Thủ tướng vừa yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), theo văn bản số 739, tháng 6/2018 của Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến trước việc tỉnh Kiên Giang đề nghị dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), theo văn bản số 739, tháng 6/2018 của Thủ tướng.
Việc lập quy hoạch mới phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch liên quan và quy định của pháp luật.
Trước đó vào tháng 8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản đề nghị Thủ tướng cho dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc thành “đặc khu kinh tế” cho tới khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vẫn chưa được thông qua nên việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.
“Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” theo Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 hiện đã không còn phù hợp với tình hình phát triển của huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.
Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất thành lập thành phố Phú Quốc. Hiện Phú Quốc đang là đơn vị hành chính cấp huyện loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Nếu đề xuất được chấp thuận, Phú Quốc sẽ là thành phố biển, đảo đầu tiên của Việt Nam.
Đến giữa tháng 8 vừa qua, Bộ Xây dựng đã đồng ý với UBND tỉnh Kiên Giang liên quan đến đề nghị tạm dừng lập quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Thủ tướng vẫn yêu cầu Kiên Giang tiếp tục lập quy hoạch xây dựng Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.
Đặc khu kinh tế là định hướng của Bộ Chính trị, dự kiến triển khai tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang). Trước thông tin nhiều chiều của dư luận, tháng 6/2018, Quốc hội đã đồng ý hoãn Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cho ba nơi trên.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội; và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, “Quy định trên nhằm luật hóa việc tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, đồng thời có cơ sở pháp lý để nghiên cứu áp dụng với các khu kinh tế ven biển có điều kiện tương tự.”
PV