Mỗi người chúng ta ai cũng có một cây thước nằm ở sâu trong tâm, không nhìn thấy, không sờ thấy nhưng lại luôn dùng nó để dò xét người khác, định nghĩa người khác sống tốt hay không? Đo đạc cách sống của người khác có đúng đắn hay không?
01
Trước cửa nhà tôi vừa mới mở một tiệm làm móng (tiệm nail), kinh doanh phát đạt, khách khứa ra vào nhộn nhịp. Nhân viên trong quán đều là người một nhà, gồm một đôi vợ chồng già, con gái, có rể, con trai và con dâu đều phụ trách làm móng.
Có người cảm thấy lạ, một là dịch bệnh vẫn chưa dứt hẳn, hai là vừa mới khai trương, nhưng sao vẫn đông khách đến vậy?
Có người nói: thì là vì quán đó có tận hai cô gái trẻ làm móng cơ mà.
Cũng có người nói: Làm cha làm mẹ không bảo ban con cái làm ăn, kiếm cái nghề cho tử tế. Ngày nào cũng ôm chân người khác thì lấy đâu ra tiền đồ…
Tôi có tới làm móng vài lần và biết được. Người ta kinh doanh đông khách là bởi đại đa số đều là khách cũ. Tiệm làm móng chẳng qua chỉ là chuyển từ bên kia cầu sang bên này cầu. Hơn nữa trước khi chuyển đi, họ đều thông báo với khách hàng cũ của mình. Vậy nên, khách hàng quen tự nhiên vẫn tìm đến họ.
Ngoài ra, mọi người trong quán đều rất nhiệt tình, làm việc chăm chỉ. Từ ngâm chân, massage cho đến làm móng, mọi công đoạn đều hết sức tỉ mỉ. Dù có người đợi, người giục, nhưng họ vẫn quyết tâm không rút ngắn thời gian phục vụ của bất cứ ai.
Chất lượng phục vụ như vậy, đông khách là điều đương nhiên. Mỗi lần tôi qua làm móng đều nhờ chị con gái trong quán làm cho mình. Có lần tôi hỏi: “Ngày nào cũng làm móng, chị có thấy phiền không?”
Chị ấy nói, chưa bao giờ thấy phiền, làm ở đây nắng không đến mặt mưa không đến đầu, làm gì có công việc nào hạnh phúc hơn công việc làm móng này.
Cả nhà ở cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau, có thời gian chăm sóc con cái mỗi ngày, tốt hơn gấp trăm lần so với việc đi làm thuê ở bên ngoài.
Con người sống ở đời, thường không tránh khỏi phiến diện và ngạo mạn. Thường thích dùng cây thước ở trong tâm của mình để đi đo cuộc sống của người khác.
Thực ra, giống như cảm giác người khác bị đau mà bạn không thể thấu được, hạnh phúc của người khác bạn không bao giờ có thể hiểu được.
Trên thế giới này làm gì có tiêu chuẩn hạnh phúc cố định. Bạn thấy công việc làm móng không tốt, là bởi tiêu chuẩn hạnh phúc của bạn đặt ở chỗ khác.
Có người thấy đọc sách là hạnh phúc, có người thấy đá bóng là hạnh phúc, có người thấy câu cá là hạnh phúc, có người thấy công việc ổn định là hạnh phúc, cũng có người lại thấy lăn lộn khởi nghiệp mới là hạnh phúc.
Bạn hạnh phúc hay không hạnh phúc chỉ có bản thân bạn mới là người biết rõ nhất.
02
Có nhà tâm lý từng làm thí nghiệm tại một nhà xuất bản: ông yêu cầu mỗi người biên tập trong nhà xuất bản đưa ra một đề tài có sức ảnh hưởng nhất đối với họ.
Người biên tập đang học văn bằng 2 lựa chọn đề tài “Làm thế nào để viết được luận văn”;
Nữ biên tập chuẩn bị cho con mẫu giáo lựa chọn đề tài “Bộ sách giáo dục trẻ mầm non”;
Người biên tập đang gặp khó khăn trong hôn nhân lựa chọn đề tài “Làm thế nào để thoát khỏi khó khăn trong hôn nhân”;
Người biên tập thích chơi cờ lại lựa chọn đề tài “Phân tích nước cờ của cao thủ”.
