Bạn xem, bạn có nằm trong tầm ngắm sắp bị sa thải của sếp hay không!
“Điều quan trọng nhất đối với tốc độ của bạn, công ty của bạn và dịch vụ của bạn là văn hóa nội bộ,” Gary Vaynerchuk, triệu phú tự thân và là tác giả sở hữu cuốn sách bán chạy nhất “#AskGaryVee”, đã nói trong một bài thuyết trình đầy nhiệt huyết của mình trước khán giả là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Thông điệp của anh ấy rất rõ ràng: Nếu có ai đó trong hàng ngũ của bạn liên tục gây rắc rối hoặc tạo ra sự chia rẽ trong nhóm của bạn, hãy sẵn sàng sa thải họ.
“Tôi không quan tâm nếu đó là nhân viên bán hàng số một của bạn, nhà phát triển tốt nhất của bạn hay người đồng sáng lập của bạn, bởi ‘ung thư’ khi đã lây lan, tốc độ sẽ bị chậm lại”, Vaynerchuk nói.
“Chúng ta đang ở buổi bình minh của kỷ nguyên nơi mà trí tuệ cảm xúc sắp trở thành ngành kinh doanh quan trọng nhất,” Vaynerchuk giải thích, đồng thời cho biết thêm rằng lý do lớn nhất khiến các công ty trở nên chậm chạp, kém phát triển hơn nhiều là bởi vì mọi người đang “ngồi xung quanh tranh luận về việc họ đau khổ ra sao hay lo lắng về các cuộc họp với các cá nhân khác như thế nào”.
Bạn là một ‘siêu sao’? Nó không phải vấn đề
Điều thú vị là Vaynerchuk không phải là người đầu tiên đưa ra quan điểm này. Một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard đã phát hiện ra rằng một trong những đặc điểm tính cách đáng báo động lớn nhất ở nhân viên là thường xuyên lan truyền sự tiêu cực.
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu dữ liệu của hơn 50.000 nhân viên và phát hiện ra rằng những người mang “đặc điểm độc hại” này có thể gây ra nhiều thiệt hại cho công ty – bao gồm mất khách hàng, ảnh hưởng tới tinh thần của các nhân viên khác và cả kết nối với các bên liên quan quan trọng bên ngoài.
Trong nhiều trường hợp, những “nhân viên độc hại” có thể là những người có năng lực tốt, là những “siêu sao” ở công ty, nhưng nghiên cứu cũng cho thấy rằng trong khi một nhân viên xuất sắc nhất có thể tiết kiệm cho công ty hơn 5.300 đô la, thì việc loại bỏ họ có thể tiết kiệm cho công ty tới 12.500 đô la.
Thế nào là một văn hóa công ty tuyệt vời?
Theo quan điểm của Vaynerchuk, văn hóa công ty tuyệt vời không phải là “có đồ ăn nhẹ miễn phí ở quầy căn tin hay bàn bi lắc”, thay vào đó, “bạn xây dựng văn hóa bằng cách nói chuyện (một cách thực sự và chân thành) với mọi người, từng người một và hiểu những gì mà họ quan tâm.”
Chúng ta đang tiến hết tốc lực vào kỷ nguyên mà “yếu tố con người” là nguồn lực quan trọng nhất, và lời khuyên của Vaynerchuk không chỉ dành cho các CEO và chủ doanh nghiệp. Bất kể bạn bao nhiêu tuổi hay bạn thuộc nhóm nhân khẩu học nào, trí tuệ cảm xúc là một kỹ năng cần thành thạo nếu bạn muốn thành công.
Trí tuệ cảm xúc – kĩ năng cơ bản mà mọi người đi làm nên có
Vaynerchuk nói rằng trí tuệ cảm xúc (EQ) là một kỹ năng không thể thay thế được trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mạnh mẽ nơi làm việc, “kĩ năng quản lý cảm xúc và khả năng tương tác với người khác của bạn sẽ là một sự kĩ năng rất, rất quan trọng,”
Khi tìm kiếm tài năng mới trong tương lai, các nhà quản lý tuyển dụng sẽ không còn xem trí tuệ cảm xúc như một điểm cộng giữa các ứng viên, mà là một yêu cầu cơ bản vì nó ảnh hưởng đến mức độ tự nhận thức của một người trong tương tác của họ với các đồng nghiệp khác.
Nếu bạn có trí tuệ cảm xúc kém và thường xuyên gieo rắc sự tiêu cực, rất có thể bạn sẽ không trụ được lâu ở bất kỳ công ty nào.
Đã đến lúc mọi người cần bắt đầu chú ý đến các yếu tố con người – yếu tố quan trọng sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của một công ty lên một tầm cao mới.
Tác giả của bài viết là Tom Popomaronis, một chuyên gia thương mại. Hiện tại, anh là Giám đốc Cấp cao về Cải tiến Sản phẩm của Tập đoàn Hawkins. Các bài viết của anh đã được đăng trên tạp chí Forbes, Fast Company và The Washington Post. Năm 2014, anh được Tạp chí Kinh doanh Baltimore vinh danh trong danh sách “40 Under 40”.
Như Nguyễn-Theo TTVH