Câu cửa miệng ‘cực như trâu’ không còn đúng với đồng ruộng quanh phố cổ Hội An. Thay vì è cổ kéo cày, những chú trâu ở đây chỉ phải… làm đẹp, hiền và thơm tho để kiếm đôla cho chủ.
“Một, hai, ba… smile”. Người nông dân ở cánh đồng Cẩm Châu (Hội An, Quảng Nam) cầm dây thừng kéo ngược lên cao làm hiệu cho chú trâu… nhe răng cười. Tiếng lạch xạch máy ảnh chụp lẫn tiếng cười nói thích thú của mấy vị du khách Tây.
“Làm nông dân Hội An nếu biết cách thì sống khỏe. Nhưng không những sống khỏe mà còn… sống thoải mái, vui vẻ”, ông Phạm Đình Phong nói.
Vỗ béo trâu làm du lịch
Buổi sáng, mùi lúa non ngào ngạt cánh đồng ven phố cổ Hội An. Khách du lịch kéo từng đoàn đạp xe ra các đồng lúa Cẩm Châu, Cẩm Thanh ngắm cảnh, hít thở không khí quê. Ở góc ruộng, một khách Tây mải mê ngắm chú trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ. Người nông dân như “hờ hững” ngồi bắt chéo chân thong thả trên lưng trâu.
Nông dân ấy là ông Nguyễn Năm (58 tuổi, ở đội 1, Cẩm Châu, Hội An), nhận ra ý đồ của khách nên nói vài ba câu tiếng Anh “bồi” rồi nhảy tót xuống, dắt trâu dạo vài vòng cho khách chụp hình. Chỉ dăm phút, khoản tiền mà chú trâu đực thu được từ tạo dáng lên tới 100.000 đồng.
Ông Năm vui vẻ kể chú trâu đực mình đang chăm được mua với giá 30 triệu đồng. Mấy năm nay du lịch sinh thái đồng quê Hội An phát triển, khách nườm nượp nên không chỉ ông mà nhiều người trồng lúa cũng sắm trâu ra đồng làm mẫu để khách Tây chụp ảnh.
“Cứ tầm 8h sáng và 4h chiều là du khách từ các khách sạn, resort kéo nhau ra đồng. Thấy cảnh quê dân dã, họ rất thích. Nông dân vừa làm lúa vừa chăn trâu cũng tạo ra được khoản thu nhập khá” – ông Năm tâm sự và nói thêm, chăn trâu, thăm đồng giờ không chỉ là nghề nông đơn thuần mà còn là hoạt động dịch vụ du lịch thực thụ của nông dân Hội An.
Nếu như trên đồng lúa, người nông dân là “nhân vật chính” của những bức hình đồng quê thì chú trâu cũng là “nhân vật” không thể thiếu. Bằng cách chăm trâu béo núc béo tròn, huấn luyện trâu làm dáng thành thục, nông dân Hội An đã tạo ra hàng triệu bức hình thú vị về phố cổ đi khắp thế giới.
“Nhiều khách Tây lần đầu đến Hội An trên tay cầm theo những trang báo nước ngoài có các bức ảnh chụp hình chúng tôi. Họ kể rằng thấy thú vị và tìm cách đặt tour để được ngắm tận mắt” – ông Năm tự hào.
Ông Phạm Đình Phong (50 tuổi, nông dân trồng lúa ở tổ 4, khối Trường Lệ, Hội An) cũng là mắt xích trong chuỗi du lịch sinh thái phố cổ. Ông Phong cho biết mình sinh ra và lớn lên ngay tại Hội An.
Những năm 1980, sống ở đây cực quá nên ông theo gia đình vào Đồng Tháp lập nghiệp. Năm 2011 ông về thăm nhà cũ, thấy cuộc sống quá hấp dẫn nên quyết định trở lại bám đồng ruộng để trồng lúa, làm du lịch.
