khoẻ của mình, không quá nặng nhọc, mỗi tháng thu nhập của tôi được trên 10 triệu đồng”.
Với 2 loại cây trồng như cây sơn, cây ba kích của hộ gia đình ông Sơn đã có thu nhập tiền tỷ, người làm công cũng đạt trên 10 triệu đồng trên tháng.
Tuy nhiên trên địa bàn huyện Vị Xuyên lại có rất ít hộ gia đình tham gia trồng 2 loại cây này, bởi trong quá trình trồng, chăm sóc đòi hỏi phải nắm chắc các biện pháp khoa học kỹ thuât, nên người dân chưa chịu khó học hỏi mặt khác thu hoạch sơn rất vất vả và thu hoạch về đêm và là lo đầu ra cho sản phẩm.
Chị Hán Thị Thủy, một thương lái thu mua nhựa sơn đến từ huyện Tam Nông , tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Tôi thấy đất đai ở đây rất tốt, và thích hợp trồng loại cây sơn, cây ba kích cho hiệu quả kinh tế cao. Và số lượng thu mua của chúng tôi khi thu mua được mỗi tuần 1 tấn – 20 tấn nhựa sơn”.
Qua mô hình trồng sơn, trồng ba kích của gia đình ông Sơn phần nào có thể giúp cho những người có ý định, hay đang thực hiện việc trồng cây sơn, cây ba kích sẽ yên tâm hơn cho vấn đề đầu ra.
Đồng thời, mô hình là động lực để các hộ nông dân trong huyện Vị Xuyên cũng như trong xã Ngọc Linh có tâm huyết, có ý chí mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng mới vào sản xuất để tăng thu nhập.
Vi Quyền-Vi Khiết (Cổng TTĐT huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)