Nếu có thể ở trong nguy khốn mà giữ tròn tiết tháo, dùng đại thiện đại nhẫn mà đối mặt với sự bức bách, uy hiếp, giữ được tấm lòng rộng mở, giữ được khí phách chính trực như cây tùng cây bách thì cảnh giới ấy nếu không phải bậc giác giả, thánh hiền thì sẽ không thể đạt tới được.
Nhạc Phi, nhà quân sự lỗi lạc thời Nam Tống, là danh tướng trí dũng song toàn, võ công siêu quần, có năng lực đánh bại cả trăm vạn quân Kim, vậy tại sao khi bị hãm hại, ông không giết chết gian tặc Tần Cối? Ngay cả nếu không muốn giết chết Tần Cối, thì tại sao ông không đơn giản là trốn thoát giữ thân, để đến nỗi phải chết oan dưới đình Phong Ba? Tại sao ông lại để gian thần Tần Cối lấy tội danh “mạc tu hữu” (không cần có tội) để hành quyết ông và con trai ông?
Hay câu chuyện về nghĩa khí của Quan Vân Trường trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” được rất nhiều người biết đến. Quan Vũ kết nghĩa huynh đệ với Lưu Bị, nhưng lại bị hãm trong Tào doanh, được nhận ân sâu của Tào Tháo, nhưng vẫn thủy chung một lòng với Lưu Bị.
Quan Vũ được Tào Tháo đãi ba ngày một yến tiệc nhỏ, năm ngày một yến tiệc lớn, được ban tặng áo bào, ngựa quý, vàng bạc, mỹ nữ, nhưng tâm của Quan Vũ không vì tài sắc mà rung động. Ngược lại, ông vẫn kiên trì: “Nếu biết Hoàng thúc ở đâu, dẫu có đạp lên nước hay lửa, ắt phải tìm cho bằng được”.
Với võ công của Quan Vũ và thực lực của Tào Tháo lúc bấy giờ, không khó tưởng tượng nếu dưới trướng Tào Tháo, Quan Vũ quá dễ dàng có được vinh hoa phú quý. Tuy nhiên để lưu lại cho người đời một chữ “Nghĩa”, Quan Vũ đã vượt qua năm ải chém sáu tướng, cự tuyệt Táo Tháo để trở về đồng cam cộng khổ với Lưu Bị.
Không chỉ Nhạc Phi, Quan Vũ mới có khí phách như vậy mà rất nhiều bậc giác ngộ trong lịch sử cũng làm người như vậy. Văn Thiên Tường được xưng là anh hùng dân tộc của Trung Hoa và là nhà thơ nổi tiếng vào những năm cuối Nam Tống. Thời ấy, quân Mông Nguyên xâm lược Trung Nguyên, tình hình chính quyền triều đại Nam Tống bất ổn định.
Văn Thiên Tường là một vị quan văn, nhưng vì phản đối Mông Nguyên xâm lược, bảo vệ đất nước nên ông đã dũng cảm ra chiến trường. Ông nói với mọi người rằng: “Cứu nước như cứu cha mẹ. Cha mẹ có bệnh, cho dù là bệnh khó chữa trị thì con cái vẫn phải toàn lực cứu chữa!” Năm 1278, Văn Thiên Tường bị bắt làm tù binh.
Trên đường bị áp giải đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), Văn Thiên Tường đã viết: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” (Tạm dịch: Xưa nay hỏi có ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh). Câu thơ này đã trở thành một áng thơ ca bất hủ nghìn đời. Nguyên thế tổ Hốt Tất Liệt đã dùng quan to lộc hậu để dụ Văn Thiên Tường chiêu hàng nhưng ông thà chết không chịu khuất phục.
Uy đức vĩ đại và khí phách phi phàm của các bậc giác giả là không bị phai nhòa theo thời gian. Xưa nay, các bậc giác giả được kính ngưỡng không chỉ bởi việc thiện mà họ làm, cách họ giữ vững chính tín, mà còn bởi cách hành xử của họ khi đối mặt với nghịch cảnh. Chỉ những người không phải “phàm phu tục tử” mới có thể lấy ơn báo oán, lấy từ bi cảm hóa cái ác, dùng thiện để hóa giải mọi ân oán. Trong lịch sử các bậc giác giả, thánh nhân như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus đều là những người làm được điều này.
Khi Chúa Jesus đến thế gian cứu rỗi con người, Ngài đã triển hiện nhiều thần tích cho nhân loại. Là con của Thượng Đế, không khó để Ngài thoát khỏi bị đóng đinh trên giá thập tự. Nhưng để chuộc tội cho loài người, Ngài sẵn sàng xả bỏ bản thân, chịu đựng thụ hình để gỡ sạch ân oán.
Ngài không hề oán trách những kẻ làm hại Ngài, ngay cả kẻ phản bội Judas. Ngài lấy đức báo oán chứ không phải lấy ác chế ác, lấy thiện tâm để cảm hóa người đời. Đây chính là khí phách phi phàm của bậc giác giả, không chỉ vĩnh viễn được người đời tôn kính, mà còn bất diệt, trường tồn với thời gian.
An Hòa