Cả nước đổ xô đi học tiếng Anh và thi lấy chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh ngay từ bậc mẫu giáo và tiểu học là một sự lãng phí khủng khiếp.
Vài năm gần đây nhiều trường có chính sách tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh có điểm IELTS cao từ cấp THCS, THPT cho tới đại học. Chính vì vậy, nhiều bố mẹ cho con đi ôn luyện từ rất sớm, thậm chí từ cấp… tiểu học để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ làm đẹp hồ sơ.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều này vô tình tạo nên một “cuộc đua” bất thường về điểm số IELTS. tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – Giảng viên Học viện kĩ thuật quân sự đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
1.Tiếng Anh (TA) cực kì quan trọng nhưng việc học TA đang diễn ra một cách hoàn toàn tự phát
Tôi cho rằng tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong thời đại ngày nay là như thế nào thì chắc là đa số mọi người đều biết rõ. Cá nhân tôi đã từng học nghiên cứu sinh và viết luận án tiến sĩ ở nước ngoài bằng TA nên đối với tôi thì năng lực sử dụng TA là cực kì quan trọng. Hiện tại tôi vẫn thường xuyên đọc các tài liệu bằng TA để bổ sung thông tin và cập nhật kiến thức mới cho công việc. Cơ quan tôi cũng yêu cầu giảng viên phải có trình độ TA tối thiểu là B2, và tôi thấy điều đó là hết sức cần thiết.
Trên phương diện cá nhân thì ngoại ngữ vừa là phương tiện giao tiếp và học tập, vừa là công cụ lao động để kiếm sống, do đó mỗi cá nhân sẽ tùy theo nhu cầu của bản thân để quyết định mức độ đầu tư cho việc học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần nhìn nhận sự việc dưới góc độ lợi ích quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bên cạnh mục tiêu là gặt hái được tối đa lợi ích thì vẫn phải duy trì và phát huy được nền tảng văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc.
Nếu như ở góc độ cá nhân, việc mọi người có thể học tập bất cứ cái gì và theo đuổi bất cứ mục tiêu gì mình muốn là hết sức bình thường thì ở góc độ quản trị quốc gia, việc để cho tất cả người dân đổ xô đi học cùng một nghề, theo đuổi cùng một công việc, và lao theo cùng một hướng là hết sức nguy hiểm, vì sẽ dẫn đến việc lãng phí nguồn lực và cơ hội của đất nước.
Việc học TA nói riêng và ngoại ngữ nói chung đang diễn ra một cách hoàn toàn tự phát. Cả nước đổ xô đi học TA và thi lấy chứng chỉ quốc tế về TA ngay từ bậc mẫu giáo và tiểu học là một sự lãng phí khủng khiếp.
2.Đổ xô học tiếng Anh gây lãng phí cả về tiền bạc, thời gian, công sức, và cơ hội
Thứ nhất là lãng phí về tài chính. Riêng trong năm 2023, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT thì cả nước có 46.670 thí sinh đăng kí sử dụng chứng chỉ TA quốc tế, chủ yếu là chứng chỉ IELTS để xin miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT QG. Nếu mỗi thí sinh trong số này chỉ thi lấy chứng chỉ IELTS một lần duy nhất với lệ phí khoảng 5 triệu đồng thì số tiền chi riêng cho việc thi lấy chứng chỉ đã là 233 tỷ đồng. Chi phí cho việc luyện thi ít nhất cũng gấp 5 lần số tiền này, như vậy tổng số tiền chi ra ít nhất cũng tầm 1400 tỷ, và đây chỉ là ước tính tối thiểu.
Con số thực tế chi ra cho việc lấy chứng chỉ IELTS có thể lớn hơn rất nhiều do mỗi thí sinh thường phải thi rất nhiều lần và tiền chi ra cho việc luyện thi cũng cao hơn rất nhiều con số đưa ra ở trên.
Và tổng chi phí cho việc lấy chứng chỉ IELTS là rất nhỏ nếu so với tổng chi phí cho việc học TA hiện nay ở Việt Nam (VN), khi mà trẻ em bắt đầu học TA từ mẫu giáo, thậm chí trước cả khi các em học Tiếng Việt (TV). Để tiện so sánh, theo tổng cục thống kê thì mỗi năm người VN chi trung bình khoảng 7 triệu đồng cho một người đang đi học, con số này chỉ lớn hơn một chút so với khoản lệ phí một lần thi lấy chứng chỉ IELTS.
Thứ hai là lãng phí về thời gian, ở nước ta hiện nay, ngay từ bậc Mẫu Giáo và Tiểu Học, trẻ em VN đã phải dành rất nhiều thời gian cho việc học TA. Trong khi trẻ em ở các quốc gia nói TA được dành toàn bộ thời gian để học các môn học quan trọng và phát triển các năng lực quan trọng thì trẻ em VN đang phải dành ra một lượng thời gian rất lớn cho việc học TA, và đây là một lãng phí cực lớn.
Thứ ba là lãng phí về cơ hội, việc toàn dân chú trọng quá mức vào TA sẽ dẫn tới sự giảm đầu tư cho các môn học khác và phát triển các kĩ năng khác. Hiện nay đang diễn ra một xu thế là học sinh phổ thông đang bỏ bớt các môn học thực chất như Lí, Hóa, Sinh, Địa, Sử, Tin, Công Nghệ,… để dành thời gian cho việc học TA. Tại sao trẻ em các cường quốc trên thế giới có thể học mọi thứ bằng tiếng mẹ đẻ của họ còn trẻ em của chúng ta không thể học được mọi thứ bằng TV?
Nhiều người cho rằng việc toàn dân tập trung vào TA là hợp lí do trình độ văn hóa, khoa học, và kỹ nghệ nước mình thấp kém nên phải học mọi thứ qua TA. Tôi cho rằng suy nghĩ như vậy là hết sức sai lầm, vì nếu chúng ta có một đội ngũ chuyên gia giỏi để “đưa thế giới về VN” thì con em chúng ta có thể học mọi thứ bằng TV, ít nhất là đến hết bậc đại học.
Đội ngũ chuyên gia của chúng ta sẽ TV hóa mọi tri thức của nhân loại để cho con em chúng ta có thể học mọi thứ bằng tiếng mẹ đẻ. Cách làm này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc để mọi người tự học TA để sau đó học mọi thứ bằng TA.
3.Hệ lụy lớn nhất
Hệ lụy lớn nhất của cơn “cuồng loạn” này là mất gốc, là sự chết dần chết mòn của TV. Cứ đà này thì trong tương lai không xa, TV chỉ còn đủ để giới bình dân sử dụng trong những giao tiếp thông thường. Nó sẽ không đủ hoàn thiện để tầng lớp tinh hoa có thể diễn đạt, tư duy, và sáng tạo nữa.
Ngày nay các dân tộc phân biệt với nhau dựa trên văn hóa, mà gốc của văn hóa là ngôn ngữ. Khi TV mất thì người Việt cũng mất, tất nhiên cộng đồng sẽ vẫn tồn tại với tư cách của người nói TA, một Vietnamese English hay Vietnamese American. Xâm lược ngôn ngữ là cốt lõi của xâm lược văn hóa. Sự xâm thực của các ngôn ngữ mạnh như TA sẽ làm chết dần chết mòn những ngôn ngữ yếu như TV, và bóp chết dần chết mòn văn hóa của người Việt.
Tất nhiên sẽ có nhiều người không thấy đó là vấn đề, vì chỗ nào không nói được TV thì họ có thể nói TA. Vấn đề là bạn muốn tồn tại trên thế giới này với tư cách một người Việt hạng nhất hay là một người Anh hạng hai thôi.
Tôi cho rằng việc chọn học cái gì và phát triển năng lực gì là quyền của mỗi cá nhân, tuy nhiên trên phương diện quốc gia, nhà nước cần phải hoạch định một chiến lược đúng đắn và có chính sách phù hợp cho việc học ngoại ngữ của người dân sao cho vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm, và quan trọng nhất là không gây hại đến bản sắc văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc.
Chúng ta có thể tham khảo từ thái độ và cách hành xử của các cường quốc trên thế giới đối với tiếng mẹ đẻ của họ và đối với ngoại ngữ trong đó có TA. Có thể nghiên cứu cách làm của TQ, Nga, Nhật, Pháp, Đức,… để thấy song song với việc học ngoại ngữ, họ đã tôn trọng, chăm chút, bảo vệ, và phát triển tiếng mẹ đẻ của họ như thế nào để mà học hỏi.
Chúng ta không cần người dân cả nước phải học ngoại ngữ nếu chúng ta có một đội ngũ chuyên gia giỏi, có khả năng đưa tri thức của thế giới về VN, chung tay xây dựng được một thứ TV hoàn thiện để người VN từ bậc đại học trở xuống có thể học mọi thứ bằng TV, thoải mái diễn đạt, tư duy, sáng tạo trong không gian của TV. Đó cũng chính là điều mà người dân các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Nhật,… đang được thụ hưởng.
Để có thể làm được như vậy, chúng ta cần tập trung vào một số việc sau đây:
Ưu tiên TV: Đưa ra luật cùng các quy định về việc sử dụng và phát triển TV trên phạm vi toàn quốc. Cần có quy định rõ về việc sử dụng ngoại ngữ, trong đó có TA làm tiêu chuẩn đầu vào của các đại học. Chỉ bắt buộc học ngoại ngữ, trong đó có TA từ bậc sau đại học, hoặc trong một số môn học, ngành học để phục vụ một số công việc, nghề nghiệp cụ thể.
Phát triển TV: Trừ một số ngành học có tính đặc thù, cần yêu cầu các khoa, các ngành học ở đại học biên soạn đầy đủ giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo bằng TV để sinh viên có thể học tập nghiên cứu ở đại học ngay cả khi không dùng đến TA.
Giao nhiệm vụ cho đội ngũ chuyên gia xây dựng và cập nhật các từ điển chuyên ngành bằng TV theo kịp với sự phát triển trên thế giới. Thường xuyên cập nhật các từ vựng và thuật ngữ mới vào hệ thống từ điển để TV phát triển vững mạnh, không bị tụt hậu với thế giới. Cần thực hiện gấp, đầy đủ, và thường xuyên công việc này với sự đầu tư nghiêm túc của nhà nước.
Giữ cân bằng giữa các ngoại ngữ: Việc học ngoại ngữ là tự chọn và nên được khuyến khích, nhưng cần giữ cân bằng giữa các ngôn ngữ lớn như TA và Tiếng Trung, không nên quá thiên lệch về một bên nào. Cần ưu tiên khuyến khích người dân học ngôn ngữ của các đối tác quan trọng của VN, như Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Nga,…
Tóm lại phải làm sao để đại đa số người VN, từ bậc phổ thông cho đến đại học có thể học được mọi thứ bằng TV mà không cần dùng đến ngoại ngữ.
Theo Hiểu Đan-Phụ nữ Việt Nam