Từ một xưởng mộc nhỏ biến thành đế chế nội thất với tài sản hơn 13 tỷ USD, Red Star Macalline đã trải qua 33 năm phát triển như thế nào? Cách anh giữ chân nhân tài và bồi dưỡng họ ra sao? Tất cả đều có chiến thuật!
Là người cầm lái con tàu khổng lồ này, Xa Kiến Tân luôn giữ vững châm ngôn sống: “Làm mọi việc bằng trái tim.” Nhờ đó mà ông đã tạo nên được một truyền kỳ kinh doanh trong giới nội thất.
- Cú lội ngược dòng của người thợ mộc
Xa Kiến Tân là con trai của một nông dân bình thường, cha ông là một thợ ngõa (nghề lợp ngói) rất lành nghề. Chịu ảnh hưởng từ cha mình, ở tuổi 16, ông đã trở thành một thợ mộc. Xa Kiến Tân không những học nghề rất chăm chỉ mà còn thường xuyên quan tâm chăm sóc bữa ăn và sinh hoạt hằng ngày cho thầy, nhờ đó mà ông rất được thầy yêu quý, được truyền dạy các tuyệt học độc môn, sau một năm tay nghề đã trở nên rất thành thạo.
Năm 1986, tên tuổi của Xa Kiến Tân cũng đã vang xa không ít, một chủ cửa hàng đồ nội thất đã tìm đến ông ấy và hỏi ông có làm đồ nội thất theo bộ không, Xa Kiến Tân đã nắm bắt cơ hội này và đồng ý ngay. Sau đó, ông lập tức vay người thân 100 USD làm vốn, rồi đến xưởng chế biến gỗ tốt nhất ở địa phương xin lời khuyên của ông chủ. Kết quả là sau một tháng ông đã hoàn thành xuất sắc dự án, tất cả các sản phẩm đều đạt chất lượng, chủ cửa hàng đồ nội thất rất hài lòng và Xa Kiến Tân đã kiếm được 30 USD lợi nhuận.
Sự việc lần đó đã nhân đôi sự tự tin của Xa Kiến Tân, ông đánh giá ngành đồ nội thất gia đình có tiềm năng rất lớn nên đã thành lập một xưởng nội thất nhỏ mang tên “Sao Đỏ”. Những ngày đầu, Xa Kiến Tân phát triển dựa vào đơn đặt hàng của chủ cửa hàng nội thất trước đó, sau đó, ông thành lập cửa hàng tự bán, mở rộng quy mô.
Đến năm 1995, lợi nhuận ròng của xưởng nội thất Sao Đỏ đã vượt quá 20 triệu USD. Tuy nhiên, phát triển càng lớn thì thách thức cũng ngày càng khó khăn.
- Đại siêu thị
Do kỹ năng quản lý lạc hậu, cộng thêm thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều cửa hàng Sao Đỏ bị thua lỗ nặng nề. Xa Kiến Tân đã tìm đọc rất nhiều sách tiếp thị nhưng vẫn không tìm được đường ra, cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp trong một chuyến đi đến Hoa Kỳ.
Vào thời điểm đó, ông ấy đã đến thăm “những gã khổng lồ” ngành bán lẻ như Wal-Mart và Carrefour, rồi chợt nghĩ: “Tại sao không thử mở một đại siêu thị?”
Sau khi trở về Trung Quốc, Xa Kiến Tân ngay lập tức bắt tay vào thực hiện cải cách. Trước hết, theo xu thế quốc tế, ông đổi tên thương hiệu thành “Red Star Macalline”; tiếp theo, để ngăn chặn thua lỗ, ông đóng cửa 15 cửa hàng có chất lượng quản lý kém; cuối cùng, thành lập 10 đại siêu thị ở Nam Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác, đồng thời thực hiện mô hình chuỗi cửa hàng đồ nội thất gia đình.
Ông cho các nhà sản xuất đồ nội thất thuê các cửa hàng trong đại siêu thị, Red Star Macalline sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho họ, kết quả thu hút được hơn 1000 nhà sản xuất kéo đến nườm nượp, sự phát triển của Red Star cũng bắt đầu đi vào quỹ đạo.
Vào năm 2007, Xa Kiến Tân đã cho ra mắt mô hình cửa hàng trải nghiệm nội thất gia đình và nhận được phản hồi nhiệt tình từ người dùng, doanh thu hàng năm của công ty khi đó vượt quá 2 tỷ USD. Về sau, Red Star Macalline tiến bộ không ngừng, hiện tại giá trị của nó đã lên tới 13 tỷ USD, trở thành bá chủ của ngành trang trí nội thất gia đình.
Nói đến sự thành công của Red Star thì không thể không nhắc đến sự quản lý tỉ mỉ của Xa Kiến Tân trong nhiều thập kỷ.
- Điều hành doanh nghiệp bằng cái tâm
Xa Kiến Tân tự nhận xét ông là “một người làm việc tận tâm”. Điều này được phản ánh trong mọi khía cạnh trong việc quản lý doanh nghiệp của ông. Tại Red Star Macalline, Xa Kiến Tân thực hiện mô hình quản lý “từ dưới lên”, ông phát huy tối đa sáng kiến của nhân viên, để mỗi nhân viên đều tràn đầy ước mơ kinh doanh và nhận ra giá trị cá nhân của họ.
Ông rất coi trọng việc đào tạo nhân sự, từng cử tất cả các giám đốc điều hành của công ty tham gia lớp điều hành của học viện kinh doanh Cheung Kong, học phí lên đến 150 ngàn USD/ người đều do công ty chi trả. Hành động trân trọng và bồi dưỡng nhân tài này đã cho khiến cho đội ngũ của công ty phát triển liên tục, kéo theo sự phát triển của công ty cũng ngày càng thăng hoa.
Đồng thời, Xa Kiến Tân cũng rất thích đọc sách, trong văn phòng, nhà hay xe hơi của ông đều có sách. Ông rất thích nghiên cứu sâu về các loại sách liên quan về nguồn nhân lực, ông cũng viết nhiều bài luận về cách phát triển và quản lý nguồn nhân lực.
Ông quản lý nhân viên theo phương thức “nhân tính hóa”. Năm 2002, ông từng tặng cho nhân viên cấp trung, mỗi người một kệ sách và 50 đầu sách quản lý, đồng thời thuê cho mỗi gia đình nhân viên một bảo mẫu, không ngừng nâng cao khả năng làm việc và cảm giác hạnh phúc của nhân viên.
Ngày nay, Xa Kiến Tân, người đã sống hơn nửa thế kỷ vẫn tràn đầy năng lượng, ước mơ của ông là xây dựng Red Star Macalline thành một thương hiệu quốc tế nổi tiếng của đất nước Trung Hoa.
Theo Trần Anh–Thể Thao Văn Hóa