Quan điểm của Chủ tịch Hoàng Nam Tiến đã khiến netizen tranh cãi kịch liệt.
Gen Z được đánh giá là một cộng đồng các bạn trẻ sôi nổi, năng động và đầy nhiệt huyết. Họ luôn đổi mới sáng tạo và đề cao chủ nghĩa cá nhân, yêu thích sự tự chủ kể cả trong cuộc sống lẫn tài chính. Chính những đặc điểm riêng biệt này khiến Gen Z được kỳ vọng sẽ là nhân tố bùng nổ trong bất kỳ môi trường doanh nghiệp nào.
Tuy nhiên, có đôi khi chính những đặc điểm có 1-0-2 đó của Gen Z lại khiến nhà tuyển dụng cảm thấy đau đầu bởi một bộ phận người trẻ hiện tại luôn sẵn sàng “nhảy việc” vì vô vàn lý do khác nhau. Thậm chí có người còn cho rằng thế hệ này là thế hệ chuyên “đứng núi này trông núi nọ”.
Mới đây, dân tình cũng đang chia sẻ một đoạn video ghi lại quan điểm của ông Hoàng Nam Tiến, chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FOX) về chủ đề này. Bản thân vị CEO luôn cảm thấy tự hào khi chia sẻ với mọi người rằng đã cống hiến cho FPT từ ngày ra trường đến thời điểm hiện tại. Với nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến cho rằng thế hệ 7x, 8x cũng giống ông khi họ luôn trung thành với một công việc trong thời gian dài. Tuy nhiên, ngày nay các bạn trẻ lại có xu hướng nhảy việc liên tục.
“Suy nghĩ của các bạn trẻ rất khác, họ muốn trải nghiệm nhiều. Rất nhiều bạn trẻ đã trở thành cốt cán ở một công ty nhưng họ vẫn nghỉ việc. Rất không may, nhiều bạn trẻ khi nhảy việc gặp những thử thách không thể vượt qua được. Đôi khi chỉ đơn giản sếp khó tính là nhảy, không được thuận theo ý là nhảy việc. Tôi nói thật những người như vậy cả đời không bao giờ thành công được”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Trước quan điểm của ông Tiến, nhiều ý kiến trái chiều đã nhanh chóng bùng nổ, chia ra 2 phe tranh cãi.
Tuổi trẻ ngắn lắm, mình thích “nhảy việc” là nhảy thôi!
Một nửa ý kiến cho rằng, quan điểm của Chủ tịch FPT có phần đúng. Bởi lẽ, nếu bản thân cảm thấy không phù hợp với công việc thì sẽ không thể cống hiện 100% sức lực mà chỉ làm cho có và đi làm chỉ vì nhiệm vụ chứ không hề thấy được niềm vui.
– Em gắn bó với một công ty 5 năm, lên được vị trí leader nhưng lại cảm thấy sếp thiếu tôn trọng nên đã nhảy việc. Qua công ty mới được mọi người tôn trọng, còn mức lương thì gấp 1,5 lần.
– Không nghỉ việc thì để công ty bóc lột sao? Mỗi năm tăng 5-7% chỉ đủ trượt giá lạm phát. Công ty thấy mình làm tốt cũng không trả lương bằng nhân viên mới vào.
– Còn trẻ muốn bơi ra biển lớn thì hãy cứ nhảy việc. Đến lúc đủ kinh nghiệm, tự khắc sẽ tìm đến nơi để cống hiến.
– Nghĩ đơn giản nhảy việc chỉ đơn giản là muốn tìm kiếm cơ hội mới hơn. Ở nơi cũ họ không nhìn thấy được cơ hội phát triển thì họ tìm một chỗ khác thích hợp hơn. Như vậy họ mới thành công được chứ!
– Nhảy việc tăng 50% hoặc x2 lương, trong khi làm việc tại công ty cũ thì một năm tăng được 10-20% thì nhảy việc là phải.
– Nhảy việc tốt mà, mình sẽ được trải nghiệm nhiều hơn.
Phỏng vấn nhanh Nguyễn Huỳnh Đức (sinh năm 2003), một bạn trẻ đã “vào đời” và chinh chiến ở thương trường ngay từ năm nhất đại học, Đức cho biết chỉ sau 1 năm đi làm cậu bạn đã nhảy đến 3 công việc. Cũng chính vì vậy, Đức không đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Hoàng Nam Tiến.
“Mình học về Tài chính, song lại không có đam mê đến lĩnh vực này do đó mình đã quyết định lao vào thương trường từ sớm để tìm kiếm đam mê thực sự của mình. Mình nhảy việc vì cảm thấy bản thân không phù hợp với công việc đó và khi vào đã tìm được một nơi mà bản thân thuộc về thì mình sẽ dừng lại”.
Song cậu bạn cũng chia sẻ, Gen Z sống trong kỷ nguyên của truyền thông số và toàn cầu hóa, vậy nên nhịp sống của họ cũng gắn liền với chữ “nhanh” trong những bước tiến của công nghệ. Họ được trang bị những kiến thức, kỹ năng đủ tốt nên có thể sẵn sàng “dứt áo ra đi” bất cứ khi nào.
Nhảy việc nhiều dễ khiến Gen Z mất định hướng
Ngược lại, không ít người cho rằng nhảy việc nhiều quá không thật sự tốt. Lý do là vì bạn sẽ mất định hướng trong hành trình theo đuổi đam mê của mình, không biết bản thân sẽ đi đâu, về đâu.
– Những người làm chủ thường sẽ định hướng nhân viên không nhảy việc rồi.
– Mình cũng đồng ý với quan điểm của bác Tiến về việc phản đối nhảy việc. Nhảy việc không sai nhưng bạn có biết rằng nó sẽ rất tốn thời gian và công sức của cả người ứng tuyển và người tuyển dụng không? Họ mất công tìm kiếm, phỏng vấn, training… song chúng ta lại “nhảy việc” và họ sẽ lại phải tốn thời gian đi tìm kiếm ứng cử viên khác.
– Thay vì nhảy việc thì hãy tập trung vào việc cải thiện chuyên môn và thăng tiến tại công ty đó thì tốt hơn nhiều. Bản thân không đủ năng lực thì làm chỗ nào cũng không phát triển được đâu.
– Có thể nhảy việc nhưng chỉ nên nhảy việc trong giai đoạn mới ra trường vài năm thôi. Khi đã tìm được công ty tốt rồi thì không nên.
Cụ thể hơn, cô bạn Nguyễn Trần Nhật Vy ( sinh năm 2003, Sơn La) – một Gen Z điển hình chia sẻ:
“Trước khi quyết định vào một công việc nào mình thường đắn đo rất nhiều, phải tìm hiểu xem công việc đấy đem lại lợi ích gì cho bản thân và công việc của mình. Thay vì tốn thời gian đi rải đơn ứng tuyển ở nhiều nơi, thì mình lại cẩn thận tìm hiểu rồi quyết tâm gắn bó với nó một cách lâu dài. Có thể nói, việc nhảy việc sẽ tạo ra một‘vết nhơ’ trong mắt của nhà tuyển dụng nên các bạn trẻ cần hết sức cẩn trọng”.
Kết
Lời khuyên dành cho các bạn là trước khi nhảy việc, hãy tự mình trả lời một câu hỏi: Tại sao mình phải ở lại? Nếu có lý do thì hãy ở lại còn không thì có thể “dứt áo ra đi”. Có thể nói, vấn đề nên nhảy việc hay không phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn của các bạn.
Vậy lúc nào mới là thời gian “nhảy việc” phù hợp và giành được lợi thế cho bản thân? Chủ tịch Hoàng Nam Tiến cũng đưa ra những lời khuyên và định hướng:
“Trong cuộc đời có rất nhiều điểm được gọi là checking point, thời điểm đó bạn phải vượt qua được. Khi đã vượt qua được, hãy tự tin ứng tuyển ở một chỗ làm mới, làm được những việc mình thích và được trả lương cao hơn 30% thì hãy nhảy việc”.
Ảnh: Tổng hợp-Theo Huỳnh Đức–Theo Trí Thức Trẻ