Giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, tìm hướng đi mới, mở rộng thị trường cho sản phẩm độc đáo, có giá trị rất cao là lụa tơ sen Phùng Xá là điều rất cần thiết.
Nghệ nhân đầu tiên dệt thành công lụa tơ sen ở Việt Nam
Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) từng là một làng nghề truyền thống lâu đời nổi danh với nghề dệt lụa. Thế nhưng hiện tại, nếu đến Phùng Xá và hỏi về dệt lụa, câu trả lời của những người dân nơi đây là “chỉ còn có bà Thuận còn theo nghề làm lụa”. Sản phẩm độc đáo lụa tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận đã được biết đến, nhưng làm sao để bền vững, để phát triển, để nâng tầm thì không hề đơn giản.
Với mục đích này, tọa đàm “Nghệ nhân Phan Thị Thuận – tơ sen – Thực trạng và giải pháp vươn mình ra thế giới” do Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phan miền Bắc phối hợp cùng 1 số cơ quan, đơn vị đã được tổ chức.
Sinh ra trong một gia đình đã bốn đời làm nghề dệt tại Phùng Xá, từ nhỏ bà Thuận đã gắn bó với nghề ươm tơ dệt lụa nên có rất nhiều kinh nghiệm và am hiểu các công đoạn của nghề dệt truyền thống. Tích lũy những kinh nghiệm cha ông để lại, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã tìm ra cách “huấn luyện” con tằm tự dệt ra chăn bông tơ tằm.
Từ năm 2017, bên cạnh sản phẩm lụa truyền thống, bà Thuận đã kỳ công nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Sau những ngày miệt mài với những sợi tơ sen, phải đến 2 năm sau, người nghệ nhân mới có thể cho ra mắt được sản phẩm, là những chiếc khăn lụa tơ sen đầu tiên. Nghệ nhân Phan Thị Thuận trở thành người đầu tiên tại Việt Nam làm được lụa tơ sen.
Mỗi thân sen về được đưa vào bể rửa sạch bùn và tuốt hết gai để thuận thiện cho quá trình rút sợi. Để lấy được tơ sen, người thợ dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi kéo tơ, ve cho sợi tơ sen tròn lại. Kỹ thuật dùng dao cắt đòi hỏi chính xác, nếu quá sâu vào thân sen thì sợi tơ sẽ đứt và ngắn, việc kéo ve sợi cũng cần khéo léo. Một người thợ phải học mất 1-2 tháng mới có thể làm được, khi lành nghề cũng chỉ làm được rất ít tơ sen mỗi ngày. Tơ rút xong được cho vào ống và đưa vào guồng. Tất cả công đoạn đều được làm thủ công bằng tay.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết cần khoảng 4.800 cuống sen mới có thể làm được một tấm lụa, mất 1 tháng 7 ngày, mới sản xuất ra được 1 sản phẩm khăn dệt từ tơ sen.
Làm sao để nâng tầm, đưa sản phẩm ra quốc tế
Sản phẩm lụa tơ sen độc đáo được làm ra bởi bàn tay, công sức của những người thợ làng Phùng Xá chứa đựng, kết tinh những giá trị văn hóa lớn lao và đã dần được thị trường trong nước biết đến. Các sản phẩm làm từ tơ sen đã được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.
Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, trong năm 2024, nhà thiết kế Bùi Công Thiên Bảo đã sử dụng tơ sen để làm mẫu thiết kế “Lụa nàng Sen” và được Hoa hậu Huỳnh Thanh Thủy trình diễn trong cuộc thi Miss International 2024 tại Nhật Bản. Sản phẩm được dùng làm quà biếu, tặng tại những sự kiện có tầm quốc tế lớn. Tuy nhiên, điều mà người nghệ nhân này vẫn luôn trăn trở là đầu ra cho sản phẩm, làm sao để duy trì, gìn giữ và có thể tiếp tục phát triển được sản phẩm lụa tơ sen nói riêng và sản phẩm lụa của Phùng Xá. Bà Thuận sẵn sàng chỉ dạy, truyền nghề cho những ai muốn học.
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phan miền Bắc Phan Hồng Thủy phát biểu: “Tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm lụa tơ sen, chúng ta càng thấy tự hào hơn về sự nhiệt huyết, tâm huyết của nghệ nhân Phan Thị Thuận, một người con của họ Phan. Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã luôn kì công gìn giữ, phát triển những gì là tinh tùy nhất trong nghề làm lục truyền thống của cha ông ta để lại. Nhiệm vụ của chúng ta hiện tại là làm sao để cùng với nghệ nhân giữ gìn sản phẩm lụa độc đáo này, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm lụa tơ sen, lụa Phùng Xá ra với thị trường quốc tế. Chúng ta sẽ là hành động và tôi tin rằng sẽ làm được và làm tốt điều này”.
Ngay trong buổi tọa đàm, nhiều đại diện đến từ các đơn vị, đến từ các câu lạc bộ doanh nhân của các dòng họ khác cũng đã bày tỏ sự trân trọng và sẽ bắt tay cùng hợp tác với Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phan miền Bắc trong gìn giữ, phát triển sản phẩm lụa tơ sen.
Theo PNVN