“Tui được bà con cho căn nhà của ông nội cạnh đồng lúa để sản xuất. Con trai mượn cho 18 triệu đồng, tui mua con trâu cái rồi nuôi cho nó đẻ. Tới giờ tui có năm con trâu, hai con bò cùng 20 sào đất trồng lúa. Cuộc sống của tui giờ có thể nói là “đỉnh cao” của sung sướng và hạnh phúc. Không gì tuyệt vời bằng được sống ở một nơi như phố cổ Hội An” – ông Phong thổ lộ.
Vừa làm lúa, trồng rau, ông Phong dựng lều ngay giữa cánh đồng để chăn trâu. Hằng ngày ông dẫn trâu ra đồng ăn cỏ, tắm táp. Tối về ông đi nhặt trứng từ đàn vịt nuôi chạy đồng kế bên chòi mình.
“Trứng thì giúp tui mua gạo, thức ăn. Trâu thì giúp tui lấy tiền từ khách du lịch. Tui cứ cưỡi trâu thong dong trên đồng, ai thích thì tới chụp ảnh và cho bao nhiêu tiền tui nhận bấy nhiêu” – ông Phong vui vẻ.
Giáo trình đặc biệt cho trâu cảnh
Ở Hội An có nhiều nông dân nuôi trâu làm du lịch với số lượng lớn và trở thành nghề chuyên nghiệp thật sự. Một trong những chủ trâu như thế là cha con ông Trang Quảng (62 tuổi), nông dân ở Cẩm Châu. Nhà ông Quảng dựng hẳn một trại trâu ngay giữa đồng. Đàn trâu của ông lúc nào cũng duy trì số lượng từ năm con trâu lớn trở lên mà chủ yếu là trâu đực.
Hằng ngày, ông Quảng cùng con dẫn trâu ra đồng thong dong ăn cỏ, tắm rửa cho trâu, kết hợp chăm sóc mấy hồ tôm trang trải cuộc sống. Những cảnh này luôn gây thích thú và khách du lịch đều móc tiền “tip” cho trâu lẫn chủ mỗi khi xin cưỡi thử hay chụp ảnh.
Những nông dân nuôi trâu làm du lịch ở Hội An cho biết để thu hút được nhiều khách tới cưỡi trâu, phải có một “giáo trình” chăm sóc đặc biệt như trâu được cho ăn cỏ, bồi bổ dưỡng chất.
Trâu mập ú, sừng đẹp, lông mi “phúc hậu”, da bóng bẩy và trơn mượt luôn được khách Tây thích thú và sẵn sàng bỏ thêm nhiều tiền “tip”. Để trò chuyện được với khách, nhiều nông dân cũng tranh thủ đi học thêm các khóa ngoại ngữ, hoặc tự học “lõm” khi tiếp xúc với khách.
“Đàn trâu của tui năm con, toàn là trâu đực nên tui đặt các tên Xe, Pháo, Mã… Mỗi con trâu tui bỏ công chăm còn hơn con tui nữa, ngày ngày tắm cho chúng vài lần với đủ xà bông, dầu gội, rồi lược chải lông, đêm ngủ thì bật đèn sưởi…” – chủ trâu Phạm Đình Phong kể.
Ông Nguyễn Năm thì “tiết lộ” bí quyết lúc mới tập cho trâu để khách cưỡi, chúng sợ mùi nước hoa khách Tây nên ông dò hỏi được vài mẫu nước hoa. Hằng ngày ông dẫn trâu ra đồng, xịt nước hoa lên người mình rồi leo lên lưng trâu, thong dong cho chúng đi gặm cỏ.
Lâu dần trâu quen mùi nước hoa, nên giờ ngày nào mà không xịt nước hoa lên lưng trâu thì chú trâu đực của ông nhất định không cho khách leo lên để kiếm tiền cho chủ.
Trâu cảnh, lúa cũng… cảnh
Ở các vùng nông thôn có đồng lúa quanh Hội An, những hộ nông dân vừa trồng lúa vừa nuôi trâu để làm du lịch là không hiếm, thậm chí ước lượng tới hàng trăm gia đình.
Trâu nuôi làm cảnh, nông dân trồng lúa cũng để… làm cảnh lôi cuốn khách du lịch đến mức nhiều công ty lữ hành đặt vấn đề trực tiếp với nông dân để làm tour phục vụ du khách.
Theo Tuổi Trẻ