Vị thế chưa từng có của ông cho thấy khả năng tích lũy tài sản cũng như duy trì và phát triển khối tài sản đó trong một thời gian dài.
Bill Gates, 68 tuổi, là người đồng sáng lập Microsoft và là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ngành công nghệ. Ông nổi tiếng với sự nhạy bén trong kinh doanh và cách tiếp cận độc đáo trong quản lý tài chính. Sau khi bỏ học đại học năm 19 tuổi, Bill Gates đồng sáng lập Microsoft với Paul Allen, biến công ty này từ một công ty khởi nghiệp nhỏ thành gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.
Từ năm 1995 đến năm 2017, Bill Gates thống trị danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, giữ vị trí dẫn đầu trong kỷ lục 18 năm. Vị thế chưa từng có của ông cho thấy khả năng tích lũy tài sản cũng như duy trì và phát triển khối tài sản đó trong một thời gian dài, mặc những biến động của thị trường và thách thức kinh tế.
Trọng tâm triết lý tài chính của Bill Gates gói gọn trong câu: “Tiết kiệm như một người bi quan, đầu tư như một người lạc quan”. Câu châm ngôn này phản ánh cách tiếp cận cân bằng của ông trong việc quản lý tiền bạc, làm nền tảng cho sự thành công.
Cách “tiết kiệm bi quan” của Bill Gates được minh họa bằng một phương pháp mà ông đã thực hiện trong những ngày đầu thành lập Microsoft. Ông nhất quyết luôn giữ đủ tiền mặt trong ngân hàng để duy trì hoạt động của công ty trong 12 tháng, ngay cả khi doanh thu giảm xuống con số 0. Chiến lược thận trọng này đã đảm bảo sự tồn tại của Microsoft trong thời kỳ suy thoái tiềm tàng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Trong một cuộc phỏng vấn với Charlie Rose, Bill Gates đã bày tỏ quan điểm và lý do để duy trì lượng tiền mặt dự trữ ổn định. Ông nói: “Tôi luôn lo lắng, vì những người làm việc cho tôi đều lớn tuổi hơn tôi và đã có con. Tôi luôn nghĩ: ‘Nếu chúng tôi không được trả lương thì sao? Liệu tôi có đủ khả năng trả lương không?'”
Trong khi duy trì “tiết kiệm bi quan”, Bill Gates ủng hộ sự lạc quan trong đầu tư. Ông tin vào tiềm năng lâu dài của thị trường và công nghệ. Quyết định đặt cược táo bạo cuối cùng đã được đền đáp. Triển vọng lạc quan này đã thúc đẩy sự đổi mới và mở rộng của Microsoft, góp phần đáng kể vào vị thế thống trị của hãng trong ngành công nghệ.
Các chuyên gia lưu ý rằng cách tiếp cận của Bill Gates bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu sắc về động lực thị trường. Ông tin rằng tăng trưởng dài hạn là xu hướng chung, trong khi những thụt lùi ngắn hạn là không thể tránh khỏi. Bằng cách chuẩn bị cho những thách thức trước mắt (quan điểm của người bi quan) và vẫn tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai (quan điểm của người lạc quan), Gates đã tạo ra một chiến lược xuất sắc để đạt được thành công bền vững.
Bất cứ ai cũng có thể áp dụng tư duy này vào việc quản lý tài chính cá nhân:
_ Xây dựng quỹ khẩn cấp (tiết kiệm như người bi quan): Đặt mục tiêu tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong 3-6 tháng, chuẩn bị cho những vấn đề bất ngờ.
_ Đầu tư dài hạn (đầu tư như một người lạc quan): Bất chấp biến động của thị trường, hãy giữ vững niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của các khoản đầu tư đa dạng.
_ Cân bằng rủi ro và an toàn: Cùng lúc chấp nhận rủi ro có tính toán để phát triển, đảm bảo mạng lưới an toàn để vượt qua những cơn bão ngắn hạn.
_ Học hỏi liên tục: Luôn cập nhật thông tin về thị trường tài chính và các cơ hội mới nổi, điều chỉnh chiến lược của bạn nếu cần.
_ Lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất, hy vọng điều tốt nhất: Lập kế hoạch dự phòng trong khi hướng tới các mục tiêu tài chính đầy tham vọng.
Triết lý tài chính của Bill Gates mang đến một bài học quý giá về việc cân bằng giữa sự thận trọng và tham vọng. Chiến lược cân bằng này, đã được chứng minh thành công bởi một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất thế giới, cung cấp lộ trình để đạt được sự ổn định và tăng trưởng tài chính lâu dài.
Theo BI– Thiên Di–Theo Nhịp sống thị trường