Thông hiểu đạo xử thế, không tham lam, không chiếm lợi là sự tu dưỡng cơ bản nhất trong cuộc sống của mỗi con người. Đối với các bé còn nhỏ, chưa bước vào xã hội thì hiểu rõ điều này là rất quan trọng. Vì có câu “dạy trẻ từ thuở còn thơ”.
“Cục tẩy này thơm quá, cho mình mượn dùng vài bữa nhé!”
“Bạn có thể tặng mình cuốn sổ này được không?”
“Nhà bạn còn cái gì ăn ngon không? Lấy ra cùng chia sẻ cho bạn bè đi chứ.”
Hạ Vi, bạn học của con gái tôi hôm nay đến nhà cùng làm bài tập, từ lúc con gái mở sách bài tập ra, Hạ Vi luôn đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau, con gái cũng không từ chối bất kỳ điều gì.
Trước khi ra về, Hạ Vi còn cầm món quà giáng sinh của con gái tôi là một con heo bông luyến tiếc nói: “Con heo nhỏ này thật đáng yêu, cho mình mượn mấy ngày chơi nhé, để tối ôm nó ngủ cũng đỡ sợ hơn.”
Lúc đó, con gái chỉ đành miễn cưỡng gật đầu đồng ý: “Được rồi, chỉ hai đêm thôi nhé.”
Cuối cùng, Hạ Vi đã viện nhiều lý do khác nhau để không phải trả lại con lợn nhỏ đó.
Những đứa trẻ thích chiếm lợi, lòng nhiều toan tính sẽ chẳng gặt hái được gì trong cuộc sống, mà ngược lại còn đánh mất đi rất nhiều điều vô giá.
1. Đứa trẻ ưa thích chiếm lợi, càng dễ đánh mất cơ hội nhiều hơn
Có một câu chuyện như thế này:
Một cô gái đã đến Pháp sau khi tốt nghiệp và bắt đầu cuộc sống vừa làm vừa học của một du học sinh. Cô nhận thấy hệ thống giao thông công cộng ở địa phương nơi cô ở có vài kẽ hở có thể luồng lách, ví như, khi các nhà ga vừa mở cửa thì không có cửa soát vé, cũng không có nhân viên soát vé, mọi thứ đều dựa vào sự tự giác của người dân. Vì vậy, cô gái đã giở trò khôn vặt của mình, cô bắt đầu trốn tiền vé, và tự mãn rằng cô quá thông minh vì đã giúp bản thân tiết kiệm được chi phí sinh hoạt.
Bốn năm sau, cô gái tốt nghiệp loại ưu và tự tin nộp đơn vào các công ty đa quốc gia ở Paris, nhưng kỳ lạ thay, tất cả đều chấm rớt cô ngay từ vòng loại.
Thất bại liên tiếp khiến cô gái đầy uất hận. Ngay lúc đó, cô lại một lần nữa bị một công ty lớn từ chối, quá tức giận, cô cho rằng công ty này đang phân biệt chủng tộc, nhưng không ngờ bên kia đã đáp lại như thế này: “Nếu chỉ bàn đến nền tảng giáo dục và trình độ học vấn, thì chúng tôi rất coi trọng bạn. Nhưng nếu nhìn vào hồ sơ tín dụng của bạn, chúng tôi thấy có ghi chép bạn đã có hơn ba lần trốn tiền vé và bị xử phạt.”
Cô gái cố gắng bào chữa, nhưng bên kia lại nói: “Vấn đề này chứng tỏ bạn không tuân theo quy tắc, bạn giỏi tìm kẽ hở trong quy tắc và sử dụng chúng một cách ác ý. Chúng tôi không thể tin tưởng những người như vậy. Trong công việc, tính tự giác là rất quan trọng.”
Trước hành vi không đáng tin cậy của cô gái, công ty đã thẳng thắn nói rằng, cô ấy có thể sẽ không tìm được một công ty nào sẵn sàng thuê cô ấy ở Pháp hoặc thậm chí ở toàn châu Âu. Họ không lên án, cũng không có kỳ thị, thậm chí nếu cô gái đó không hỏi thì họ cũng chẳng có ý định muốn nói ra nguyên nhân.
