Nếu bạn lật cổ thư ra cẩn thận đọc, thì bạn sẽ phát hiện cổ nhân vô cùng có trí tuệ. Bằng cách quan sát, phân tích những kinh nghiệm và bài học gặp phải trong cuộc sống, họ đã đúc kết ra nhiều quy luật liên quan đến cách đối nhân xử thế. Thậm chí, theo những quy luật này, có thể đoán trước được sự phát triển, thay đổi của con người và vạn vật trong tương lai.
Chẳng hạn, trong cuốn ‘Vi lô dạ thoại’ có một đoạn: “Nhìn quy mô lớn nhỏ có thể biết được sự nghiệp cao thấp, xem ân huệ sâu cạn có thể biết phúc dài hay tạm.”
Chỉ trong một đoạn văn ngắn, đã nói hết ba quy luật phát triển: làm việc, làm người và trị gia
Ví dụ, từ quy trình của một sự việc có hoàn thiện hay không, kết cấu lớn nhỏ thế nào, có thể đánh giá liệu tương lai sự việc đó có thể đạt được thành công lâu dài hay không.
Khi các triều đại trước đây gây dựng nền móng sự nghiệp, nhiệm vụ quan trọng nhất nhưng dường như không được chú ý là thiết lập một hệ thống luật lệ và quy định. Vào thời kỳ đầu, quy mô xây dựng của quy chế chính là yếu tố ảnh hưởng và đóng vai trò quyết định sự thăng trầm của một triều đại.
Cho tới bây giờ, mọi người khi lập nghiệp cũng không rời khỏi quy luật này, ngay từ khi bắt đầu xây dựng và triển khai quy chế, có thể thấy được tiềm năng phát triển thành đại nghiệp trong tương lai hay không. Đương nhiên, muốn làm được việc lớn thì phải có cái tâm lớn, lòng dạ hẹp hòi chắc chắn khó đạt được thành tựu lớn.
Đạo lý này cũng đúng khi nhìn một cá nhân. Nếu một người mà ngôn hành cử chỉ có khí độ phi phàm, thì tư duy và nhận thức của người đó tốt hơn nhiều so với người bình thường, và người đó có thể nhìn nhận vấn đề ở một góc độ bao quát hơn. Trong toàn bộ quá trình, chỉ nhìn đến những việc lớn và lâu dài, không so đo đến được mất cá nhân, thì người này rất có thể sẽ có một sự nghiệp vĩ đại.
Ngược lại, nếu một người mà ngôn hành cử chỉ đầy hèn mọn, ngại việc và luôn nhìn đến những lợi ích nhỏ hẹp, như vậy người này sẽ rất khó có được thành công lớn.
Có câu: “Lên ba tuổi mới lớn, lên bảy đã già”. Câu nói này của người xưa vô cùng thâm sâu, có thể suy đoán ra thành tựu sau này của đứa trẻ từ những đặc điểm tâm lý và hành vi. Ví dụ như Khổng Dung nhường quả lê, Tư Mã Quang phá lu cứu người, đều minh chứng rằng họ có tâm thái vượt xa bình thường, sau khi lớn lên đã trở thành một thế hệ danh tướng.
Ngoài ra, việc một gia đình sẽ thịnh vượng hay suy bại phụ thuộc rất nhiều vào phẩm hạnh của những thành viên trong nhà, cũng như việc gia đình đó có sẵn sàng làm điều tốt và giúp đỡ người khác hay không. Trong một gia đình, thói quen đạo đức tốt hay xấu phụ thuộc vào đức tính của tổ tiên được truyền lại cho các thế hệ sau.
Khi những người trong một gia tộc tràn ngập chính trực thiện lương, bình thường thích làm việc thiện, luôn vui lòng trợ giúp mọi người, vì xã hội cống hiến, như vậy họ tự nhiên sẽ nhận được sự tôn trọng từ người khác, vận thế gia tộc cũng sẽ ngày càng thịnh vượng.
Nếu các thành viên trong gia đình đầy tính tư lợi thì cả gia đình sẽ trở nên cay nghiệt thiếu tình cảm, gian trá hèn hạ. Theo thời gian, gia đình như vậy sẽ không còn ai muốn liên hệ, giúp đỡ. Nội bộ gia đình sẽ tràn ngập tranh đấu lợi ích, mâu thuẫn bộc phát, nếu có hưng thịnh, cũng khó thoát khỏi vận mệnh suy bại.
Có thể thấy, vạn vật trên đời đều có quy luật phát triển riêng. Chỉ có nhận rõ quy luật, thuận theo thiên đạo mà đối nhân xử thế, thì sự tình mới có thể thuận lợi như nước chảy thành sông. Nếu không nhìn rõ quy luật, khư khư cố chấp kết quả, sớm muộn đều sẽ đi đến thất bại.
Tử Vi- Theo secretchina.com