Câu chuyện kỳ lạ của cựu sinh viên Bắc Đại đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Lục Bộ Hiên sinh năm 1965 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Người đàn ông này có một biệt danh rất kỳ lạ, đó là “Đồ tể của Đại học Bắc Kinh”.
Sinh viên Bắc Đại đi bán thịt lợn
Tại Trung Quốc, đại học Bắc Kinh (Bắc Đại) và Thanh Hoa là 2 ngôi trường danh giá số 1. Việc tốt nghiệp Bắc Đại là một “tấm vé” đảm bao tương lai tươi sáng, thành công rực rỡ, nhất là vào vài chục năm trước.
Lục Bộ Hiên sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo. Khi lần đầu tiên tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, ông đã được nhận vào trường Cao đẳng Sư phạm Tây An. Tuy không phải là một trường tốt nhưng vào thời điểm đó, có thể vào đại học đã một thành tích rất tốt, nhất là với xuất thân của Lục Bộ Hiên.
Thế nhưng vì ý chí của mình, ông đã quyết định ôn thi lại đại học và xuất sắc trúng tuyển Bắc Đại. Được biết, khi đang nấu ăn trong bếp thì Lục Bộ Hiên bất ngờ nhận được thư trúng tuyển của Đại học Bắc Kinh. Khi ấy, ông đã bật khóc vì quá phấn khích. Cả gia đình lẫn hàng xóm láng giềng xung quanh đều vô cùng tự hào và đặt kỳ vọng vào ông.
Bước vào Bắc Đại, trong lòng ông cũng tràn đầy hy vọng và mong muốn cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm vào làm việc tại một nhà máy sản xuất phụ tùng động cơ ở quê nhà. Vị trí công việc này khiến một người tham vọng và thông minh như Lục Bộ Hiên bất mãn. Sau đó, ông làm việc trong cơ quan nhà nước là Ủy ban Kế hoạch và Kinh tế. Tuy nhiên với ông, đó là công việc lương thấp và áp lực cao.
Khi ấy, bạn bè đồng học ở Bắc Đại của Lục Bộ Hiên đã đạt được những thành công và địa vị xã hội nhất định. Điều này càng khiến ông hoang mang và quyết chí bắt đầu lại cuộc đời mình. Nhưng các nỗ lực kinh doanh khởi nghiệp của Lục Bộ Hiên lúc ấy đều lần lượt thất bại do nhiều lý do. Sự thất bại của ông còn kéo theo đổ vỡ hôn nhân. Vợ của ông không thể chấp nhận được chồng mình có tấm bằng Bắc Đại nhưng lại không kiếm được tiền như vậy nên đã bỏ đi.
Lục Bộ Hiên sống nhiều năm trong cảnh bế tắc nhưng ông không tuyệt vọng. Ở độ tuổi ngoài 30, ông có quyết định khởi nghiệp lần nữa. Nhưng lựa chọn của ông đã khiến gia đình lẫn người xung quanh sốc: ông quyết định mở một sạp bán thịt lợn.
Lúc này, người đàn ông đã không còn quan tâm đến xuất thân Đại học Bắc Kinh của mình nữa. Sau những ngày đầu khó khăn, công việc kinh doanh của ông dần khởi sắc nhờ thịt tươi và giá thấp.
Bước ngoặt cuộc đời xảy đến vào năm 2003, một bài báo với tiêu đề “Nhân tài của Đại học Bắc Kinh bán thịt trên đường phố Trường An” đã thu hút sự chú ý của toàn Trung Quốc. Mọi người đều rất tò mò về câu chuyện sinh viên Bắc Đại lại phải đi làm đồ tể. Ai nấy đều đặt câu hỏi: Chẳng phải những sinh viên hàng đầu từ Bắc Đại và Thanh Hoa lẽ ra phải ngồi trong văn phòng trong bộ vest cà vạt, với mức lương hàng năm cao hơn nhiều so với hầu hết những người bình thường và sống một cuộc sống thoải mái sao?.
