Theo Phillip J. Müller, ai cũng có thể thành triệu phú!
Theo tác giả triệu phú Phillip J. Müller, điều duy nhất ngăn chúng ta trở thành triệu phú là tư duy sai lệch về việc thành triệu phú. Trong cuốn sách của mình, Geldrichtig, Müller giải thích rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành triệu phú nếu họ học cách suy nghĩ như một người giàu.
Phim ảnh và những câu chuyện “làm giàu nhanh chóng” đã khiến mọi người tin rằng người giàu không làm gì ngoài việc tiêu tiền và tất cả thành công của họ là do may mắn. Tuy nhiên, Müller cho rằng thực tế không phải như vậy.
Dưới đây là một số bí kíp để trở nên giàu có mà Müller chia sẻ:
- Tiết kiệm rất cần thiết
Müller khuyên bạn nên tập thói quen tiết kiệm ngay và áp dụng bất cứ khi nào có thể.
“Đó là việc cân nhắc xem bạn có muốn mua đôi giày mới không trong khi ở nhà đang có 4-5 đôi vẫn đang dùng tốt”, anh nói. Theo Müller, lúc đầu, không ít người sẽ cảm thấy việc tiết kiệm mọi lúc mọi nơi khá khó khăn.
Đối với Müller, anh nói không với việc ăn ngoài hàng. “Nhiều người không nhận ra họ có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu nấu ăn ở nhà thay vì ăn ngoài quán hay gọi giao đồ ăn. Một ly cà phê ở tiệm có giá vài USD trong khi pha cà phê ở nhà chỉ tốn vài xu, các món ăn cũng vậy. Đây là kiểu tâm lý mà bạn nên có nếu muốn tiết kiệm nhiều hơn”, Müller nói.
- Tránh mắc nợ
“Đừng mua bất cứ thứ gì bạn không có khả năng chi trả. Đây là quy tắc quan trọng nếu bạn muốn không mắc nợ vì mua sắm bốc đồng. Ví dụ, nếu muốn mua iPhone nhưng chưa đủ tiền, bạn nên tiết kiệm đến khi nào đủ mới mua chứ không nên vay tiền để mua. Trong trường hợp thực sự cần thiết, bạn có thể mua loại khác phù hợp với khả năng hơn”, Müller khuyên.
Trên thực tế, rất nhiều khoản nợ đến từ việc mua sắm để thỏa mãn nhu cầu không thực sự cấp thiết. Theo Müller, trước khi “xuống tiền”, bạn nên tự hỏi mình có thực sự cần mua hay không.
Nếu bạn thường không kiểm soát được chi tiêu trong các dịp khuyến mại lớn, chỉ cần không đi mua sắm hay lướt các trang bán hàng trực tuyến là bạn sẽ không mua sắm bốc đồng nữa. Hoặc bạn có thể dặn người thân, bạn bè tìm cách ngăn cản hay đưa ra lời khuyên rằng bạn có thật sự cần một món đồ nào đó hay không.
Ngoài ra, Müller lưu ý rằng nếu mắc nợ, bạn cần xem xét tình hình bởi bạn có thể mắc sai lầm khi tạo ra các khoản nợ mới để trả nợ cũ. Ví dụ, vay tiền người này để trả tiền người khác không phải phương án được Müller khuyến khích.
Theo vị triệu phú, bạn nên viết ra tất cả các khoản nợ và số tiền có thể trả hàng tháng để tính ra mất bao nhiêu lâu để trả hết nợ. Việc này sẽ giúp bạn cân đối chi tiêu và tích cực tiết kiệm hơn để nhanh thoát khỏi cảnh nợ nần.
- Hạn chế/nói không với những thứ hào nhoáng
Nhắc đến triệu phú, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc họ có nhà đẹp, lái xe sang, đeo đồng hồ xịn… Thế nhưng Müller cho rằng những điều này không liên quan gì đến tư duy trở thành triệu phú.
Con đường dẫn đến tự do tài chính và sự giàu có là tiêu dùng có ý thức chứ không phải ném tiền qua cửa sổ để mua những món đồ xa xỉ. Nhiều triệu phú tự thân trên thế giới cho biết một trong những thứ họ không bao giờ mua chính là hàng hiệu.
Nguồn: Ins-Mộc Tiên–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị