Nỗi sợ này khiến cơ thể căng cứng, buộc phải vận nhiều sức hơn, để rồi kéo theo là một màn thể hiện… thất bại.
Xuất hiện trước truyền thông với áo khoác da màu đen mạnh mẽ, song tỷ phú Jensen Huang, CEO Nvidia, lại rất sợ đứng trên sân khấu. Tiết lộ được đưa ra trong chương trình 60 Minutes , nơi nhà đồng sáng lập Nvidia cho biết việc bước ra trước một đám đông lớn như Hội nghị AI GTC là “một trải nghiệm đáng sợ.
“Tôi là một kỹ sư, không phải là một nghệ sĩ biểu diễn. Khi tôi bước ra, mọi người trở nên cuồng nhiệt, điều đó làm tôi nghẹt thở”, ông Huang nói.
Đứng đầu công ty có giá trị hơn 3.000 tỷ USD, ông thừa nhận lo lắng mỗi khi phải nói trên một sân khấu lớn. Nỗi sợ này Huang sẽ tiếp tục phải đối mặt tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2025 ở Las Vegas ngày 6/1 tới đây.
Jensen Huang không phải nhà sáng lập công nghệ duy nhất gặp khó khăn với việc giao tiếp trước công chúng. Steve Jobs, cố CEO Apple, nổi tiếng vì khả năng nói lưu loát, tự nhiên và truyền cảm hứng, song theo cuốn sách Becoming Steve Jobs (Trở thành Steve Jobs) xuất bản năm 2015, đằng sau thực ra là một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều tháng ròng rã.
Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, cũng ghen tị với khả năng tập luyện để có thể nói tự nhiên như không tập luyện của Jobs. “Tôi không bao giờ đạt được đến cảnh giới đó”, Gates nhận xét trong một tập podcast của Armchair Expert .
Trong khi đó, Mark Zuckerberg, CEO của Meta, từng chia sẻ trên Threads hồi năm ngoái rằng ông từng “không biết gì về điều hành một công ty hay giao tiếp công chúng khi mới thành lập Facebook”. Tuy nhiên, thời gian, tuổi tác và kinh nghiệm đã giúp Zuckerberg dần thoải mái để thể hiện bản thân trước công chúng hơn. Elon Musk, người hoạt náo trên mạng xã hội, cũng thừa nhận ông thiếu kỹ năng giao tiếp với công chúng vào năm 2019.
“Tôi là một người diễn thuyết tệ hại! Chết tiệt”, Musk từng chia sẻ.
Tương tự, với Warren Buffett, nhà đầu tư tỷ phú của tập đoàn Berkshire Hathaway, nỗi sợ phát biểu từng gây hại cho sự nghiệp của ông.
“Tôi đã rất ngại phải nói trước công chúng. Tôi không thể làm được điều đó”, Buffett nói trong bộ phim tài liệu Becoming Warren Buffett hồi năm 2017.
Để cải thiện vấn đề này, ông đã phải tham gia một khóa học nói trước công chúng sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh năm 1951. Hàng thập kỷ sau, ông vẫn công nhận rằng khóa học này đã thay đổi cuộc đời mình.
Theo các nghiên cứu đã được chứng minh, các nhà khoa học đã xác định được một mạng neurons trong não tạo nên sự căng thẳng khi bị người khác quan sát. Sự căng thẳng này vô tình khiến cơ thể căng cứng, buộc phải vận nhiều sức hơn, để rồi kéo theo là một màn thể hiện… thất bại.
Theo tiến sĩ Hugo Critchley thuộc trường Y Brighton và Sussex (Anh): “Hiểu được cách não bộ gây ảnh hưởng đến hành vi có ý nghĩa rất to lớn, không chỉ đối với vận động viên hay ca sĩ, nhạc công… mà còn đối với rất nhiều ngành nghề khác”.
Để có được kết luận này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động não bộ của 11 phụ nữ và 10 đàn ông bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI. Các ứng viên được yêu cầu cầm nắm một vật bất kỳ, sau đó thực hiện nhiệm vụ trong khi bị người khác đánh giá.
Kết quả, các ứng viên đều cảm thấy mình căng thẳng và thừa nhận lực tác động lên vật cũng mạnh hơn. Film chụp MRI cũng cho thấy khu vực đỉnh thùy dưới – khu vực thu thập thông tin từ cơ thể – trở nên kém linh hoạt hơn.
Dựa trên những gì tìm được, các nhà khoa học đưa ra một số lời khuyên. Trước khi thực hiện màn trình diễn hoặc thuyết trình, hãy tìm cách tưởng tượng ra một kết quả thành công để giảm sự căng thẳng cho não bộ. Việc tập cho não tin rằng khán giả đang ủng hộ mình là điều rất quan trọng, theo nhà nghiên cứu Michiko Yoshie.
Theo: Business Insider, tổng hợp-Vũ Anh–Theo Nhịp sống thị trường