Sự thay đổi bất ngờ vào 10 năm sau
Có lẽ chính những tiếng nói thắc mắc, thậm chí thương hại của người đời đã trở thành động lực để Lục Bộ Hiên một lần nữa thay đổi cuộc đời mình. Dù bán thịt lớn có thu nhập khá tốt, cửa hàng ngày càng phát triển nhưng trong mắt gia đình lẫn xã hội, công việc của Lục Bộ Hiên là không xứng với một cựu sinh viên Bắc Đại.
Tất nhiên không phải ai cũng chê bai người đàn ông này. “Hiện tượng Lục Bộ Hiên” khiến mọi người phải suy ngẫm sâu sắc về nhiều vấn đề như quan niệm việc làm, tiêu chuẩn tài năng và tầm quan trọng thực sự của thứ gọi là “địa vị xã hội”.
Năm 2004, ông được điều động về Cục Lưu trữ quận Trường An để làm việc. Cùng lúc này ông viết cuốn sách Cách Một Người Bán Thịt Nhìn Thế Giới.
Thế nhưng Lục Bộ Hiên vẫn không phải “đồ tể của trường Bắc Đại” duy nhất. Vào tháng 5 năm 2008, ông đã gặp Trần Sinh, cũng là cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh và hành nghề bán thịt. Vào tháng 8 năm 2009, Trần Sinh mời anh đến Quảng Châu và đề xuất hợp tác mở một doanh nghiệp sản xuất, phân phối thịt. Họ thậm chí còn mở một trường học gọi là “trường học bán thịt”. Cuối cùng, hai “đồ tể” đã thành công.
Lục Bộ Hiên đã viết tài liệu giảng dạy cho trường bán thịt, bao gồm đủ các chủ đề từ chăn nuôi lợn, tiếp thị cho đến cách nấu thịt,… Chương trình dạy học của họ đặt kỳ vọng “tất cả những người được đào tạo sẽ là những người bán thịt chất lượng cao, nắm rõ toàn bộ quy trình công nghiệp”.
Chỉ sau thời gian ngắn, doanh nghiệp của 2 “đồ tể Bắc Đại” đã mở hàng chục chi nhánh ở Bắc Kinh. Lục Bộ Hiên trở thành một thương gia thành đạt, thậm chí vượt mặt nhiều bạn học cũ của mình.
Năm 2018, doanh nghiệp của họ đã mở rộng chi nhánh đến 30 thành phố lớn khắp Trung Quốc, với doanh thu 1,8 tỷ NDT (khoảng 6.300 tỷ đồng). Lục Bộ Nhiên cũng tự mình thành lập cửa hàng trực tuyến riêng và việc kinh doanh vô cùng bùng nổ. Ước tính giá trị tài sản ròng của ông đã lên tới 40 tỷ NDT (140.000 tỷ đồng).
Khi được mời phát biểu tại trường cũ của mình vào tháng 4 năm 2013, ông nói: “Tôi đã mang lại sự xấu hổ và mất uy tín cho trường cũ của mình. Tôi là một tấm gương tiêu cực”. Ngay sau đó, hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh đương thời phát biểu đáp lại: “Sinh viên Đại học Bắc Kinh có thể làm chủ tịch nước, nhà khoa học hoặc bán thịt lợn”.
Chưa hết, Lục Bộ Hiên còn có một hành động “gây bão” truyền thông khi quyên góp 900 triệu NDT (3.150 tỷ đồng) cho trường cũ của mình là Đại học Bắc Kinh. Sau chục năm, người đàn ông bán thịt lợn bị coi thường năm nào đã chứng minh không có nghề nào cao quý hơn nghề nào. Sự thành công và thỏa mãn với cuộc sống của chúng ta không nằm trong những tiêu chuẩn xã hội của số đông và dù bạn làm bất kỳ công việc gì cũng có thể thành công theo cách của mình.
Nguồn: Sohu- Nhật An-Phụ nữ số