Đó là tân Thủ khoa Đỗ Trọng Đạt với một học bổng tiến sỹ hơn 8 tỷ tại một trường đại học Mỹ. Trước đó, em còn trượt một số học bổng vì… quá khiêm tốn và không bày tỏ hết ước mơ của bản thân.
Phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp, thay mặt các tân cử nhân, Đạt bày tỏ lời tri ân tới các thầy cô – những nhà khoa học đã truyền cho mình ngọn lửa đam mê với nghiên cứu. Những năm tháng dưới mái trường này cũng giúp Đạt chiêm nghiệm ra câu rất nổi tiếng: “Cứ theo đuổi đam mê, rồi thành công sẽ theo đuổi bạn”.
Từ chối ngành Y vì mê mẩn môn Toán
Đạt tự nhận mình là một người may mắn khi có tình yêu với môn Toán nảy nở rất tự nhiên. Tình yêu này bắt đầu “bám rễ” kể từ khi cậu bước vào những năm đầu tiểu học. Một vài con số hay những bài toán phức tạp luôn là điểm hấp dẫn thu hút chàng trai người Thái Bình phải tìm tòi, lý giải.
“Qua các cuộc thi đã giúp em phát hiện ra bản thân mình rất yêu thích môn Toán”, Đạt nói. Từ đó, cậu bắt đầu ao ước, mình có thể tự tìm ra một định lý mới hay chế tạo được một loại máy móc nào đó giúp ích cho cuộc sống này.
Nhờ vào thành tích giành giải Nhất trong kỳ thi HSG quốc gia môn Toán năm lớp 11 và giải Nhì năm lớp 12, Đạt được nhiều trường đại học top đầu “săn đón”.
Nếu không phải vì tình yêu mãnh liệt với môn Toán thì có lẽ giờ đây, Đạt đang say sưa trong một tiết học giải phẫu sinh lý nào đó.
Ngày đưa ra quyết định lựa chọn ngôi trường mình sẽ gắn bó suốt 4 năm ĐH, Đạt đã băn khoăn giữa hai lựa chọn là ngành Y và Khoa học Tự nhiên.
“Khi nhận được thư mời vào thẳng của trường Y, cả bố mẹ và chị gái đều muốn em theo học để tiếp nối truyền thống gia đình. Nhưng cuối cùng, em lại đi theo những gì trái tim mách bảo, bởi điều em thích nhất là được làm Toán”.
Đam mê Toán ứng dụng từ nhỏ, nhưng vì ở Việt Nam chưa có chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực này, Đạt quyết định lựa chọn theo học lớp Cử nhân khoa học tài năng Toán, Khoa Toán-Cơ-Tin học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
“Sau này, khi vào học em mới thấy, muốn làm tốt được Toán ứng dụng thì Toán lý thuyết cũng phải nắm rất chắc chắn. Đó là lý do khiến em quyết định sẽ lựa chọn Toán ứng dụng ở những bậc học cao hơn”.
Tình yêu với Toán học cũng đã dẫn lối cho Đạt quyết tâm phải thực hiện giấc mơ Mỹ.
“Em thích Mỹ vì đối với ngành Toán thống kê, Mỹ đang là nơi đào tạo tốt nhất. Ngoài ra, em nhận thấy cách vận hành của nước Mỹ khiến người ta được thỏa sức đam mê nghiên cứu và thể hiện cái “tôi” bản thân. Đây cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều nhà Toán học nổi tiếng”.
Ngôi trường mà Đạt mong muốn được đặt chân tới là Michigan. Đây là ước mơ của nhiều sinh viên quốc tế bởi ngôi trường này đứng thứ 30 trong bảng xếp hạng các trường Đại học hàng đầu thế giới của QS.
Để được vào trường, Đạt phải đáp ứng một loạt những yêu cầu khắt khe, trong đó còn gồm 3 thư giới thiệu của các giảng viên uy tín.
May mắn, hồ sơ của Đạt được chấp nhận. Cậu đã giành được học bổng toàn phần chương trình Tiến sĩ Thống kê với tổng trị giá 8,4 tỷ đồng cho 5 năm. Ngoài học phí, Đạt còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt là 2.600 USD/ tháng.
Để đạt được mức học bổng này không phải là điều dễ dàng mà theo Đạt “có lẽ là do em nắm chắc lý thuyết. Ở các trường nghiên cứu về học thuật rất đề cao việc mình phải nắm chắc những điều cơ bản”.
Ngoài ra, theo Đạt, có lẽ trong bài luận, em đã thể hiện sự khao khát mãnh liệt được theo đuổi ngành Thống kê.
“Em biết để học tốt thống kê cần rất nhiều toán lý thuyết. Em đã chứng minh cho họ thấy rằng mình có nền tảng toán lý thuyết tương đối tốt bằng cách đưa ra những dẫn chứng về kết quả của các kỳ thi Toán hay thi GRE – kỳ thi tiêu chuẩn để xét điều kiện nhập học sau đại học ở Mỹ”.
