Trong xã hội hiện đại, một số người cho rằng thầy toán mệnh có thể toán đúng cho người khác, nhưng không thể toán đúng cho chính mình. Kỳ thực, trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, những bậc cao nhân, thuật sĩ có thể toán chuẩn vận mệnh của bản thân, thậm chí cả ngày ly thế, không hề hiếm. Vì thiên cơ bất khả lộ, đôi khi họ không tiện nói cho người ngoài nghe.
Đối với những người nắm vững quy luật tự nhiên của trời đất, có thể hiểu rõ thiên cơ, thì việc dự đoán chính xác ngày về trời của mình từ mười mấy năm, thậm chí mấy chục năm trước là điều không khó. Về thời gian cụ thể, một số thuật sĩ thậm chí có thể dự đoán chính xác đến từng “khắc”, tức là đơn vị thời gian nhỏ nhất của người xưa. Sự tinh thông đến mức này, tuyệt đối không thể giải thích bằng hai chữ “mê tín” của người hiện đại.
Thuật sĩ Tùng Nhậm có thể tính ra thời gian bọn phỉ rời đi
Ở phủ Thái Bình, An Huy, có một vị thuật sĩ tên là Tùng Nhậm, tự Tử Trọng. Từ nhỏ ông đã có thiên tư phi phàm, từng là một nho sinh trong Thái học. Sau khi ra làm quan, ông được bổ nhiệm làm chiếu ma (quan thanh tra, kiểm toán) của Án sát sứ ty Giang Tây, phụ trách “thanh tra sai phạm của các quan chức”, không lâu sau được thăng chức lên kinh lịch (tham mưu của trưởng quan quân chính) của phủ Hoàng Châu, Hồ Quảng.
Tùng Nhậm học rộng, thích nghiên cứu những cuốn kỳ thư. Lâu dần, học vấn của ông càng trở nên thâm sâu khó lường. Ông trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đối với tất cả các môn thuật số đều dương như rất tinh thông. Ngày thường bói toán cho người khác không bao giờ sai. Ngay cả trạng nguyên năm Vạn Lịch, từng giữ chức giảng quan Thái tử, là Tiêu Hoành, cũng hết lời khen ngợi thuật bói toán của ông.
Một năm nọ, ông cùng Tiêu Hoành đi thuyền đến Tầm Dương. Lúc mặt trời vừa lặn, họ bị một đám cướp biển để ý tới. Thuyền cướp bám theo phía sau, thấy sắp đuổi kịp, mọi người đều hoảng sợ. Lúc này, Tùng Nhậm nói: “Các vị không cần lo lắng, chỉ cần đợi ba khắc nữa, thuyền đó sẽ tự động rời đi.” Nghe ông nói vậy, mọi người trên thuyền đều nín thở, quan sát kỹ động tĩnh của chiếc thuyền phía sau. Quả nhiên, sau ba khắc, chiếc thuyền cướp biển đó quay đầu bỏ đi.
Sau này khi ông nhậm chức ở Hoàng Châu, vừa đúng lúc các cử nhân địa phương chuẩn bị lên kinh dự thi. Trước khi lên đường, số lượng thí sinh đến nhà tìm ông bói toán lên đến mười bảy người, trong đó ông chỉ đích danh hai vị có thể thi đỗ. Đến ngày công bố kết quả, người trúng khảo quả nhiên chính là hai vị đó.
Hai đạo sĩ có thể bói toán ngày lìa trần của mình
Ở huyện Vô Tích, Giang Tô, có một thuật sĩ tên là Tôn Thiệu Tiên, tự Chấn Chi. Ông quanh năm ẩn cư ở nơi khác, một thân một mình sống trong một sân nhỏ, hàng ngày bầu bạn với cổ cầm, cổ thụ. Người qua đường tò mò về cây tùng cổ trong sân của ông, muốn biết tuổi cây là bao nhiêu, ông liền nói: “Cây này bằng tuổi tôi.”
Năm Tôn Thiệu Tiên bảy mươi chín tuổi, một ngày ông bị bệnh. Ông nói với con trai: “Cây tùng cổ kia sẽ lìa bỏ ta trước bảy mươi ngày.” Bảy năm sau, vào tiết Trùng Dương, bên ngoài đột nhiên nổi cuồng phong, bật cả gốc cây tùng cổ. Hơn hai tháng sau, khi mùa đông đến, Tôn Thiệu Tiên qua đời. Ngày đó cách ngày cây tùng cổ bị gió thổi đổ vừa đúng bảy mươi ngày.
Một vị thuật sĩ khác biết trước tuổi thọ của mình là người phủ Giang Ninh, Giang Tô, tên là Chương Tinh Văn, tự Nhân Long, trước đó là một lẫm sinh (tức là sinh viên được triều đình cấp bổng lộc, lương thực) của huyện Lật Thủy. Ông tinh thông thuật tinh tượng chiêm bốc, mỗi lần bói toán đều không sai một ly. Năm bảy mươi tám tuổi, ông lần lượt từ biệt người thân, bạn bè, và nói ra ngày mình sẽ lìa trần. Sau đó, ông quả nhiên qua đời vào ngày đó.
Vương Nhược Thủy có thể toán ra trận đại hồng thủy xảy ra sau 50 năm
Ở Vô Tích còn có một đạo sĩ tên là Vương Nhược Thủy, tự Nhất Thanh. Ông có phong thái bất phàm, cốt cách thanh kỳ, rất có phong mạo của người tu đạo. Con trai ông kế thừa đạo thuật của ông, từng bói toán được, rằng nơi an táng sau khi ông qua đời tốt nhất là núi Phù Dung ở địa phương.
Nhưng không lâu trước khi lâm chung, ông đột nhiên nói với con trai: “Năm mươi năm sau, dưới núi Phù Dung nhất định sẽ có một trận đại hồng thủy, sẽ cuốn trôi mộ của ta. Đợi sau khi ta chết, hãy đổi một nơi khác để hạ táng!” Nói xong liền nhắm mắt qua đời. Sau này, con trai ông lại toán ra một nơi khác, chôn cất cha ở đó.
Đến cuối thời Hoằng Trị (niên hiệu của Minh Hiếu Tông), dưới chân núi Phù Dung đột nhiên xuất hiện một con giao long. Lúc đó nước lũ tràn ngập, gần như nhấn chìm cả ngọn núi. Và khoảng thời gian này cách thời điểm Vương Nhược Thủy dự đoán trận đại hồng thủy vừa đúng 50 năm.
Bài viết của Nhan Đan-Tài liệu tham khảo: “Khâm định Cổ kim đồ thư tập thành”
Theo Epoch Times,–Hương Thảo biên dịch