Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/5 đánh giá chiến dịch thuế quan của ông nhằm vào Bắc Kinh đang tạo ra “ảnh hưởng mang tính hủy diệt” đối với Trung Quốc.
Trả lời báo giới tại Nhà Trắng trước khi lên đường tới bang Colorado vào sáng 30 (giờ địa phương), ông Trump nói Mỹ đang thực hiện rất tốt trong vấn đề ứng xử với Trung Quốc. Ông khẳng định, Trung Quốc hết sức mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhưng chính Bắc Kinh đã nuốt lời trước thỏa thuận mà hai bên gần như đạt được thời gian qua.
“Tôi cho rằng nếu [Trung Quốc] quay trở lại thì họ sẽ không hành động như đã làm vừa qua nữa,” tổng thống nói. “Thuế quan mang lại cho chúng ta khoản tiền đến hàng chục tỉ USD. Trung Quốc đang phải trợ cấp cho các sản phẩm của họ. Do đó, người nộp thuế Mỹ chỉ cần bỏ ra rất ít tiền. Nhìn vào tỉ lệ lạm phát và giá cả thì con số chỉ tăng lên một chút ít.”
Sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung thứ 11 kết thúc tại Washington mà không thu được kết quả, chính quyền Trump đã chính thức áp thuế quan 25% lên 200 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu, so với mức 10% trước đó.
Giới doanh nghiệp và các nhà kinh tế học Mỹ nhận định, chiến tranh thương mại là bất lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu sẽ phải nâng giá bán sản phẩm và khiến tiền thuế chuyển sang đánh vào người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Trump tin rằng thuế qua của ông là đòn đánh có sức đả kích nặng nề vào Trung Quốc.
“Thuế quan đang sinh ra ảnh hưởng mang tính hủy diệt đối với Trung Quốc. Mọi người đang đưa các doanh nghiệp tháo chạy khỏi quốc gia này. Những công ty đó đang đến Việt Nam hoặc các khu vực khác ở châu Á, thậm chí là đến Mỹ – bởi vì [đến Mỹ] thì không bị đánh thuế.”
Ông chủ Nhà Trắng chỉ ra, làn sóng doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc để né thuế quan khiến Bắc Kinh rơi vào tình trạng cấp bách hơn trong việc đạt thỏa thuận thương mại.
“Trung Quốc đang trở thành một quốc gia bị suy yếu nặng nề, giống như Iran đã trở thành một đất nước yếu ớt vậy. Iran cũng mong muốn đạt được thỏa thuận [về hạt nhân].”
Tổng thống Mỹ cho biết ông mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc, Nga cùng các nước khác, với tiền đề là các điều kiện được đưa ra công bằng đối với đôi bên, hoặc theo điều kiện của phía Mỹ.
Trong khi cả Mỹ và Trung Quốc thể hiện thái độ sẵn sàng tiếp tục đàm phán thương mại, song chưa có dấu hiệu các vòng đàm phán sẽ sớm được khôi phục. Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền trong nước nhằm chống lại sức ép từ Mỹ, cũng như chỉ trích hành động của Washington trong chiến dịch thuế quan cũng như cấm vận hãng Huawei là “chèn ép kinh tế”.
Theo Trí Thức Trẻ