Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm trong những ngày đầu khởi nghiệp, chị Trần Thị Việt Liên (SN 1978) đã tìm ra hướng đi mới, đó là lấy bò khô rắc lên bánh tráng, thay vì bán bò khô đơn lẻ. Tiếp tục sáng tạo các hương vị mới, đến nay, Davifood đã trở thành thương hiệu đồ ăn vặt độc đáo của thành phố Đà Nẵng.
PV: Chị đã bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp của mình như thế nào?
Chị Trần Thị Việt Liên: Sản phẩm đầu tay của chúng tôi là “Bò khô Kinbe”. Đây là dự án khởi nghiệp lần 2 của vợ chồng tôi. Dự án này gia đình tôi đã ấp ủ hơn 10 năm nhưng do điều kiện không cho phép nên phải thay đổi phương án nhiều lần. Đến năm 2021, tôi mới quyết định khởi nghiệp.
PV: Quá trình làm ra sản phẩm này hẳn không dễ dàng?
Chị Trần Thị Việt Liên: Tôi chọn bò khô vì dễ sử dụng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Tôi đã làm món bò khô này nhiều lần nhưng đều không thành công. Đến lần thứ 20, sau khi sấy xong đem ra khỏi lò, tôi mới thực sự hài lòng về hình thức và hương vị sản phẩm.
Sau lần đó, tôi quyết định đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Nguyên liệu chế biến món “Bò khô Kinbe” là bò cỏ 100%, phần thịt đùi bò non có độ tuổi 18 – 20 tháng tuổi. Phần thịt này sẽ rất mềm và trắng, được chế biến cùng các gia vị như sả, tỏi, quế, hoa hồi, ớt, tiêu.
Một sự độc đáo khác là khô bò Kinbe được kết hợp với màu của quả gấc, giàu giá trị dinh dưỡng. Chúng tôi không sử dụng phẩm màu, không chất bảo quản, không phụ gia thực phẩm.
PV: Còn về đầu ra, chị đã xoay xở như thế nào để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm như hiện nay?
Chị Trần Thị Việt Liên: Năm 2021, nhà xưởng và Công ty cổ phần Công nghệ Davifood ra đời. Tôi là người chịu trách nhiệm gia vị, hương vị sản phẩm. Chồng tôi chuyên nghiên cứu máy móc, quy trình sản xuất. Những ngày đầu khởi nghiệp, chúng tôi nghĩ mọi việc đều suôn sẻ, không nghĩ lại nhiều khó khăn như vậy.
Khi đó, công ty chỉ có 2 người, vừa làm Giám đốc vừa làm kinh doanh, kiêm luôn kế toán, “shipper”, nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, làm công nhân sản xuất, dọn dẹp nhà xưởng. Cùng với đó, vốn để đầu tư nhà xưởng vô cùng hạn hẹp, chi phí bao bì bảo quản sản phẩm lại lớn. Sản phẩm ra đời sau đại dịch, kinh tế suy thoái, sức mua không nhiều.
Thời gian đầu thực sự rất khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Tôi đem sản phẩm đi chào hàng khắp nơi nhưng không có ai mua, các chủ cửa hàng khen bò ngon nhưng giá cao, họ không bán được.
Tôi đã nghĩ ra một lối thoát, đó là đóng bò khô Kinbe vào túi nhỏ 20gr, lấy bò khô rắc lên bánh tráng để đưa ra thị trường. Giá cả thấp, thị trường dễ chấp nhận sản phẩm hơn. Nhưng bò khô và bánh tráng bò không xuất khẩu được. Sau một lần khảo sát, thăm dò thị trường, Davifood đã làm ra sản phẩm “Tép lắc bơ” (ruốc biển rang với lá chanh và bơ).
Món ăn tiện lợi, giàu dinh dưỡng đã chinh phục được khách hàng. Từ món bánh tráng bò, Davifood đã phát triển thêm 3 dòng bánh tráng nữa là bánh tráng tôm bơ tỏi, bánh tráng tôm pho mai, bánh tráng rong biển.
PV: Để sản phẩm “đi xa” được như hiện nay, chắc hẳn là một chặng đường dài nữa?
Chị Trần Thị Việt Liên: Vào tháng 6/2023, tôi đã tham gia hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn tổ chức. Tôi đã đem sản phẩm “Tép lắc bơ” đến với cuộc thi và đã đạt giải Nhất. Sản phẩm này được chọn là “Sản phẩm công nghiệp nông nghiệp nông thôn tiêu biểu” của thành phố năm 2023.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đã hỗ trợ chúng tôi đăng ký giấy chứng nhận HACCP. Đến đầu năm 2024, có 2 sản phẩm của Davifood là “Tép lắc bơ”, “Bò khô Kinbe” đạt được OCOP 4 “sao” của thành phố Đà Nẵng.
Hiện nay, các sản phẩm của chúng tôi có mặt tại hơn 30 siêu thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tại thị trường Hà Nội, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Long An… Chúng tôi cũng tham gia các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiktok, Facebook, Zalo.
PV: Kế hoạch thời gian tới của chị là gì?
Chị Trần Thị Việt Liên: Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển thị trường online; đồng thời nghiên cứu sản phẩm trái cây phục vụ du khách quốc tế và định hướng xuất khẩu.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Theo PNVN