Từ thí nghiệm cho thấy: “Ai cũng thích đứng trên lập trường của mình để suy nghĩ người khác đang muốn gì. Trong thế giới đại thiên, đông đảo chúng sinh này, mỗi người đều có những thuộc tính riêng biệt”.
Nhưng nhiều người lại không nhìn thấy sự khác biệt đó, quen thói áp đặt cái tốt, cái xấu, thẩm mỹ quan và giá trị quan của bản thân lên người khác. Nếu phù hợp với thuộc tính thì họ cho là tốt, ngược lại, sẽ cảm thấy họ sai.
Nhạc sĩ, nhà giáo dục nghệ thuật, nhà thư pháp và nhà hoạt động kịch nổi tiếng Hoằng Nhất từ phú quý giàu sang đến cắt tóc đi tu, trong mắt người đời đó không phải là một quyết định sáng suốt. Nhưng họ không thể biết rằng, yên tĩnh và an nhiên mới là trạng thái viên mãn tự lạc mà ông muốn.
Ai cũng cho rằng Giả Nguyên Xuân trong Hồng Lâu Mộng là người có phúc nhất, bởi cô được sống trong cung. Nhưng với Giả Nguyên Xuân cô lại coi đó là nơi tù túng “không thể gặp mặt mọi người”.
Cô không hề thích thú với cuộc sống cung đình. Trong mắt Giả Nguyên Xuân, được sinh gia trong một gia đình bình thường, cả nhà đoàn tụ, quây quần bên nhau mới là hạnh phúc.
Hạnh phúc của người khác bạn không hiểu, nỗi khổ của người khác bạn chưa chắc đã hiểu. Vậy nên, đừng bao giờ dùng thước của mình để đi đo cuộc sống của người khác. Đừng vì bản thân si mê náo nhiệt, phồn hoa mà cho rằng người khác ẩn cư ít giao du là bất hạnh.
03
Có những người, sinh ra đã nhàn hạ, có những người lại khổ sở muôn phần. Có những người là nghệ sĩ, có những người là nông dân. Vạn vật trong thế giới tự nhiên đều có mùa riêng của mình, có sắc đẹp riêng của mình.
Con người cũng vậy, ai cũng có cảm nhận và hướng đi riêng của mình. Nói một cách đơn giản đó là mọi người đều khác nhau. Bạn ở trong thế giới của bạn, tôi ở trên hành tinh của tôi, không ai cản trở ai cả.
Giống như trong truyện ngụ ngôn “cha con cưỡi lừa”. Người cha cưỡi lừa bị mọi người nói là nhẫn tâm, con trai cưỡi lừa lại bị mọi người nói là không hiếu thuận. Cả hai cha con cùng cưỡi, mọi người lại nói hai cha con độc ác, còn chú lừa đáng thương. Rồi khi cả hai cha con không ai cưỡi lừa, mọi người lại nói họ ngu ngốc.
Miệng của mỗi người đều là một cây thước, khiến hai cha con ngơ ngác giữa đường, không biết phải làm như thế nào mới đúng.
Trên thế giới này, không có cây thước nào là có thể đo được cuộc sống của tất cả mọi người. Bởi sở thích của bạn không phải là sở thích của người khác, giá trị của bạn không phải là giá trị của người khác.
Đừng lấy thước đo của bạn làm vũ khí sắc bén để tùy tiện đánh giá người khác;
Đừng lấy thước đo của bạn làm lý do để can thiệp vào cuộc sống của người khác;
Đừng lấy thước đo của bạn làm cái cớ để tổn thương người khác.
Trời đất rộng lớn, có rất nhiều cách sống khác nhau, chúng ta chỉ có quyền sống cuộc sống của chính mình. Thước đo của bạn chỉ có thể dùng để định nghĩa cuộc sống của chính bạn. Thước đo của người khác cũng chỉ có thể dùng để định nghĩa cuộc sống của chính họ.
Đừng bao giờ dùng thước của mình để đi đo của cuộc sống của người khác, cũng đừng bao giờ để thước đo của người khác ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Để mình là mình, người khác là người khác.
Ngọc Thuỷ –Theo Trí Thức Trẻ