So với vẻ cứng rắn và sắc sảo của Triệu Lập Kiên, sự bảo thủ và ổn định của Uông Văn Bân, bà Hoa Xuân Oánh tỏ ra chín chắn và linh hoạt.
Tại Diễn đàn Năng lượng được tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày 10/12, Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis phát biểu rằng, châu Âu và Mỹ nên có sự nhất trí và cùng nhau đối đầu với ngoại giao chiến lang của Trung Quốc.
“Chúng ta có sự nhất trí chung về việc nói “không” với chính sách ngoại giao bắt nạt, hăm dọa và cưỡng ép, hay còn gọi là ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc“, ông nói.
Về vấn đề này, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bảo vệ chính sách “ngoại giao chiến lang” của nước này, cho rằng việc bảo vệ “sự công bằng và công lý quốc tế” không có gì sai. “Nếu chỉ vì Trung Quốc “lớn” mà cho rằng việc Trung Quốc nói sự thật và bảo vệ lợi ích và tôn nghiêm của mình là “uy hiếp” và “chiến lang”, điều đó rõ ràng là không công bằng và nó cũng bôi nhọ chính sách ngoại giao của Trung Quốc“, bà nói.
Từ khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ nổ ra hơn hai năm trước, đến những tranh luận gay gắt gần đây liên quan đến Trung Quốc và Australia, phản ứng của nhà ngoại giao Trung Quốc với các nước khác đã gây ra tranh cãi về chính sách ngoại giao chiến lang.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có ba phát ngôn viên chính, gồm Hoa Xuân Oánh, Triệu Lập Kiên và Uông Văn Bân. Ông Uông Văn Bân sinh năm 1971, tốt nghiệp Đại học Ngoại giao Trung Quốc, được đánh giá là người mang đặc điểm bảo thủ và ổn định nhất của thế hệ ngoại giao trước đây.
Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, trong cuộc họp báo lần đầu tiên vào ngày 20/7, màn thể hiện của ông được đánh giá là “không có điểm đặc sắc”.
Ví dụ, trả lời về nhận định quan ngại trước một Trung Quốc đang trỗi dậy dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ của Bộ trưởng Mỹ Mark Esper thời điểm đó, ông Uông nói rằng, “một số người Mỹ luôn nhìn quan hệ Trung – Mỹ dưới góc độ tư duy Chiến tranh Lạnh và trò chơi có tổng bằng không, đồng thời kêu gọi kiềm chế Trung Quốc”. Theo Đa chiều, phong cách phát ngôn này không khác gì cách nói của những người tiền nhiệm.
Điều thu hút sự chú ý của giới truyền thông là ông đã tập trung phát biểu của mình vào sự phân biệt giữa Trung Quốc và ĐCSTQ. Ông nói: “Mỹ nên tôn trọng và chấp nhận sự thật rằng ĐCSTQ được người dân Trung Quốc tán thành và ủng hộ, thay vì ly gian mối quan hệ giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc, tạo ra sự đối lập về tư tưởng và hình thành bè phái trên phạm vi quốc tế“.
Ông Triệu Lập Kinh (sinh năm 1972), kém ông Uông một tuổi, là người gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay. Ông Triệu bước vào lĩnh vực ngoại giao Trung Quốc sau khi tốt nghiệp Học viện Đường sắt, Đại học Trung Nam (Hồ Nam). Trong nhiệm kỳ Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ (2009-2013), ông này đã lập tài khoản Twitter để trả lời các vấn đề về Trung Quốc. Ông được đánh giá là nhà ngoại giao Trung Quốc có nhiều người theo dõi trên Twitter nhất và phát biểu của ông được cho mang phong cách táo bạo hơn.
