Cổ nhân nói: “Hoạn nạn kiến nhân tâm” (khó khăn mới thấy được lòng người). Thời Tam Quốc, thiên hạ đại loạn, sinh linh đồ thán nhưng cũng là lúc tuyên dương rõ ràng hơn cả hai chữ “nhân nghĩa”. Trong các anh hùng thời loạn đó, ai xứng đáng là người nhân nghĩa nhất?
Thiên hạ chia năm xẻ bảy, anh hùng, kẻ sĩ nháo nhác đi tìm một mảnh đất dựng nghiệp. Hơn ai hết, với thân phận của một hoàng thúc, Lưu Bị cần một vùng đất để lập chỗ đứng, thoả chí lớn. Trước, Đào Khiêm ở Từ Châu bị Tào Tháo xua quân đánh. Lưu Bị lực yếu quân mỏng, vẫn xốc vác lên đường ứng cứu, là một trong những anh hùng hiếm hoi tới tương trợ cho Từ Châu. Cuối cùng quân Tào bị đẩy lui. Đào Khiêm cảm cái ơn cứu giúp ấy mà ba lần nhường lại ấn thứ sử cho Lưu Bị. Nhưng Lưu Bị nhất quyết trước sau từ chối. Đào Khiêm tuổi cao bệnh nặng, trước khi chết vẫn ân cần muốn Lưu Bị ngồi giữ Từ Châu thay mình. Gia Cát Lượng cũng khuyên Lưu Bị đồng ý. Đào Khiêm mất, quân dân Từ Châu khóc lóc mong mỏi Lưu Bị lên cai quản. Bấy giờ ông mới đồng ý. Cái nghĩa ấy, người bình thường khó lòng làm được.
Trận chiến Tân Dã, quân Tào trúng kế hoả công của Khổng Minh, tổn thất nặng nề. Tào Tháo biết tin giận lắm, bèn đích thân đốc thúc đại quân tiến đến báo thù. Ba quân đông như kiến cỏ, kéo đến Tân Dã đóng trại. Tháo sai quân sĩ một mặt kiểm soát trên núi, một mặt lấp sông Bạch Hà, lại chia đại quân làm tám đường, khí thế ngút trời, quyết vây chặt Phàn Thành của Lưu Bị.
Lưu Bị hỏi kế Khổng Minh. Khổng Minh cho rằng nên bỏ Phàn Thành, lánh đến Tương Dương. Lưu Bị chợt hỏi: “Vậy còn bách tính thì sao đây? Họ đã theo ta lâu ngày, không thể nhẫn tâm bỏ được”. Khổng Minh nói: “Có thể sai người loan báo rằng bách tính ai muốn theo thì đi cùng, ai không muốn đi thì ở lại”. Lưu Bị sai người đi truyền tin khắp thành. Dân chúng biết được, ai nấy đều hô to: “Chúng tôi dù chết cũng nguyện đi theo Lưu sứ quân”.
Ngay hôm đó, già trẻ dắt díu nhau, vừa đi vừa khóc, ùn ùn vượt sông, hai bờ tiếng khóc lóc không dứt. Lưu Bị đứng trên thuyền trông thấy, khóc lớn rằng: “Vì một mình ta mà bách tính phải chịu đại nạn này, ta còn sống làm gì!”. Dứt lời toan đâm đầu xuống sông tự vẫn. Tả hữu can lại, khuyên nhủ mấy bận mới thôi. Thuyền đến bờ nam, ngoảnh đầu nhìn lại bách tính, vẫn có người chưa qua sông kịp, đang trông sang bờ nam mà khóc. Lưu Bị vội vàng lệnh Quan Vân Trường cho thuyền đưa họ sang sông, đến khi tất cả mọi người đã qua sông, Lưu Bị mới lên ngựa.
Người hiện đại không hiểu cổ nhân, thường cho rằng đó toàn là những hành vi “đạo đức giả” của Lưu Bị nhằm mua chuộc lòng người. Thực ra, chuẩn mực đạo đức của xã hội đã quá trượt dốc khiến tư tưởng người ta chất đầy những thứ hoài nghi, đố kỵ. Dẫu có chứng kiến việc tốt giữa thanh thiên bạch nhật, người ta vẫn còn hồ nghi: “Thời buổi bây giờ làm gì còn có ai như thế?”. Như vậy, tất nhiên người hiện đại khó mà lý giải được hành động của Lưu Bị. Có câu rằng: “Đại nạn ập đến ai lo thoát thân người ấy”. Giữa lúc sinh tử tồn vong ai có thể một lòng lo lắng bảo vệ bách tính như Lưu Huyền Đức? Hành quân đem theo cả gia đình gồng gánh là việc đại kỵ của nhà binh, trong lòng Lưu Bị chỉ có bách tính, đại nghĩa này thực sự là cổ kim hiếm có. Cổ nhân đều rất trọng nghĩa khí. Họ coi nghĩa khí còn lớn hơn tính mệnh của mình. Nghĩa khí cũng chính là luôn nghĩ cho người khác, luôn làm điều tốt cho người khác, bất kể bản thân mình phải chịu thiệt thòi bao nhiêu, khó khăn thế nào.