Những người thích chiếm lợi như vậy sẽ khiến cho người khác cảm thấy sợ hãi và không dám đến gần. Dẫn đến đánh mất cơ hội cũng như các khả năng tốt đẹp có thể xảy ra trong cuộc sống. Sự mất mát này so với mất tiền mất bạc còn thảm hơn.
2. Đứa trẻ ưa thích chiếm lợi, sau khi trưởng thành sẽ dễ đánh mất hạnh phúc
Show truyền hình “trạm bảo vệ tình yêu” có một tập có một cô gái muốn chia tay vì bạn trai của cô ấy quá thích chiếm lợi.
Bạn trai của cô luôn giở trò khôn vặt, tính toán bày cách lợi dụng. Chẳng hạn như, vào siêu thị thì luôn đợi đến trưa mới đi, vì giờ đó là giờ người ta bày nhiều hàng cho ăn thử nhất. Vừa vào thì đã ăn tới tấp đủ các món. Người phục vụ không đưa nữa, thì anh ta liền cãi sống chết: “Tôi không biết ngon hay không thì làm sao mà mua được.”
Sau khi nếm thức ăn xong thì cũng bảo nhân viên cân và đóng gói, nhưng sau đó lượn một vòng thì lại ném túi đồ sang một bên, không thèm mang đi tính tiền mà ra khỏi siêu thị.
Quần áo mới mua thì không xé mác, mặc chúng lăn lộn 2 ngày trời thì lại đem đến cửa hàng đổi kiểu khác để mặc.
Khi đưa cô đi ăn nhà hàng, món canh sườn hầm củ sen vừa dọn ra, anh ta vốn đã nhìn thấy một con ruồi nằm trong đó rồi nhưng lại không kêu, để mặc cô ăn xong thì anh ta mới yêu cầu nhân viên phục vụ đến và khiếu nại để giảm tiền.
Bạn trai cô kiếm được rất nhiều tiền nhưng vẫn luôn thích chiếm lợi như thế, không chỉ cô không chịu nổi mà khán giả nghe kể cũng kìm không được phải thở dài ngao ngán.
Trước sự chất vất của mọi người, chàng trai cho biết: “Tôi chỉ muốn tiết kiệm đôi chút để sau này cho bạn gái có được một cuộc sống tốt hơn mà thôi.”
Kẻ thích lợi dụng không nhất định là sẽ nghèo, nhưng họ nhất định sẽ luôn thiếu sự bình yên nội tại, dẫn đến dù có tiền thì họ cũng sẽ khó cảm thấy được hạnh phúc.
Các nhà tâm lý học cho rằng những người tham lam đều là những đứa trẻ yếu đuối, hầu hết đều lớn lên bằng tình yêu thương “có điều kiện”. Để lấp đầy khoảng trống không được yêu thương hoặc bất lực đó, chúng đã phải dùng những gì chiếm được từ người khác để bù đắp lại khoảng trống trong tâm hồn.
3. Cha mẹ nào thì con nấy
Cách đây một thời gian, một người bà ở Hoài An, Giang Tô đã đưa cháu trai 1 tuổi của mình đến một cửa hàng, rồi tiện tay hốt một mớ tôm ăn thử cho cháu mình.
Ông chủ bước tới khuyên: “Cứ cho bé nếm thử một ít thôi, không cần lấy nhiều như vậy.”
Bà cụ vô cùng tức giận đáp: “Trẻ một tuổi ăn được bao nhiêu? Ăn hai con tôm cũng phạm pháp sao?”
Không lâu sau, người con dâu lại tìm đến cửa hàng, chửi mắng không ngừng, vừa quay video ông chủ đó vừa hăm dọa sẽ cho gian hàng này lên mạng.
Ông chủ ấm ức nói: “Không phải là không cho nếm mà là lấy quá nhiều. Chúng tôi cũng còn phải buôn bán mà.”
Một nhà tâm lý học người Mỹ cho biết: “Trong trái tim của trẻ nhỏ, cha mẹ chúng chính là thần và thượng đế mà chúng kính ngưỡng. Cho nên, trẻ em đương nhiên sẽ tiếp thu cách cha mẹ chúng đối phó với các vấn đề và học theo toàn bộ.”
Trần Anh–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị