Đời sau cứ nhắc mãi về những giai thoại ăn chơi khét tiếng của Công tử Bạc Liêu, nhưng ít ai biết đến nguồn gốc cho sự giàu có này. Tất cả đều là nhờ vào người cha tài giỏi, xuất thân nghèo khó nhưng biết vượt lên số phận.
Danh tiếng ăn chơi của Công tử Bạc Liêu không chỉ nức tiếng chốn Nam kỳ lục tỉnh thời ấy, mà đến ngày nay vẫn còn được nhắc lại. Những giai thoại về cậu Ba Trần Trinh Huy không ai là không biết đến. Nhưng không nhiều người biết đến nguồn gốc cho sự giàu có của ông. Tất cả đều là nhờ vào người cha tài giỏi – ông Trần Trinh Trạch, xuất thân nghèo khó nhưng biết vượt lên số phận.
Tuổi thơ nghèo khó và bước đổi đời nhờ đi “học hộ”
Ông Trần Trinh Trạch vốn là gốc người Minh Hương. Cha của ông sinh ra ông ở ấp Cái Dầy, tỉnh Bạc Liêu. Thời đó công cuộc khẩn hoang của gia đình ông không mấy suôn sẻ, lại còn dính phải bệnh dịch khiến cả nhà đều “trắng tay”. Khoảng 10 tuổi, ông Trạch bắt đầu phải đi làm công cho một gia đình điền chủ Pháp. Ông làm lụng như một kẻ đầy tớ, ngày ngày chăn trâu cắt cỏ chỉ để được trả công bằng những chén cơm thừa canh cặn.
Đến năm 1881, thực dân Pháp ra quyết định, con những người Tây gốc Việt đều phải học tiếng Pháp, điều này đồng nghĩa với việc con trai của nhà điền chủ kia phải cắp sách đi học ngoại ngữ. Ông điền chủ, vì có đứa con lười nhác không muốn học tiếng Pháp, liền bắt Trần Trinh Trạch đi học thay. Dù không muốn nhưng vì miếng cơm manh áo, ông Trần “nuốt nước mắt” mà mang danh công tử đi học hộ người ta. Chính ông cũng không ngờ đây là “cánh cửa” đã giúp ông đổi đời sau này.
Làm rể con Bá hộ và trở thành ông Hội đồng
Trong thời gian đi “học hộ”, ông Trạch tiếp thu được khá nhiều kiến thức, đọc và nói trôi chảy tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành công chức của Tòa hành chánh tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, Trần Trinh Trạch được bá hộ Phan Hộ Biết để mắt và quyết định gả con gái cho ông. Nhờ những hiểu biết về pháp luật trong thời gian làm thầy ký cùng với sự “chống lưng” từ phía nhà vợ, ông Trạch lần lượt thu gom đất đai của những địa chủ không may mắn, thường là do thua lỗ bài bạc. Sau đó ông lấn sang lĩnh vực ruộng muối. Thời đó tỉnh Bạc Liêu có 13 sở muối thì ông Trạch sở hữu tới 11 sở.
Chưa dừng lại, ông trúng thầu quản lý sở cầm đồ và nghiễm nhiên trở thành người hoạt động độc quyền cầm đồ tại Bạc Liêu. Ông cũng sở hữu hai dãy phố lầu ở Bạc Liêu và một dãy phố lầu ở Sài Gòn. Năm 1927, ông đồng sáng lập ra Ngân hàng Việt Nam đầu tiên và trở thành chánh hội trưởng của ngân hàng. Cùng thời gian đó, ông tham gia Hội đồng tư mật Nam kỳ và được người dân gọi là ông Hội đồng Trạch.
Cuộc sống giản dị và qua đời vì cảm lạnh
Dù giàu có cỡ nào, thì ông Trạch vẫn giữ nếp sống giản dị. Bữa ăn của ông cũng là những món bình thường như bao gia đình khác. Ông dành hết gia tài và tình yêu thương cho các con của mình, nhất là cậu Ba Huy. Dù biết con mình làm ít hưởng nhiều, nhưng ông quan niệm mình khổ đủ rồi, phải cho con cháu “ăn sung mặc sướng”.
Gia tài của ông gần như đều để cho cậu Ba Huy sử dụng. Ngày cậu Huy từ nước ngoài trở về, ông mua hẳn xe sang để đi đón. Ông còn cho phép con mình mua máy bay, mua ca nô để “thị uy” với Bạch công tử Lê Công Phước. Thế mới thấy, những gì hào nhoáng của công tử Bạc Liêu mà người đời biết đến đều đến từ tay ông Trần Trinh Trạch cả.
Năm 1942, sau khi mừng thọ tuổi 70 được hơn tháng, ông Trạch nói với cậu Huy đưa xuống Sài Gòn đổi gió. Sau khi đi biển Long Hải về, ông Trạch bị cảm lạnh và qua đời ở Sài Gòn. Tuy nhiên vì sợ bị người đời và gia tộc mắng, cậu Ba đã “bí mật” lái ô tô chở ông Trạch về Bạc Liêu trong đêm. Sau đó trong lúc rối ren, người ta cũng phát hiện ra sự việc.
Người ta nói “không ai giàu ba họ” cũng không sai, đời ông Trạch giàu, đời con ông là cậu Ba Huy cũng giàu. Nhưng rồi cậu Huy ăn chơi trác táng và để đến đời thứ ba, con cháu lại nghèo khó. Dù sau giai thoại về Công tử Bạc Liêu cũng sẽ cứ lưu truyền mãi, nhưng ít ai nhớ được nguồn gốc của sự giàu có đấy là từ đâu. Câu chuyện về gia tộc họ Trần có lẽ cũng là một bài học cho chúng ta
Theo Thethaovanhoa