Tại buổi Tọa đàm “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” được tổ chức bởi Cổng thông tin điện tử Chính phủ vào chiều 27/9, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đã trả lời về lý do chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, cũng như những thuận lợi và khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Binu Jacob chỉ ra, Việt Nam có 4 yếu tố sau giúp thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài trong tầm nhìn dài hạn và bền vững.
Đầu tiên, Việt Nam là đất nước có nền chính trị ổn định và linh hoạt. Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho rằng đây cũng là yếu tố hàng đầu thu hút một nhà đầu tư FDI. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng cho thấy sự quyết đoán trong điều hành và không ngần ngại đưa ra quyết định can đảm và mạnh mẽ trong nhiều hoàn cảnh.
Tiếp theo, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược. Nước ta nằm ở vị trí trung tâm trong khu vực Đông Nam Á với bờ biển dài. Ông Binu Jacob nhấn mạnh, đây là lợi thế vô cùng lớn với các tuyến thương mại quan trọng trên thế giới.
Thứ ba, nguồn lao động trẻ dồi dào tại Việt Nam. Quy mô dân số hiện nay của Việt Nam xấp xỉ gần 100 triệu người, nằm trong nhóm 15 quốc gia đông dân nhất thế giới mà có “cấu trúc dân số vàng”.
Điều này có nghĩa là tại Việt Nam, cứ 2 người lao động sẽ chăm lo cho chỉ một người phụ thuộc. Ông Binu Jacob nhấn mạnh Việt Nam cần khai thác tốt ưu điểm này vì đây là cơ hội phát triển kinh tế xã hội không phải ai cũng có.
Cuối cùng, Việt Nam rất tích cực hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đạt được nhiều thành công trên mặt trận hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này thể hiện ở việc nước ta gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do, cũng như cộng đồng kinh tế gồm: Tổ chức Thương mại Thế giới, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, Cộng đồng Kinh tế ASEAN…
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đã trả lời về lý do chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chính nhờ những lợi thế trên, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam khẳng định, nếu trong thời gian tới Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng, thì trong dài hạn các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn tăng lên.
Về phía Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob cho biết, Tập đoàn Nestle mới đây đã quyết định đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm xây dựng nhà máy tới tại Đồng Nai trong 2 năm tới.
Tập đoàn Nestlé kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất của sản xuất của Nestle tại châu Á và khu vực châu Đại Dương. Lý do cho chiến lược này được vị Tổng giám đốc đưa ra là, các nhà máy tại Việt Nam đang là những nhà máy sản xuất sản xuất hiệu quả hàng đầu của Nestlé.
Nestlé đã đầu tư vào Việt Nam đến nay là 730 triệu USD, với quy mô 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối, tạo công ăn việc làm cho 2.200 lao động. Mỗi năm, Nestlé đã đưa vào nền kinh tế khu vực nông thôn gần 700 triệu USD với hoạt động thu mua cà phê bền vững.
Đặng Sơn-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị