Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để người dân Việt Nam bớt những cái đầu tư may mắn và quay trở lại đầu tư có hiểu biết? Ông cho rằng chỉ cần luôn luôn học hỏi, tìm kiếm cơ hội đầu tư chính thống và bài bản thì cơ hội khá giả sẽ đến một cách bất ngờ.
Trong chương trình Đối thoại Đầu tuần do Báo Đầu tư phối hợp cùng Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức với chủ đề “Xu thế quản lý gia sản tại Việt Nam”, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa và Giám đốc AFA Capital, ông Nguyễn Minh Tuấn đã có những chia sẻ xoay quanh xu hướng đầu tư của người Việt.
Bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa chia sẻ cho rằng, một quốc gia mới nổi và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao như Việt Nam, thì cơ hội đầu tư rất nhiều. Cơ hội nằm rải rác ở khắp nơi nhưng chỉ có điều người dân Việt Nam chúng ta không hiểu biết lắm về toàn bộ thị trường tài chính, mà thực sự thì thị trường tài chính cũng phức tạp.
“Trải qua một thời kỳ bao cấp, cho nên thói quen quản lý gia sản và tích sản của người Việt Nam còn yếu kém. Thực tế, người dân Việt Nam mạnh về mua xổ số, dựa vào may mắn do thiếu kiến thức về đầu tư tài chính. Đấy là dạng đầu tư không có tri thức”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa đặt vấn đề: Làm thế nào để người dân Việt Nam bớt những cái đầu tư may mắn và quay trở lại đầu tư có hiểu biết?
Lấy từ kinh nghiệm cá nhân, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên đầu tư chứng khoán từ những ngày đầu, khi thị trường mới chỉ có 2 mã SAM và REE. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, ông đã mua khối lượng cổ phiếu trị giá 300 triệu đồng, giá trị tương đối lớn lúc bấy giờ. Sau 6 tháng, ông bán đi một nửa cổ phiếu, thu về 1,8 tỷ đồng. Từ việc kiếm được số tiền khổng lồ trong thời gian ngắn, có thể thấy rằng chúng ta luôn phải nhận ra và nắm bắt cơ hội khi nó bất chợt ập đến.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết, từ trước tới nay, người Việt luôn có tâm lý tích lũy, quen thuộc với cách kênh đầu tư truyền thống là bất động sản và vàng. Theo thời gian, chúng ta dần được tiếp cận với các loại hình đầu tư với khẩu vị rủi ro đa dạng, mặc dù sự tiếp cận này vẫn còn hạn chế. Rủi ro thấp nhất là trái phiếu chính phủ, sau đó tới tiết kiệm ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, sau đó tới rủi ro cao nhất là cổ phiếu.
Tuy nhiên, đầu tư lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Những loại hình đầu tư này rõ ràng không dành cho “tay mơ”. Ông Nghĩa cũng chia sẻ thêm, đa phần nhà đầu tư chỉ trông chờ vào may mắn, chạy theo đám đông thay vì tìm hiểu kiến thức rõ ràng.
“Luôn luôn học hỏi, tìm kiếm cơ hội đầu tư chính thống và bài bản thì cơ hội khá giả sẽ đến một cách bất ngờ” – Ông Lê Xuân Nghĩa kết luận.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng có trong tay số tiền lớn một cách bất ngờ sẽ là động lực để nhà đầu tư cùng trau dồi và tìm hiểu đầu tư một cách hiểu biết. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, nhu cầu quản lý gia sản sẽ ngày càng tăng cao, đặc biệt khi các thị trường tài chính xuất hiện ngày càng đa dạng và phổ biến.
“Kiến thức tài chính của người dân hay còn gọi là dân trí tài chính. Làm sao chúng ta có thể làm những kiến thức đó đơn giản, dễ hiểu để mọi người chủ động quản trị danh mục của mình.”, Ông Nguyễn Minh Tuấn cho hay.
Chuyên gia McKinsey dự tính tổng tài sản đầu tư cá nhân (bao gồm chứng khoán, trái phiếu, tiền gửi) tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 600 tỷ USD vào năm 2027. Nếu tính cả vàng và bất động sản, con số có thể lên tới hàng ngàn tỷ USD.
Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Châu Á. Tầng lớp trung lưu và thượng lưu phát triển nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị lớn với tốc độ đều đặn 15%/năm. Tài sản cá nhân tăng lên, đồng nghĩa với nhu cầu quản lý gia sản cũng ngày một lớn. Thị trường này được đánh giá là vô cùng tiềm năng, là cơ hội cho bất kỳ ai muốn gia nhập ngành quản lý tài sản tỷ đô.
Thanh Huyền-Theo An ninh Tiền tệ