Tỷ phú Phạm Nhật Vượng quan điểm về tiền bạc rằng: Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu.
Năm 2008, khi bắt đầu “cuộc chơi” sản xuất xe hơi với Vinfast, nhiều người cho rằng Vingroup vẫn là người đi sau, khi mà thế giới đã có quá nhiều thương hiệu nổi tiếng, nhưng khi đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho rằng, đi sau nhưng hoàn toàn có thể về trước vì đi trước cũng có vấn đề của nó.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng ví dụ, như các hãng xe hơi lớn đều có tình trạng là chi phí quá lớn, bộ máy quá cồng kềnh, nhiều nhà xưởng đã cũ và đầu tư tập trung chủ yếu vào xe xăng. Bản thân các hãng này đang phải thay đổi khi Tesla làm thành công xe điện.
Năm 2008 khi Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, công bố làm xe điện thì cả thế giới cho rằng “điên”. Đến năm 2014 họ ra được mẫu xe, chúng ta thấy “bớt điên” một chút nhưng hiện nay, họ đã trở thành số 1 thế giới về xe điện.
“Còn bây giờ thì “cả làng” đầu tư vào xe điện. Volkswagen tuyên bố đầu tư hơn 80 tỉ USD để làm hơn 80 mẫu xe trong 5 năm tới hay tập đoàn ô tô Bắc Kinh cũng vừa tuyên bố năm 2025 sẽ dừng bán xe xăng, chỉ bán xe điện… Cuộc cách mạng xe điện mới diễn ra 9 năm nhưng nó thực sự sẽ bùng nổ. Nó “vẽ” lại bản đồ ngành công nghiệp xe hơi. Mà “vẽ lại” thì mình khác gì các hãng kia đâu?”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng quả quyết.
Ông cho rằng, xe điện tăng tốc nhanh chóng nhưng tôi cho rằng, đến năm 2025 – 2030 xe xăng vẫn thịnh hành, và sẽ giảm từ từ. Vì thế, Vingroup sẽ “đi cả 2 chân” cả xe xăng và xe điện. “Tuy nhiên, mục tiêu là làm ra loại xe tốt, sang trọng so với các xe cùng phân khúc nhưng không nhắm đến câu chuyện đột phá. Chúng tôi ưu tiên nghiên cứu, phát triển và đột phá ở xe điện”, Chủ tịch Vingroup nói.
Vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, sẽ xuất khẩu xe ô tô điện sang thị trường Mỹ vào năm 2021 và ông đang đầu tư 2 tỉ USD trong tài sản của mình để đạt mục tiêu này, theo tờ Bloomberg.
Ông cho biết, VinFast sẽ không thể sinh lãi trong vòng 5 năm, khi thị trường nội địa quá nhỏ và khẳng định doanh số từ nước ngoài mới là nhân tố quan trọng để có lời. Tuy vậy, thị trường Mỹ cũng như các nước phát triển khác không dễ “xâm nhập” khi các tiêu chuẩn về an toàn và khí thải rất chặt. Chính vì thế, chiếc ô tô điện đầu tiên của VinFast có thể đến cuối năm sau 2020 mới ra mắt, nhưng ông đã dự định xuất khẩu xe điện sang Mỹ, châu Âu và Nga vào năm 2021.
“Chúng tôi có tham vọng xây dựng thương hiệu Việt Nam mang đẳng cấp thế giới. Thử thách lớn nhất của chúng tôi là các sản phẩm Việt chưa có danh tiếng quốc tế. Với bạn bè thế giới, Việt Nam vẫn là một nước nghèo và lạc hậu. Chúng tôi phải tìm cách đến các thị trường và chứng minh sản phẩm của chúng tôi đang đại diện cho một Việt Nam phát triển và năng động, có thể đạt đến tiêu chuẩn cao nhất của thế giới”, ông Phạm Nhật Vượng nói.
Khi được hỏi về việc các tỷ phú thường mua máy bay riêng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho rằng: “Người ta bay suốt ngày thì mới mua chứ tôi không đi đâu mấy, mua máy bay tính ra sẽ lỗ thì mua làm gì. Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu. Giả sử mua máy bay thì tôi sẽ mua máy bay để cho thuê, lâu lâu đi một chuyến. Nó phải trở thành dịch vụ chứ mình không thể lãng phí mua rồi bỏ đó. Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được”.
Để làm được những điều lớn, theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng, quản trị, nhân sự là yếu tố quan trọng. Thời gian qua, Vingroup đã quyết liệt thực hiện “5 hóa” để tối ưu bộ máy.
Thứ nhất là hạt nhân hóa. Mỗi lãnh đạo phải là hạt nhân, là người dẫn đầu, là thủ lĩnh.
Thứ hai là chuẩn hóa. Mọi thứ phải có tiêu chuẩn và đạt chuẩn. Không nơi này làm một kiểu, nơi kia làm một kiểu… Thậm chí chúng tôi chuẩn hóa đến từng mã hàng cho trung tâm mua sắm tập trung của Vingroup. Ví dụ trước đây miền Bắc mua lợn còn miền Nam mua heo nhưng bây giờ heo cũng được, lợn cũng được nhưng chỉ một tên thôi.
Thứ ba là đơn giản hóa: Lược hết các chức danh, các quy trình, quy định rườm rà cho bộ máy gọn nhẹ.
Thứ tư là tự động hóa. Đó là đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật và công nghệ thông tin vào quản trị, điều hành, và theo quan điểm của tôi một khi hệ thống đã chuẩn, đã đơn giản thì nhiều phần đã tự động vận hành được.
Cuối cùng là chia sẻ hóa. Trong nội bộ tập đoàn các công ty chia sẻ nguồn lực, việc gì làm chung được, làm tập trung được thì sẽ làm. Việc này sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản trị và hiệu quả công việc.
Theo DĐDN