Khi làm Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan vào năm 2019, ông đã có cuộc đối đầu gay gắt với cựu Ngoại trưởng Mỹ Susan Rice về các vấn đề sắc tộc và chủng tộc của hai quốc gia. Hay trong những ngày đầu đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, thông qua tài khoản Twitter, ông đã yêu cầu Mỹ giải thích về thời điểm xuất hiện bệnh nhân số 0 của nước này, đồng thời đặt nghi vấn có thể SAR-CoV-2 được quân đội Mỹ đưa vào Vũ Hán”.
Dòng tweet mới nhất của ông Triệu thậm chí còn gây ra một cuộc chiến dư luận giữa Trung Quốc và Australia, khiến Thủ tướng Scott Morrison còn trực tiếp tham gia. Bối cảnh của vụ việc này là vào ngày 30/11, ông Triệu kêu gọi Australia điều tra các cáo buộc tội ác chiến tranh gần đây về việc binh lính nước này giết hại 39 thường dân Afghanistan. Trên tài khoản twitter của mình, ông này còn đăng tải bức ảnh cho thấy một người lính Australia ngồi cạnh quốc kỳ khổng lồ, tươi cười cầm một con dao dính máu kề vào cổ họng một em bé Afghanistan đang ôm cừu.
Dòng tweet của ông Triệu đã gặp phải bộ phận chỉ trích. Thủ tướng Scott Morrison nói đây là hình ảnh giả mạo, gây ra sự xúc phạm với Australia và yêu cầu Bắc Kinh xin lỗi.
Một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oanh, đã thay mặt người đồng sự, chất vấn lại chính phủ Australia và các nước phương Tây khác rằng “liệu họ có ủng hộ việc giết hại dân thường của binh lính Australia hay không?”. Thái độ của ông Morrison đã thay đổi vào ngày 1/12. Ông yêu cầu các cộng sự trong chính phủ không nên khuếch đại sự việc thêm nữa.
Tương tự như ông Triệu, bà Hoa không tốt nghiệp chuyên ngành ngoại giao, đã vào hệ thống ngoại giao Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đại học. Bà đảm nhiệm vai trò người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ tháng 11/2012. Bà là nữ phát ngôn viên thứ 5 trong lịch sử của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và cũng là người phát ngôn lớn tuổi nhất của bộ này hiện nay (sinh năm 1970). Vào tháng 7/2019, bà Hoa kế nhiệm ông Lục Khảng trở thành Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
So với hai ông Triệu Lập Kiên và Uông Văn Bân, bà Hoa Xuân Oánh thể hiện một phong cách khác trong công tác ngoại giao.
Vào ngày 10/12, đáp trả trước chỉ trích của truyền thông Đức về chính sách chiến lang, bà Hoa trả lời “Trung Quốc không chủ động gây hấn mà chỉ tự vệ khi bị công kích”, đồng thời so sánh hình ảnh các nhà ngoại giao chiến lang nước này với Vua sư tử.
“Không biết, họ đánh giá thế nào về Simba? Chú sư tử nhỏ vốn đáng yêu, dưới những nghi ngờ, chỉ trích, công kích đã trưởng thành và trở thành Vua sư tử Simba“, bà nói.
Trước những cáo buộc về đại dịch Covid-19, nhân quyền v.v… bà này cũng đặt câu hỏi: “Lẽ nào có người như sói như hổ chỉ trích thậm tệ Trung Quốc vì những cáo buộc không chính đáng còn Trung Quốc chỉ như một con cừu non câm lặng?”.
Theo đánh giá, so với vẻ cứng rắn và sắc sảo của Triệu Lập Kiên, sự bảo thủ và ổn định của Uông Văn Bân, bà Hoa Xuân Oánh tỏ ra chín chắn và linh hoạt hơn khi đối mặt với những xung đột ngôn luận giữa Trung Quốc và phương Tây.
Tất nhiên, mặc dù Uông Văn Bân, Triệu Lập Kiên, Hoa Xuân Oánh tuy có phong cách khác nhau nhưng phong cách của họ dung hòa lẫn nhau, cùng tồn tại dưới định hướng chung thống nhất là phục vụ cho nền ngoại giao của Trung Quốc.
Theo Tổ Quốc