Đừng thu thập các mối quan hệ trong công việc như những chai bia rỗng.
Sáu tháng trước, tôi đã phải đưa ra một quyết định khó khăn, đó là bỏ việc – không chỉ là công việc lúc bấy giờ mà còn là toàn bộ sự nghiệp của mình.
Một số đồng nghiệp đã động viên và giúp tôi đưa ra quyết định đó. Họ nói những điều như “tôi cũng sẽ sớm từ bỏ công việc này giống bạn.” Nó khiến tôi cảm thấy không hề đơn độc trong khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình, nhất là khi một cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra.
Tôi đã ảo tưởng rằng việc từ chức của mình sẽ thật sự làm nên chuyện. Rằng công ty sẽ lắng nghe, tìm hiểu những vấn đề đang xảy ra và làm một thứ gì đó để giải quyết nó. Nhưng không, họ không làm gì cả. Thậm chí, họ còn không tạm biệt và chúc tôi những điều tốt lành.
Tôi đã nghĩ những người đồng nghiệp thân thiết của mình sẽ không như vậy.
Họ là bạn của tôi. Họ sẽ không bỏ rơi tôi trong những lúc như vậy.
Sau khi nghỉ việc, tôi nghĩ họ sẽ gọi cho mình ít nhất 1 lần mỗi tuần để hỏi thăm. Nhưng điện thoại không hề đổ chuông. Và một lần nữa, tôi đã cố gắng liên hệ lại với họ trong tuyệt vọng.
Tôi gửi tin nhắn cho một vài người trong số họ khi một nhà lãnh đạo nổi tiếng bị sa thải hay một vấn đề kinh doanh nào đó nổ ra trong công ty. Họ vẫn không trả lời. Và tôi nhận ra rằng việc mà mình đã làm không mang lại lợi ích gì cho sự nghiệp của họ. Vì vậy họ đã bỏ rơi tôi. Điều đó là hoàn toàn công bằng. Tất cả là lỗi của tôi.
Có thể bạn cũng phải đối mặt với điều tương tự. Khi bạn nghỉ việc, bạn nghĩ rằng mọi người sẽ nhớ đến bạn. Nhưng thực tế lại không như vậy. Và dưới đây là lý do.
Điều gì đã xảy ra với đồng nghiệp của bạn khi bạn nghỉ việc
Họ không nhớ bạn chút nào. Thực tế là họ không có thời gian để suy nghĩ về bạn.
Họ vẫn đang cố gắng kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống. Họ phải tận dụng tối đa những vấn đề đã xảy ra giữa bạn với nhà tuyển dụng. Họ cần phải lấp đầy những khoảng trống mà bạn để lại.
Đồng nghiệp cũ quên bạn một cách nhanh chóng bởi công việc kinh doanh cũng phát triển với tốc độ chóng mặt. Những kỷ niệm tại nơi làm việc rất ngắn ngủi. Bên cạnh đó, thị trường việc làm linh hoạt đòi hỏi chúng ta phải thích ứng thật nhanh, làm quen, kết bạn và phải có cho mình những cộng sự mới.
Việc làm ngày nay đã trở thành một cách cửa quay vòng. LinkedIn đã dân chủ hóa việc tuyển dụng và biến nó thành một trò chơi. Ngay cả một nhà tuyển dụng rất đỗi bình thường cũng có thể “đánh cắp” nhân viên từ một công ty này sang một công ty khác.
Vì vậy chúng ta không có thời gian để nhìn lại, chỉ có thể tiếp tục hướng về phía trước.
“Cái tôi” đang đánh lừa bạn
Cái tôi khiến cho bạn nghĩ rằng mình thật sự quan trọng. Bạn nghĩ rằng công ty sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là điêu đứng nếu không có bạn.
Nhưng điều đó không đúng.
Trong công việc, cái tôi sẽ lớn dần vì chúng ta luôn muốn những việc mình làm được công nhận, những thứ mà chúng ta đóng góp phải thật sự có ý nghĩa. Chúng ta có cảm giác rằng sự lãnh đạo tồi tệ của cấp trên cần phải trả giá.
Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy.
Có nhiều công ty vẫn phát triển khá tốt dù trong đó vẫn tồn tại những nhà lãnh đạo tồi. Thậm chí, những nhà lãnh đạo đó vẫn được khen thưởng và được mọi người ca tụng. Cuộc sống là như vậy.
Hầu hết các công ty đều hoạt động với mô hình giống như Game of Thrones — nơi những kẻ được coi là mạnh nhất mới có thể sống sót và những kẻ yếu sẽ bị sai khiến và ném đi như một món đồ chơi khi không còn giá trị ‘lợi dụng’.
Đừng tin khi cái tôi nói với bạn rằng bạn là người đặc biệt. Điều đó chỉ đúng khi bạn là chủ của một doanh nghiệp. Nếu không, bạn hoàn toàn có thể bị sa thải với một thông báo hết sức ngắn gọn.
Coroni-macaroni đã cho chúng ta thấy thế nào là sự an toàn trong nghề nghiệp: Không có một công việc nào là an toàn tuyệt đối.
Sự thật là bạn có thể bị thay thế
Nghe thật phũ phàng nhưng dù bạn có chết trên bàn làm việc, trong khi cố gắng hoàn thành một nhiệm vụ nào đó thì rất nhanh, ngay sáng hôm sau, trên LinkedIn sẽ có một bài quảng cáo tìm người để thay thế bạn.
Hàng ngày, có rất nhiều người được đào tạo để làm việc. Và thậm chí, các đồng nghiệp của bạn cũng có những mối quan hệ mà họ có thể giới thiệu cho ban quản lý để đảm nhận công việc của bạn ngay khi bạn rời đi.
Đừng quá buồn vì điều này.
Hãy tiến lên và đưa sự nghiệp của bạn lên một tầm cao mới. Hãy làm tất cả những gì mà bạn có thể để tiếp tục tồn tại và phát triển. Tương lai đang chờ bạn ở phía trước.
Thật hiếm hoi, những người vẫn giữ liên lạc
Kể từ khi nghỉ việc, chỉ có hai người vẫn giữ liên lạc với tôi. Một trong số đó là người quen trước đây – người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Và người còn lại quả là một viên ngọc quý hiếm. Họ như trở thành tri kỷ, thành anh em một nhà vô cùng thân thiết. Chúng tôi không thảo luận về những tin đồn hay phàn nàn về những nhà lãnh đạo tại nơi làm việc trong quá khứ.
Chúng tôi tập trung vào tương lai và nói về những tiến bộ trong nghệ, chia sẻ về đam mê với Web 3.0…. Cuối tuần, chúng tôi hẹn nhau uống cà phê, tán gẫu hoặc đi dã ngoại cùng gia đình.
Người vẫn giữ liên lạc với bạn dù bạn đã nghỉ việc rất đáng để trân trọng. Hãy cố gắng giữ gìn mối quan hệ đó. Hãy ở bên khi họ gặp khó khăn, giống như cách mà họ đã làm với bạn.
Bài học
Khi bạn nghỉ việc, bạn nghĩ rằng mọi người sẽ nghĩ đến mình. Nhưng sự thật là sẽ không một ai hoặc rất ít, rất ít người còn quan tâm đến bạn. Và bài học là đừng thu thập các mối quan hệ kinh doanh như những chai bia rỗng.
Hãy trân trọng những người vẫn ở bên khi bạn khó khăn nhất. Họ là tri kỷ, là người sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên đặc biệt hơn.
Mộc Dương–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị