Cuộc đời khó khăn và quá trình khởi nghiệp không hề thuận lợi không khiến vị tỷ phú này nản lòng, ông đã hiện thực hóa những điều không tưởng, được mọi người ngưỡng mộ.
Mới đây, Forbes đã công bố danh sách 10 tỷ phú có tốc độ tăng trưởng tài sản lớn nhất năm 2023, trong đó, Prajogo Pangestu là vị tỷ phú trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu. Theo thống kê, vị doanh nhân người Indonesia gốc Hoa này đã nâng tầm giá trị tài sản tăng hơn 900%, lên mức 47,9 tỷ USD.
Không giống như những tỷ phú khác đều hoạt động trong ngành công nghệ, Prajogo Pangestu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp truyền thống về gỗ, hóa dầu, khai thác than và năng lượng tái tạo.
Nhiều người cho rằng để trở thành tỷ phú thì phải có trình độ học vấn cao, chẳng hạn như Elon Musk, Lưu Cường Đông, Lôi Quân hay những vị tỷ phú nổi tiếng khác. Việc tích lũy kiến thức kinh doanh từ trường học giúp họ có xuất phát điểm thuận lợi trong việc kinh doanh.
Tuy nhiên, Prajogo Pangestu đã lật đổ quan điểm này, ông không có trình độ học vấn cao nhưng đã tạo ra khối tài sản khổng lồ mà ai cũng phải ngưỡng mộ. Mặc dù không được đào tạo bài bản, Prajogo Pangestu đã dựa vào trí thông minh và nỗ lực không ngừng nghỉ để thành công vượt qua Lý Gia Tha và thành lập nên đế chế kinh doanh của riêng mình ở tuổi 80.
Câu chuyện thành công của ông đã truyền cảm hứng về sự quyết tâm và kiên trì, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được ước mơ của mình.
Thời thơ ấu đầy những vất vả nhưng không bao giờ bỏ cuộc
Prajogo Pangestu sinh ngày 13 tháng 5 năm 1944 tại thị trấn Mangkajang, thành phố Singkawang, tỉnh Tây Kalimantan, Indonesia. Quê gốc của ông ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Quá trình trưởng thành trong cuộc đời ông là một chuỗi những nghịch cảnh đầy thách thức.
Gia đình ông không giàu có, cha ông làm nghề cạo mủ cao su trong một đồn điền và làm thợ may để nuôi gia đình. Do đó, tiền học của ông chỉ có thể dựa vào thu nhập ít ỏi của cha. Cha ông từng nói rằng điều kiện tài chính của gia đình họ chỉ có thể nuôi ông đi học trong 3 năm. Vì vậy, sau khi học hết Tiểu học, ông định nghỉ học, lựa chọn đi học việc tại một cửa hàng. Mặc dù công việc này có mức lương ít ỏi nhưng cho phép ông học được một số kỹ năng và giải quyết được vấn đề về lương thực.
Anh họ của Prajogo Pangestu cho rằng, với tài năng và trí thông minh của Prajogo Pangestu sẽ bị lãng phí nếu không tiếp tục đi học. Vì thế, người anh họ đã hỗ trợ ông học lên bậc THCS trong 2 năm. Vì hoàn cảnh khó khăn, ngay từ khi còn nhỏ, Prajogo Pangestu đã đồng cảm với những người lao động tay chân và nhận thức rõ về sự vất vả của cha mình.
Sau khi tốt nghiệp THCS, Prajogo Pangestu lựa chọn rời quê hương và quyết tâm làm việc chăm chỉ ở thành phố lớn. Ông chọn Jakarta, một thành phố đầy cơ hội làm điểm dừng chân đầu tiên. Tuy nhiên, hiện thực tàn khốc đã biến những lý tưởng đẹp đẽ về tương lai của ông tan thành tro bụi.
Prajogo Pangestu bị lạc lối trong một thành phố nhộn nhịp, xa lạ vì không có trình độ học vấn và kinh nghiệm. Có thể thấy, dù ở bất cứ thời điểm nào, việc học đều là thứ quyết định đến sự thành công hay thất bại của mỗi người. Tuy nhiên, tri thức không chỉ đến từ lớp học, mà còn đến từ những trải nghiệm trong cuộc sống.
Để kiếm sống, ông lựa chọn đi học việc trong một cửa hàng bình thường để giải quyết vấn đề mưu sinh. Trong khoảng thời gian khó khăn nhất, ông phải làm tài xế xe buýt và những công việc tay chân khác. Bất chấp những thách thức cuộc đời, Prajogo Pangestu vẫn tiếp tục học hỏi các kỹ năng và những kiến thức từ công việc mới, đồng thời không ngừng mở rộng tầm nhìn của bản thân.
Vào thời điểm quan trọng khi Prajogo Pangestu sắp bước vào tuổi 32, bước ngoặt cuộc đời của ông đã xuất hiện. Ngay khi ông nghĩ rằng cuộc đời trôi qua một cách tầm thường thì Hoàng Song An – “vua gỗ” Indonesia đã thay đổi quỹ đạo cuộc đời ông. Nhờ vào sự giúp đỡ của quý nhân, ông gia nhập công ty gỗ Caiyuandi.
Sự bình tĩnh, dũng cảm và những hiểu biết độc đáo của Prajogo Pangestu được Hoàng Song An đánh giá cao và dành nhiều kỳ vọng. Dù được sếp ưu ái, Prajogo Pangestu vẫn lựa chọn bắt đầu công việc nhân viên bán hàng sơ cấp. Sau 8 năm, Prajogo Pangestu đã được thăng chức lên Tổng Giám đốc của công ty với thành tích xuất sắc.
Thế nhưng, Prajogo Pangestu không hài lòng với vị trí này, ông quyết định thử thách bản thân bằng việc thành lập doanh nghiệp riêng và bắt đầu công việc kinh doanh của chính mình.
Quyết đoán để biến những điều không thể thành có thể
Nơi Prajogo Pangestu lựa chọn để bắt đầu kinh doanh là đảo Mangole, được mệnh danh là “đảo chết” ở Indonesia. Đây là hòn đảo giàu tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên môi trường gần đó rất khắc nghiệt nên mọi người đều cố gắng tránh xa.
Bằng con mắt tinh tường nhận ra những giá trị tiềm năng của hòn đảo này, Prajogo Pangestu đã quyết định mua lại và giành được quyền vận hành hòn đảo thành công. Dù khi đó, công ty của ông chưa bắt đầu hoạt động nhưng đã thu hút được nhiều sự chú ý của giới truyền thông địa phương. Dư luận đều cho rằng Prajogo Pangestu sẽ phải đối mặt với những thử thách rất lớn và mọi người đều tin rằng việc kinh doanh của ông sẽ thất bại.
Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm mang lại cuộc sống mới cho hòn đảo bằng sự tận tâm trong công việc. Kế hoạch của ông là biến hòn đảo này thành một thành phố công nghiệp mini, với lực lượng công nhân và thiết bị sinh hoạt.
Năm 1977, Prajogo Pangestu đã mua lại công ty gỗ Pacific Lumber Coy và đổi tên thành Barito Pacific Timber. Đây là cột mốc đánh dấu sự thành lập Tập đoàn Balido Pacific của ông, một trong những đơn vị sản xuất gỗ và ván ép lớn nhất Indonesia. Sau này, Tập đoàn Balido Pacific còn tham gia vào các lĩnh vực tài chính, vận tải, thương mại, du lịch, khách sạn, bất động sản, khai thác than và sản xuất điện địa nhiệt, trở thành một doanh nghiệp đa ngành.
Tài nguyên thiên nhiên phong phú của hòn đảo Mangole giúp Prajogo Pangestu không phải lo lắng về vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Với sự kiên trì bền bỉ và số vốn đầu tư ban đầu lớn, ông đã thành công đạt được lợi nhuận khổng lồ. Sau đó, Prajogo Pangestu tích cực mở rộng kinh doanh và tham gia vào lĩnh vực năng lượng, địa nhiệt.
Không chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Barido Pacific còn đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Ông nhiều lần quyên góp số tiền khổng lồ để hỗ trợ Trung Quốc chống lại dịch bệnh Covid – 19, đầu tư kinh phí cho Thế vận hội Bắc Kinh và tái thiết các khu vực bị động đất ở Vấn Xuyên, Trung Quốc. Ông cũng quyên góp quỹ xây dựng các trường tiểu học và trung học ở quê hương của mình và tài trợ xây dựng Đại học Hoa Kiều ở Diên Kinh, Bắc Kinh.
Theo Toutiao-Ứng Hà Chi–Theo Đời sống Pháp luật