Sai chứ không thể gọi là sai lầm, bởi họ, những thẩm phán nhân danh nhà nước không thể “lầm” như đã phân tích trong bài: “Nhân danh nước CHXHXN Việt Nam sao lại có thể hành xử vô lối đến bất chấp như vậy được, thưa ông Chánh án?”
Những cái sai không thể bào chữa
Như chúng tôi đã từng chỉ rõ, sau năm 1975, toàn bộ đất nông nghiệp đã được đưa vào tập đoàn, hợp tác xã. Mặc dù khi xem xét cấp sổ đỏ cho dân trên số đất này, chính quyền có lưu tâm về nguồn gốc đất. Tuy nhiên, khi sổ đỏ đã được cấp, vấn đề về nguồn gốc đất đã bị xóa bỏ. Đó là chưa kể Luật Đất Đai không có bất kỳ một điều khoản nào phân biệt về nguồn gốc đất khi lô đất đó đã có sổ đỏ.
Phải nói lại rõ ràng như thế để thấy rằng việc Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao và Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM vẫn tiếp tục bám vào xác nhận của UBND Quận Bình Tân về nguồn gốc đất để bác đơn xin kháng nghị của 3 mẹ con bà Lê Ngọc Hương là hoàn toàn sai trái. Dẫn chứng rõ nhất là Tòa cấp cao cố tình viện dẫn ý kiến của đại diện UBND Quận Bình Tân rằng chỉ vì có nguồn gốc đất xa xưa nên dù quá hạn mức nhưng Hộ bà Đầm vẫn được cấp sổ với diện tích lớn. Thế nhưng họ đã cố tình bỏ qua rằng, nhờ có thêm 3 nhân khẩu là 3 mẹ con bà Hương để hộ có 5 người mới dễ dàng vượt qua hạn mức. Về phần Viện cấp cao, để bảo vệ cho việc mẹ con cụ Đầm tự tung tự tác chiếm toàn bộ số đất trong sổ đỏ hộ 5 người, Qúy Viện cho rằng: “ Xét thấy, bà Đầm là thành viên trong hộ gia đình được cấp đất nên được quyền định đoạt đối với phần đất này”. Nhưng với 3 mẹ con bà Hương, những người cũng có tên trong hộ gia đình được cấp đất, cũng có quyền sử dụng đất chung theo quy định của pháp luật thì Qúy Viện phớt lờ.
Cái sai của Tòa án nhân dân Tối cao có lẽ còn rõ ràng hơn thế. Là những người cầm cân nảy mực về mặt luật pháp ở cấp độ cao nhất, chắc chắn Qúy Tòa biết rõ Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định về hộ gia đình sử dụng đất. Theo đó, những người có tên trong cuốn sổ đỏ Hộ gia đình có mọi quyền và nghĩa vụ như nhau về diện tích đất ghi trong sổ. Qúy Tòa cũng thừa biết Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung. Theo đó, ”Việc chiến hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận”. Vậy mà, gần 2 ha đất có trong sổ đỏ “Hộ Nguyễn Thị Đầm” được cấp, khởi thủy có 5 thành viên sau 10 năm bà Lê Ngọc Hương một mình cày cuốc, tới giờ chỉ 2 mẹ con cụ Đầm hưởng trọn. Đó không phải là “chứng cứ để chứng minh Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên có sai sót nghiêm trọng” hay sao? Tài sản của chung 5 người được pháp luật bảo hộ, bị 2 người chiếm đoạt toàn bộ lẽ nào không phải là căn cứ để kháng nghị, khi Khoản 1, Điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm ghi: “Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự”
Qúa rõ ràng đến như vậy mà Thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm số 1170/TB-TA ngày 27/9/2024 của Tòa án nhân dân Tối cao lại bảo rằng “không có căn cứ để kháng nghị”. Đó là cái sai không thể bào chữa được.
Sai đã quá sai nhưng…rồi sao nữa?
Làm thì có sai, sai thì sửa, đó là bản chất cách mạng của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính Bác Hồ kính yêu của chúng ta, ngay sau những ngày lập nước đã viết trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Có lẽ 3 mẹ con bà Lê Ngọc Hương không biết những điều này nhưng họ biết, để giải nỗi đau bị “đánh cắp tài sản giữa ban ngày”, họ cần phải kêu cứu nhiều nơi nhiều hơn nữa. Ngay sau ngày 09/5/2025, ngày nhận Thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm số 1170/TB-TA ngày 27/9/2024 của Tòa án nhân dân Tối cao, sau gần 8 tháng Thông báo này ra đời, bà Hương đã liên tục gửi 4 Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Tái thẩm tới ông Lê Minh Trí – Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và ông Nguyễn Huy Tiến – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Mẹ con bà Hương cũng không quên 2 lần gửi đơn kêu cứu tới những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước. Để tăng thêm sức nặng cho những lá đơn kêu cứu của mình, ngay trong những ngày họp Quốc hội vừa qua, bà Hương cũng đã viết 21 bức thư ngỏ gửi tới 21 vị đại biểu Quốc hôi của 21 Đoàn Đại biểu Quốc hôi với lời khẩn cầu: “Trong nỗi lo “một phần ngàn tia hy vọng”, với lá thư ngỏ này, tôi cầu xin ông, bà, trong phạm vị quyền hạn không giới hạn về địa giới hành chính của mình, có bước đi nào đó chất vấn ông Chánh án Lê Minh Trí và ông Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến để sự thật được lên tiếng, để nỗi oan bị đánh cắp tài sản của 3 mẹ con tôi sớm có cái kết thuận tình, hợp lý, hợp lòng người”
Tất cà những gì có thể làm 3 mẹ con bà Lê Ngọc Hương đã làm để mong nỗi oan được giải. Vấn đề còn lại lệ thuộc vào ông Chánh án Lê Minh Trí và ông Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến
PV