Lưu Bị trải qua bao nhiêu khó nhọc cũng đến được Tương Dương, đứng dưới cổng thành, chỉ thấy trên mặt thành tinh kỳ phấp phới, trên bờ hào gài chông chà kín mít. Ông gọi lớn: “Hiền điệt Lưu Tông! Ta chỉ vì trăm họ mà đến đây, không có bụng gì đâu, hãy mau mở cửa”. Lúc ấy, Tông nghe Huyền Đức đến, sợ không dám ra. Sái Mạo và Trương Doãn lên thẳng chòi canh, thét quân sĩ bắn như mưa. Trăm họ ở ngoài thành đều trông lên chòi canh mà khóc. Bỗng trong thành, có một tướng dẫn vài trăm quân lên thẳng lầu thành quát to: “Sái Mạo, Trương Doãn, những thằng giặc bán nước kia! Lưu sứ quân vốn người nhân đức, nay vì cứu dân đến đây, sao dám chống cự?”.
Người ấy là Nguỵ Diên, tự Văn Trường. Diên múa đao đến chém chết tướng canh cửa, mở toang cửa thành, bỏ cầu treo xuống, gọi to lên: “Xin Lưu hoàng thúc mau mang quân vào thành cùng giết những thằng giặc bán nước”.
Trương Phi tế ngựa định vào, Huyền Đức vội ngăn lại nói: “Không được làm trăm họ sợ hãi!”. Lúc bấy giờ Nguỵ Diên và tướng sĩ giữ thành đang hỗn chiến. Quân sĩ đôi bên đánh nhau, tiếng reo ầm ĩ. Huyền Đức ngoảnh mặt lại, bảo với tả hữu: “Ta muốn cứu dân, ai ngờ hoá ra là hại dân. Ta không muốn vào Tương Dương nữa”. Nói rồi, ông tiếp tục dẫn bách tính tiến về phía Giang Lăng.
Xưa nay, chiếm đất công thành, có nội ứng bên trong là chuyện hết sức thuận tiện. Lưu Bị không có ý đánh Tương Dương nhưng quân sĩ bên trong vì cảm cái nghĩa khí của ông mà tình nguyện ra tay trợ giúp, đúng là dịp may hiếm có. Thế nhưng Lưu Bị vì nghĩ cho bách tính mà quyết định không tiến vào chiếm Tương Dương, tránh gây ra một trận thảm sát trăm họ. Giữa lúc nguy cấp, lại có thể bỏ cái lợi trước mắt của bản thân mà nghĩ cho người khác, lịch sử xưa nay hiếm người được vậy.
Lưu Bị không vào Tương Dương. Tào Tháo lại tiến vào đây không chút do dự, rồi tiếp tục cho quân khinh kỵ truy đuổi Lưu Bị. Đi cùng Lưu Bị có hơn 10 vạn thường dân và binh lính, xe ngựa lớn nhỏ có hơn nghìn chiếc, vô số hành lý quang gánh mang theo. Đoàn người dắt díu nhau đi như vậy rất là chậm chạp, mỗi ngày chỉ có thể di chuyển được 10 dặm đường. Trong khi đó đội khinh kỵ của Tào Tháo đang ở sau lưng đuổi giết rất nhanh. Các tướng của Lưu Bị đều khuyên ông rằng: “Chi bằng bỏ lại bách tính, trước tiên liệu đường thoát thân là hơn”. Lưu Bị nghe nói khóc lớn lên: “Dựng nghiệp lấy dân làm gốc, đó đều là bách tính của ta, làm sao có thể bỏ lại họ đây?”. Trăm họ nghe vậy đều cảm động rơi lệ.
Đời sau có thơ khen Lưu Bị rằng:
Gặp nạn lòng nhân thương bách tính
Lên thuyền gạt lệ cảm ba quân
Đến nay thăm hỏi Tương Giang khẩu
Phụ lão còn truyền nhớ sứ quân
Lưu Bị đi quá chậm, quân Tào đuổi kịp, ùa đến đánh giết. Vợ con Lưu Bị thất lạc. My phu nhân vì bảo vệ con trai A Đẩu mà mất đi sinh mạng. Trương Phi, Triệu Tử Long chiến đấu hết sức. Quan Vũ bị vây khốn, buộc phải hàng quân Tào.
Cái nghĩa của Lưu Bị còn thể hiện ở lòng tin sắt đá, không hề mảy may nghi ngờ những huynh đệ kết nghĩa. Sau khi Lưu, Quan, Trương bị đại quân Tào Tháo đánh tan tác, trong chiến loạn Lưu Bị chỉ còn lại một mình chạy thoát đến Thanh Châu, nương nhờ Viên Thiệu. Quan Vũ bảo vệ phu nhân Lưu Bị đã rơi vào tay quân Tào. Sau này Tào Tháo và Viên Thiệu nổ ra chiến tranh, Lưu Bị ở trong quân Viên Thiệu lần đầu nhìn thấy Quan Vũ ở trong doanh trại Tào Tháo, liền nghĩ trong tâm: “Tạ ơn Trời Đất, thì ra em ta quả nhiên là ở chỗ Tào Tháo”. Ông không mảy may hoài nghi Quan Vũ thay lòng đổi dạ. Điều này một người bình thường chắc chắn không thể làm nổi, không thể tránh nghi tâm.
Cái nghĩa của Lưu Bị còn thể hiện ở việc ba lần đến lều cỏ mời Gia Cát Lượng. Mấy lần ra về tay trắng, không gặp được người, phải chịu gió tuyết phong sương, phải chịu những sự đả kích tâm lý vô cùng lớn. Nhưng Lưu Bị cũng không hề có chút oán hận nào, luôn nhẫn nại chờ đợi. Đông qua xuân tới, chọn ngày tốt, trai giới ba ngày, tắm gội xông hương, quần áo chỉnh tề rồi lại tới lều tranh. Lòng quý mến nhân tài, kính trọng người hiền của Lưu Bị thực có thể sánh ngang chuyện Chu Văn Vương mời Khương Tử Nha.
ĐKN