Với bài thi GRE, Đạt giành số điểm tuyệt đối là 170/170. Đây là điểm số mà chỉ 4% thí sinh tham dự có thể đạt được.
“Người học Toán không hề khô khan”
Đạt đánh giá, những người làm Toán thường có điểm chung nhất định.
“Em có hai người thầy, một thầy dạy Toán giải tích, một thầy là người hướng dẫn em khi đi trao đổi nghiên cứu bên Nhật. Những đức tính chung của cả hai thầy đã giúp em chiêm nghiệm được câu nói: “We are what we repeatedly do. Excellence is not an act, but a habit” (Sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động).
Các thầy nghiên cứu rất tốt không phải ngẫu nhiên mà có. Em nhìn thấy được điều ấy vì các thầy làm việc rất say mê. Đôi khi em thấy các thầy như đắm chìm vào công việc và thế giới riêng của Toán học, rất cẩn thận và chuyên nghiệp.
Ví dụ như thầy dạy Toán giải tích của em, một tiết học từ 9-12 giờ, nhưng thầy có thể “trót quên” và dạy một mạch từ 7-13 giờ. Hay thầy giáo bên Nhật, ngày nào em cũng thấy thầy đến trường trước giờ làm việc và ra về rất muộn. Điều này cứ lặp đi lặp lại suốt khoảng thời gian dài. Khi lắng nghe thầy trao đổi về Toán, em cũng cảm thấy thời gian như ngừng trôi, dường như chỉ còn riêng mình đắm chìm với Toán học”.
Mặc dù vây, cuộc sống của dân Toán được Đạt đánh giá “không hề khô khan, tẻ nhạt như mọi người vẫn tưởng”. Ngoài giờ học hay nghiên cứu, Đạt cũng bay bổng với những giai điệu ngọt ngào của tiếng đàn guitar. Cậu chơi thêm cả piano và luôn giành thời gian rảnh rỗi cho sách và những người bạn.
Đạt rất ngưỡng mộ A. Einstein vì ngoài việc là một nhà khoa học xuất sắc, ông còn chơi violin và piano rất giỏi. Cậu nhận thấy sự liên hệ giữa khoa học và âm nhạc qua những lời nói của ông: “Nếu tôi không nghiên cứu khoa học thì chắc hẳn tôi sẽ là một nhạc sĩ. Tôi thường nghĩ trong tiếng nhạc.”
Ngoại trừ việc nghiên cứu, giảng dạy hay chia sẻ kiến thức cũng là niềm đam mê của Đạt. Để thoả mãn đam mê này, cậu đã tạo ra một blog riêng chia sẻ những bài viết về Xác suất Thống kê.
Cậu còn đi dạy thêm môn Toán. Ở mỗi tiết dạy, Đạt cũng luôn cố gắng lồng ghép các chuyện kể về Toán học hay những ứng dụng thực tế của chúng. Đạt cho rằng, điều này một phần nào đó có thể khiến Toán học gần gũi và “bớt phức tạp” hơn với mọi người.
“Có duyên” với các giải thưởng lớn nhỏ, nhiều người nghĩ bản thân Đạt chưa từng phải “nếm mùi” thất bại. Tuy nhiên, trong 3 năm đầu đại học, cậu cũng từng nhiều lần trượt vòng phỏng vấn của các học bổng lớn từ General Electric, Honda hay ĐH Sư phạm Paris.
Có lần, cậu đã viết email gửi người phỏng vấn mình để hỏi lý do vì sao mình lại không đạt được học bổng. Đạt nhận lại được câu phản hồi, khi trả lời phỏng vấn, cậu còn quá khiêm tốn và không bày tỏ hết ước mơ của bản thân.
“Sau đó, em nhận ra bản thân cần có ước mơ lớn hơn và cần phải nghĩ kĩ xem cuộc đời mình có thể làm được gì cho xã hội”, Đạt nói.
Đạt dự định dành 2 năm đầu để tích lũy kiến thức, sau đó 3 năm còn lại sẽ ứng dụng thống kê vào trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.
Đạt nhận thấy dù là Toán lý thuyết hay Toán thực hành cũng đều có vai trò như nhau.
“Ví dụ như ông Riemann nghĩ ra giả thuyết về các không điểm phi tầm thường của hàm zeta Riemann, tất cả đều có phần thực bằng 1/2. Đây chỉ là toán lý thuyết thuần túy. Tuy nhiên, sau này người ta chứng minh được rằng, nếu giả thuyết ấy đúng, việc phá mã sẽ trở nên nhanh hơn rất nhiều.
Có những công cụ toán lý thuyết phải 100 năm sau người ta mới biết để làm gì, nhưng thực tế, điều này rất quan trọng cho mọi sự phát triển”, Đạt nói.
Hai tuần nữa, Đạt sẽ lên đường sang Mỹ du học. Với cậu, đây chỉ là bước đầu trong sự nghiệp nghiên cứu của mình. Trong những năm học tiến sĩ và sau đó, Đạt mong muốn có thể đóng góp và phát triển cho nền Thống kê nước nhà.
Theo VNN