Nghề người mẫu sắp hết thời?
Ngôi sao trong chiến dịch mới của Levi’s trông không khác biệt so với bất kỳ người mẫu nào trong ngành. Mái tóc rối bù xõa trên vai, nhân vật nhìn vào máy ảnh với cách tạo dáng thường thấy của những người mẫu thời trang cao cấp.
Nhưng nhìn kỹ hơn, người ta sẽ nhận thấy có gì đó không hợp lý. Bóng giữa cằm và cổ của người mẫu trông có vẻ lộn xộn. Bộ móng tay được cắt tỉa kiểu Pháp trông sạch sẽ và đều màu đến mức giả tạo.
Người mẫu này hóa ra là do AI tạo ra, một kết xuất kỹ thuật số sẽ bắt đầu xuất hiện trên trang web thương mại điện tử của Levi’s vào cuối năm nay. Thương hiệu đã hợp tác với LaLaLand.ai, một studio kỹ thuật số chuyên tạo các mô hình AI tùy chỉnh cho các công ty thời trang.
Kế hoạch thử nghiệm các mẫu quần áo ảo do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra của Levi’s đã gây ra phản ứng dữ dội trong ngành thời trang.
Mối quan hệ hợp tác của Levi Strauss & Co. với công ty thiết kế LaLaLand.ai bị chỉ trích vì hãng thời trang danh tiếng tìm cách giải quyết các vấn đề về hình ảnh với chi phí thấp nhưng lại gián tiếp khiến người mẫu chuyên nghiệp không còn được trọng dụng.
“Khi phải thuê một người mẫu, bạn phải xếp lịch với công ty, thuê một nhà tạo mẫu, trang điểm, phục vụ ăn uống trên trường quay – tất cả những việc đó đều tốn tiền”, Shawn Grain Carter, giáo sư quản lý kinh doanh thời trang tại Học viện Công nghệ Thời trang cho biết.
“Levi’s đang làm với cách thức mới giúp họ tiết kiệm chi phí”.
Về phần mình, người phát ngôn của Levi’s phủ nhận mọi ý định tiết kiệm chi phí với dự án. Hãng cho biết các mô hình AI sẽ bổ sung chứ không thay thế các buổi chụp ảnh trực tiếp.
Những lo lắng về việc công nghệ thay thế việc làm của con người không có gì mới nhưng sự xuất hiện của AI lại mang đến những báo động.
Yanii Gough, một người mẫu và là người sáng lập Yanii Models, nơi cô hợp tác với hơn 100 người mẫu, cho biết nhiều người vẫn đang “trong tình trạng lấy lại ổn định” khi ngành công nghiệp tái xuất sau những gián đoạn liên quan đến đại dịch.
Với sự gia tăng của các công ty mô hình hóa AI, khách hàng có thể chỉ cần “gửi email đến công ty yêu cầu một hình mẫu nào đó và sẽ được đáp ứng”.
Thời của AI
Shudu, được tạo ra vào năm 2017, được coi là siêu mẫu kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới, đã có hợp đồng trong năm qua với các thương hiệu cao cấp như BMW và Louis Vuitton.
Ngày nay, các lựa chọn tiếp tục mở rộng cho các thương hiệu và nhà quảng cáo muốn sử dụng AI để giúp tiếp thị và bán quần áo. Ngoài Lalaland, còn có Deep Agency, một startup AI mới cho phép người dùng tạo một buổi chụp ảnh ảo với các mô hình AI như người thật.
Gough cho biết cô cũng lo lắng về việc hình ảnh của các người mẫu được sử dụng mà không có sự cho phép. Hơn thế nữa, những người mẫu có thể được thay thế bằng công nghệ quét cơ thể AI.
Sara Ziff, người sáng lập một nhóm vận động phi lợi nhuận có tên là Model Alliance, cho biết một số người mẫu đã phàn nàn việc các công ty đang thuê họ để tiến hành quét cơ thể, giúp tạo ra khuôn mẫu cho AI nhưng họ không hề hay biết hoặc không nhận được thù lao.
“Các hãng thời trang thiết kế quần áo dựa trên bản quét cơ thể của người mẫu, thay vì phải thuê người mẫu trực tiếp”, cô nói.
Summer Foley, một người mẫu 25 tuổi ở New York, cho biết cô kiếm được khoảng 400 USD/giờ (gần 10 triệu đồng) trong vai trò người mẫu và đây là mức thù lao bình thường.
“Nếu ai đó muốn quét cơ thể tôi, tôi muốn tính phí mỗi khi họ sử dụng nó”, Foley nói. “Đó là cơ thể của tôi, và tôi tập luyện chăm chỉ để giữ những số đo này. Bạn không thể quét và sử dụng hình ảnh vĩnh viễn mà tôi không thu được đồng nào”.
Các thương hiệu thời trang đã bảo vệ công việc của mình với lý do tăng tính đại diện trong ngành thời trang một cách bền vững. Trong khi đó, các mô hình AI đã trở nên thực tế đến mức nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt chúng với hình ảnh của con người.
Theo Mạnh Kiên-Theo thethaovanhoa