Tại Tọa đàm Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức, trong khuôn khổ Tuần lễ VinFuture, các nhà khoa học hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) cho rằng, các quốc gia đang ở thời điểm tốt nhất để có thể tạo ra sự phát triển đột phá nhờ công nghệ AI, dù là nước phát triển hay đang phát triển như Việt Nam.
Mỗi người sẽ có một trợ lý AI
Theo các chuyên gia, năm 2023 chứng kiến những cuộc tranh luận bùng nổ về AI và ảnh hưởng của công nghệ này tới đời sống, khi AI dần trở thành yếu tố mới định hình kinh tế – xã hội toàn cầu. ChatGPT của OpenAI đạt mức 100 triệu người dùng chỉ trong vòng 2 tháng, mức tăng trưởng kỷ lục so với bất kỳ loại dịch vụ Internet nào (Facebook cần 4,5 năm để đạt mốc này). Các chatbot AI trở thành nơi tìm kiếm và truy vấn thông tin của hàng triệu người.
Lấy dẫn chứng về việc công nghệ GPT-4 mới đây vượt qua con người trong một kỳ thi luật với điểm số trung bình cao hơn nhiều, TS Xuedong Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ) cho rằng, trí tuệ nhân tạo đang tác động trực tiếp đến cuộc sống con người.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, đây là thời điểm tốt nhất để mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp có thể tạo ra bước phát triển đột phá nhờ công nghệ AI, dù là nước phát triển hay đang phát triển, là doanh nghiệp lớn hay nhỏ.
TS Bùi Hải Hưng, Tổng Giám đốc của VinAI chia sẻ thêm, trong tương lai, mỗi người có thể có một trợ lý AI như bạn đồng hành, tâm giao, hỗ trợ trong công việc. “Vì vậy, đây là thời điểm chúng ta cần nghiêm túc hơn trong nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các nước đang phát triển như Việt Nam cũng có thể tham gia vào một cuộc cách mạng mới này bằng cách đầu tư nghiên cứu phát triển”, TS Hưng nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạo, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn do thiếu nguồn nhân lực và đặc biệt là hạ tầng siêu tính toán.
Con người cần hướng đến kiểm soát AI
Theo các chuyên gia, sự phát triển bùng nổ của AI mang lại những tích cực cho cuộc sống nhưng đồng thời đặt ra những thách thức lớn về đạo đức, an ninh và sự bình đẳng trong tiếp cận. Các thách thức có thể đến từ việc sức mạnh của AI bị sử dụng vào mục đích xấu, AI đưa ra quyết định thiếu toàn diện trong những tình huống khó xử về mặt đạo đức hoặc quyền kiểm soát năng lực khổng lồ của AI nằm trong tay một nhóm thiểu số.
TS Padmanabhan Anandan, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về Thị giác Máy tính và Trí tuệ nhân tạo đề xuất 3 nội dung của việc kiểm soát AI gồm kiểm soát quá trình tạo ra các công nghệ trí tuệ nhân tạo, kiểm soát việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thực tế và cao hơn nữa, phải kiểm soát ai là người phát triển AI và ai là người sử dụng sản phẩm AI đó.
Theo Nguyễn Hoài-Tiền Phong