Trong kế hoạch chiến tranh của mình, Mỹ có thể tìm cách khai thác điểm yếu này của Trung Quốc.
Theo Forbes, hiện có 2 hình thái mô tả cách các nhà lãnh đạo quân sự chỉ huy lực lượng chiến đấu trong giao tranh.
“Chỉ huy và kiểm soát” hay “Kiểm soát và chỉ huy”. Sự khác nhau giữa 2 hình thái này nằm ở mức độ chặt chẽ khi các nhà lãnh đạo quản lý quân đội của họ một cách vi mô.
Sự khác biệt đó sẽ trở thành một vấn đề lớn trong bối cảnh hải quân Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới các cuộc đối đầu trong tương lai ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Nói khái quát thì Quân đội Trung Quốc đang theo mô hình chỉ huy tập trung từ trên xuống. Trong khi đó, quân đội Mỹ lại đi theo hình thái “chỉ huy nhiệm vụ”, tức là các nhà lãnh đạo sẽ đặt ra mục tiêu, sau đó để cho cấp dưới của họ tìm ra cách đạt được các mục tiêu đó.
Theo nghiên cứu mới của tổ chức tư vấn RAND tại California, cách chỉ huy của Mỹ có vẻ tốt hơn đối với hình thái tác chiến hải quân công nghệ cao. “Chỉ huy nhiệm vụ” trên biển “sẽ cho phép bộ máy tổ chức đổi mới nhanh hơn các đối thủ”.
Sự phổ biến của các loại tên lửa tầm xa và mức độ phức tạp ngày càng gia tăng của các hệ thống tác chiến điện tử sẽ nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của hình thái chỉ huy nhiệm vụ.
Ngày nay, ngay cả các tàu chiến cỡ nhỏ cũng được trang bị nhiều loại vũ khí có thể tấn công mục tiêu cách xa hàng trăm dặm. Trong khi đó, chiến thuật gây nhiễu, tác chiến điện tử và chống vệ tinh cũng khiến các chỉ huy tại sở chỉ huy trung ương gặp khó khăn hơn để duy trì liên lạc liên tục với những lực lượng ở xa.
Các sĩ quan trẻ, ở cấp bậc thấp hơn cần phải chuẩn bị sẵn sàng để tự đưa ra những quyết định có tầm ảnh hưởng lớn.
Thế nhưng, trong lúc hình thái chỉ huy nhiệm vụ rõ ràng đang dần trở nên quan trọng hơn, thì chính phủ Trung Quốc lại đang tìm cách tăng mức độ kiểm soát-chỉ huy tập trung đối với lực lượng của mình.
“Trong năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành tái cơ cấu sâu rộng quân đội (PLA) nhằm đảm bảo quyền kiểm soát toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với PLA” – Các chuyên gia Kimberly Jackson, Andrew Scobell, Stephen Webber và Logan Ma viết – “Những cải cách này nhắm tới các quy trình-thủ tục kiểm soát và chỉ huy của PLA trong bối cảnh lực lượng này đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực và toàn cầu“.
Việc hải quân Trung Quốc đi theo mô hình chỉ huy tập trung và thiếu linh hoạt có thể sẽ trở thành yếu tố gây trở ngại lớn hơn đối với Bắc Kinh khi họ thành lập các nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên.
“Một nhu cầu khá cấp thiết với hải quân Trung Quốc là phải có các chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay, tương tự như các chỉ huy phương Tây – những người có khả năng chỉ đạo nhiều tàu chiến và máy bay khác nhau trong các tình huống chiến đấu tác chiến liên hợp hiện đại” – Chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie nói với RAND.
Tuy nhiên ở hiện tại, Trung Quốc đang trang bị tàu sân bay và thành lập các nhóm tác chiến tàu này với tốc độ nhanh hơn việc cải cách quy trình chỉ huy.
Theo Forbes, đó là vấn đề đối với Bắc Kinh và là một cơ hội đối với Washington. Trong kế hoạch chiến tranh của mình, Mỹ có thể tìm cách khai thác nhược điểm chỉ huy của Trung Quốc.
Lực lượng hải quân được chỉ huy theo phân cấp của Mỹ di chuyển càng nhanh thì tốc độ phản ứng của hải quân Trung Quốc có thể càng chậm, do phải đợi chỉ đạo từ xa.
“Liệu Trung Quốc có thể trao cho hải quân của họ nhiều quyền lực hơn để đưa ra những quyết định độc lập?” – Các chuyên gia của RAND đặt câu hỏi. Tuy nhiên, họ không đưa ra câu trả lời.
Theo Trí Thức Trẻ