“Tôi nghĩ Chính phủ đã làm đúng. Trung Quốc giống như một kẻ bắt nạt trong trường học vậy”, chủ một doanh nghiệp sản xuất rượu vang Úc cho biết.
Chính phủ Trung Quốc tiếp tục ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng của Úc trong bối cảnh căng thằng chính trị giữa hai nước vẫn tiếp tục. Áp lực gây ra từ một thị trường khổng lồ như Trung Quốc là rất lớn, nhưng không có dấu hiệu cho thấy chính phủ Úc sẽ bị khuất phục. Nhiều ngành sản xuất của Úc đã bị ảnh hưởng, nhưng họ cũng đang bắt đầu tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Nằm cách Sydney khoảng 150km về phía bắc, thung lũng Hunter được biết đến là vùng sản xuất rượu vang lâu đời nhất của Úc. Công ty Tyrrell’s, được thành lập từ năm 1858 một trong hơn 150 nhà máy sản xuất rượu tại đây, đã bắt đầu thu hoạch nho chuẩn bị cho sản xuất rượu vang từ cuối tháng 1.
Năm ngoái, do ảnh hưởng của đám cháy rừng lan rộng khắp nước Úc, Tyrrell’s đã không thu hoạch được nho để sản xuất rượu. Vụ thu hoạch năm nay chính là vụ đầu tiên sau hai năm. Những tưởng đây là một khởi đầu tốt lành cho nhà máy, nhưng ông Bruce Tyrrell, 69 tuổi, giám đốc nhà máy lại không vui chút nào.
Nguyên nhân là do Trung Quốc đã áp mức thuế tối đa lên tới 218% đối với các sản phẩm rượu vang Úc từ tháng 11 năm ngoái. Chính vì vậy, việc bán hàng sang Trung Quốc, vốn chiếm tới 25% thị phần xuất khẩu của Tyrrell’s đã bị ngừng lại. Do đại dịch COVID-19, Tyrrell’s cũng đã buộc phải đóng từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái trong giai đoạn phong tỏa. Ông Tyrrell cho biết: “Đối với chúng tôi, 18 tháng qua là thời gian khó khăn nhất từ trước đến nay”.
Không chỉ Tyrrell’s, việc Trung Quốc áp thuế đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành sản xuất rượu vang của Úc. Sau khi Úc và Trung Quốc kí kết hiệp định thương mại tự do (FTA) vào tháng 12 năm 2015, từ tháng 1 năm 2019, mức thuế đối với rượu vang Úc khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm từ 14-20% xuống 0.
Trong vòng 5 năm, xuất khẩu rượu vang từ Úc sang Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần, với tổng giá trị lên đến 1,2 tỷ AUD (Tương đương 22 nghìn tỷ VNĐ), chiếm tới 39% tổng kim ngạch xuất khẩu rượu vang của Úc.
Quan hệ Trung Quốc – Úc xấu đi
Phía Bắc Kinh cáo buộc Úc trợ cấp cho ngành sản xuất rượu vang và bán phá giá rượu vang ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Hiệp hội Nho và Rượu vang Úc, một hiệp hội của ngành sản xuất rượu vang ở Úc, đã phủ nhận cáo buộc này: “Tỉ lệ trợ cấp của chính phủ Úc với ngành sản xuất rượu ở Úc thấp hơn nhiều so với Trung Quốc hay châu Âu. Rượu vang Úc có khả năng cạnh tranh ở Trung Quốc là do chúng tôi sản xuất rượu có hiệu quả và rượu có chất lượng cao”.
Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc – Úc “tồi tệ nhất từ trước đến nay”. Vào tháng 8/2018, Úc đã cấm gã khổng lồ ngành viễn thông của Trung Quốc Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng viễn thông 5G ở nước này do các lo ngại về vấn đề bảo mật. Tháng 4/2020, Úc cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về cách thức xử lý đại dịch COVID-19 của Trung Quốc.
Để trả đũa, vào tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc đã áp mức thuế chống bán phá giá lúa mạch của Úc lên tới 80,5% và đình chỉ hoặc gây khó dễ cho việc nhập khẩu các mặt hàng như thịt bò, tôm hùm, bông, than, v.v. từ Úc. Tuy vậy, các mặt hàng khó tìm được nguồn cung cấp thay thế Úc như quặng sắt hay lông cừu thì không nằm trong danh sách này.
Tuy nhiên, chính phủ Úc không thay đổi lập trường, tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông và tăng cường hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Vào tháng 1 vừa qua, thủ tướng Úc Scott Morrison đã phát biểu: “Chúng tôi sẵn sàng gặp gỡ và thảo luận (với các nhà lãnh đạo Trung Quốc để tháo gỡ bế tắc) nhưng chúng tôi sẽ không nhượng bộ. Tôi nghĩ rằng không người dân Úc nào sẽ chấp nhận điều đó”.
Tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế
Vào năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Úc. Vào năm 2019, kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc đã chiếm đến 39% tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc. Mặc dù ảnh hưởng của các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đến kinh tế Úc là không hề nhỏ, nhưng các doanh nghiệp Úc không yêu cầu chính phủ phục hồi quan hệ với Trung Quốc, họ chọn con đường tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế Trung Quốc.
Tyrrell’s cho biết họ sẽ tìm kiếm khách hàng mới ở các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Indonesia.
“Tôi nghĩ Chính phủ đã làm đúng. Trung Quốc giống như một kẻ bắt nạt trong trường học vậy. Kẻ bắt nạt sẽ tiếp tục bắt nạt cho đến khi bị đánh trả.” – Chủ tịch Bruce của Tyrrell’s nói – “Để lấp lầy lỗ hổng từ thị trường Trung Quốc, chúng tôi sẽ mất đến bốn, năm năm nữa. Tôi cũng đã tìm được những khách hàng mới ở Uzbekistan hay Kazakhstan.”
Vào ngày 20/1, tập đoàn ngũ cốc khổng lồ CBH của Úc đã thông báo rằng họ là công ty đầu tiên xuất khẩu lúa mạch vào thị trường Mexico. Xuất khẩu lúa mạch sang Ả-rập Xê-út cũng tăng mạnh từ gần như bằng 0 trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020 lên đến vượt quá 2 triệu tấn từ tháng 8/2020 đến nay. Lượng lúa mạch xuất khẩu sang Thái Lan và Việt Nam cũng tăng mạnh lên 890.000 tấn. Đây là một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mạch hàng năm sang Trung Quốc trong những năm gần đây.
Ông lớn ngành than, tập đoàn Whitehaven trong báo cáo hàng năm được công bố vào tháng 10 đến tháng 12/2020 cho biết: “Ngành công nghiệp than đá Úc đang tìm kiếm các khách hàng mới ở Ấn Độ, Pakistan, Trung Đông, v.v.”.
Ngày 23/12 năm ngoái, Chính phủ Úc đã công bố các chính sách hỗ trợ đa dạng hóa xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản trị giá 72,7 triệu AUD (khoảng 1.300 tỷ VNĐ). Các chính sách này tập trung vào các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn phát triển thị trường mới cho các nhóm ngành và các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Perth USAsia cho biết: “Vấn đề đa dạng hóa xuất khẩu không thể được giải quyết trong một sớm một chiếu, cộng thêm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên sẽ mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, một số ngành đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể [trước sức ép từ Trung Quốc]”./.
(Theo Asahi Shimbun)-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị