Không học hành trường lớp, không bằng cấp, cũng chẳng thầy bà gì, chỉ đơn giản thích thì chơi, chơi mãi rồi thành nghề thành nghiệp, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, Nguyễn Văn Phúc (hội viên Hội Cổ vật Quảng Trị) giờ là cái tên mà giới chơi cổ vật cả nước đều biết tiếng.
Nhắc đến cổ vật, ánh mắt Phúc chợt sáng lên: “Tôi có niềm đam mê đặc biệt với những thứ cổ xưa. Đó vừa là thú chơi, vừa là kinh doanh.
Chơi để kinh doanh và kinh doanh để… có mà chơi. Nhưng trên hết là đam mê, không đam mê thì cả chơi lẫn kinh doanh đều không được.
Trong tất cả những cổ vật mà tôi đã và đang sở hữu, thú thực tôi đặc biệt say mê 2 thứ là đồ đồng và tiền cổ, nhất là tiền cổ. Tôi rành tiền cổ có khi còn hơn rành tính nết… vợ mình”. Rồi Phúc dẫn dụ tôi vào thế giới đầy mê hoặc của anh lúc nào không rõ…
“Ở miền Trung chẳng mấy ai dám nói hơn tôi về… tiền”
Đó một căn phòng rộng thênh thang với hàng nghìn cổ vật nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 1, đoạn qua xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.
Một không gian huyền hoặc với những chum tiền cổ còn nguyên vẹn, những chiếc lư đồng xỉn màu thời gian, những ấm chén, khay trà, hoành phi, câu đối, bình vôi…, cái “trẻ” nhất cũng có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, còn lại đều hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.
Phúc chỉ cho tôi xem chum tiền cổ vẫn còn nguyên dấu xẻng sượt qua khi những công nhân đào được nó ở mé sông. Nắp hũ bị mất, để lộ những đồng tiền nằm thinh lặng qua hàng trăm năm trong lòng đất lạnh kết dính với nhau thành một khối.
Anh kể, thú chơi tiền cổ cũng có những biến chuyển theo thời gian. Ví như những hũ như thế này, nếu ngày xưa người ta sẽ đập vỡ ra, rã từng đồng một rồi rửa sạch, đồng nào có giá trị thì bán riêng, còn lại bán theo cân, giá mỗi cân từ 1 – 4 triệu đồng tùy thời điểm và loại tiền.
Bây giờ thì khác, đối với những hũ tiền cổ còn nguyên vẹn người ta thường giữ nguyên để bán cho các nhà sưu tập, giá mỗi cân khoảng 8 triệu đồng, nếu hũ bị vỡ thì giá chỉ còn khoảng 3 – 4 triệu đồng. Đó là nói chung những loại tiền ít giá trị.
Những người chơi cổ vật sành sõi như Phúc chỉ cần nhìn qua hũ tiền là biết nên để bán nguyên hũ hay đập vỡ ra để tìm kiếm một đồng xu may mắn nào đó. Đồng xu ấy, nếu có trong khối kim loại rỉ sét kia, giá trị có khi bằng ngàn vạn hũ tiền nếu bán theo cân.
Chuyện này, theo anh Phúc, cũng như đặt một canh bạc, được ăn cả, ngã về không, vì dựa vào linh cảm và con mắt nhà nghề là chính. Hai yếu tố này, giới chơi cổ vật như Phúc có một câu đúc kết: “Đồ cổ thì phải qua tay”.
Ý rằng, chơi nhiều, sờ nắm nhiều thì thành nghề, thành nghiệp, rồi tự cảm nhận chứ chẳng ai dạy ai được. Tất nhiên “ngộ” được bao nhiêu còn tùy căn cốt từng người.
Phúc kể, trong một lần may mắn như vậy, anh có được một đồng Tĩnh Khang đời Nam Tống. Khoảng năm 2008, Phúc bán đồng Tĩnh Khang này cho một thương nhân Trung Quốc với giá mấy trăm triệu đồng, hơn cả một gia tài.
Sở dĩ đắt như vậy vì đây là hàng độc bản, loại tiền mẫu để từ đó sản xuất hàng loạt. Đồng xu ấy hiện đang ở Trung Quốc, giá trên thị trường không dưới 10 tỉ đồng, nhưng có tiền cũng khó mua được.
Nhưng đồng Tĩnh Khang này cũng chưa phải hàng khủng trong các dòng tiền cổ, như đồng Đại Tề Thông Bảo của đời Bắc Tống hiện trên thế giới chỉ còn khoảng vài đồng, giá mỗi đồng khoảng… 30 tỉ đồng. Phúc bảo, đắt, nhưng không phải cứ có tiền là mua được, nhiều khi phải cần một chữ “duyên”.
Nhớ lúc mới gặp nhau, nghe nhắc đến tiền cổ, Phúc nói nhẹ tênh: “Cả nước thì không dám nói, chứ ở miền Trung chẳng mấy ai dám nói hơn tôi về… tiền”. Tôi đã lặng đi mấy giây và quả thực thoáng chút thất vọng. Bởi trong hình dung của tôi, những người đã lựa chọn đắm mình trong những giá trị cổ xưa thường chẳng ai khoe khoang chuyện tiền, mặc dù muốn chơi những thứ này đúng là phải cần rất nhiều tiền.
Nhưng sau một buổi sáng ngồi cà kê chuyện tiền cùng anh trong một không gian “sặc mùi tiền” mà không hề thấy gợn chút vật chất nào, tôi hiểu, có lẽ anh không đùa khi nói “tôi rành tiền cổ có khi còn hơn rành tính nết… vợ mình”.
Một nét chữ đáng giá nghìn vàng
Phúc bảo tôi ngồi đợi rồi lên gác mang xuống một chiếc hộp nhỏ. Bằng một cử chỉ hết sức cẩn trọng, anh mở nắp hộp, từ từ lấy ra những đồng xu nhỏ và bắt đầu giảng giải cho tôi về lai lịch, đặc điểm, dấu hiệu nhận biết từng loại tiền.
Đây là đồng Thiên Phúc Chấn Bảo, Thái Bình Hưng Bảo, những đồng tiền đầu tiên thời Vua Đinh Tiên Hoàng, còn kia là đồng Hoàng Tống Thông Bảo, Tuyên Hòa Thông Bảo thời Bắc Tống, kia nữa là đồng Đại Định Thông Bảo thời nhà Kim hay Hồng Vũ Thông Bảo, Vĩnh Lạc Thông Bảo thời nhà Minh…
Mỗi triều đại có một phong cách đúc tiền dày, mỏng khác nhau, nét chữ mảnh mai hay đầy đặn, to hay nhỏ… Chữ khắc trên tiền cũng vậy, cũng là chữ đó nhưng mỗi loại tiền khắc mỗi khác, và chỉ cần khác nhau một nét hất, nét sổ thôi thì có khi đồng xu này cho không ai lấy, nhưng đồng xu kia dẫu có bỏ nghìn vàng cũng không mua được.
Những người sành tiền cổ chỉ cần nhìn qua hình dáng đồng xu hay một nét chữ là có thể nói vanh vách nó thuộc triều đại nào, được đúc trong giai đoạn hưng thịnh hay suy tàn…, và tất nhiên là giá trên thị trường bây giờ.
Tôi thú thực mình là người ngoại đạo, thấy đồng xu chỉ biết đó là đồng xu chứ không hơn, nhưng nhìn cái cách anh Phúc nâng niu những đồng xu cũ kỹ và say sưa giảng giải về nó, tôi có thể cảm nhận được niềm đam mê bất tận trong thú chơi ngược thời gian này.
Phúc quê ở Hưng Yên. Cổ vật, đối với anh, từ chỗ thấy hay hay thì sưu tầm một vài món để chơi, chơi rồi đam mê lúc nào không rõ, rồi một ngày thấy có thể kinh doanh được từ thú chơi này. Khoảng năm 2000 thì Phúc vào Quảng Trị lập nghiệp.
Hồi đó cổ vật còn nhiều nhưng chủ yếu vẫn nằm đâu đó trong lòng đất, hoặc trong các gia đình. Để có nguồn hàng, Phúc phải tự lặn lội khắp nơi, cứ nghe thông tin ở đâu có cổ vật là anh tìm tới. Mua cổ vật cũng lắm chuyện bi hài, có thứ đến là mua được ngay với giá gần như cho không, có thứ đeo đuổi hàng năm trời, ngã giá cả gia tài mà chủ nhân vẫn dửng dưng lắc đầu.
Theo Phúc, cổ vật là thứ “đỏng đảnh” nhất mà anh từng biết. Cũng là món đó, nhưng có nhà thì vứt lăn lóc ở góc vườn, có nhà trân quý như báu vật, thuyết phục kiểu gì cũng không bán. Rồi mình mua về, một hôm nào đó có người thấy hợp nhãn, có khi họ sẵn sàng nài nỉ mình nhượng lại với một cái giá không tưởng.
10 năm theo đuổi 1 chiếc áo
Đó là chiếc áo của quan triều Nguyễn, hiện thuộc sở hữu của 1 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Tây Quảng Trị. Phúc phát hiện ra từ 10 năm trước và theo đuổi từ đó đến giờ nhưng trước sau chủ nhân vẫn lắc đầu. Hiện Phúc vẫn nhờ người theo rất kỹ và tỉ tê thuyết phục, chỉ cần bà con gật đầu là anh bỏ tiền mua ngay. “Chờ thêm 10 năm nữa tôi cũng chờ”, Phúc khẳng định.
Lại nói chuyện tiền cổ. Có một kênh thông tin rất được Phúc quan tâm và thực tế đã mang lại cho anh nhiều nguồn hàng có giá trị, đó là từ những người chuyên đi rà phế liệu.
Thời gian đầu mới vào Quảng Trị, mỗi ngày Phúc mua về hàng tấn tiền xu chủ yếu từ nguồn này. Những người này đều có số điện thoại của Phúc, rà trúng tiền cổ họ sẽ gọi cho anh. Phúc đến, thỏa thuận giá cả và mua về, có cái để chơi, có cái để bán, có cái… vứt đi.
Phúc nói: “Muốn giữ mối hàng tốt thì lâu lâu phải biết mua để… chẳng làm gì là vậy. Có những hũ tiền tôi nhìn qua là biết chẳng mấy giá trị nhưng vẫn vui vẻ bỏ tiền ra mua. Mình mua để người ta thấy mình trân trọng họ, đào được cái gì họ sẽ gọi cho mình. Chỉ cần gọi 3 lần mà mình đến rồi lắc đầu bỏ đi, lần sau họ gọi cho người khác ngay”.
Giờ thì Phúc không còn phải lăn lộn từng ngõ ngách để săn tìm cổ vật như ngày xưa vì đã có hệ thống “chân rết” ở khắp các địa phương. Những người này được anh đào tạo kỹ lưỡng, am hiểu về cổ vật, thông thuộc địa hình, địa vật và đặc biệt là hiểu được tâm tính của người dân để giao dịch khi cần thiết.
Phúc chỉ ngồi nhà và quyết định những khâu quan trọng qua điện thoại. Nhưng riêng tiền cổ thì nhất định anh phải đích thân đến, tận mắt nhìn ngắm, tự tay sờ nắn từng đồng xu rỉ sét mới thỏa lòng.
Thì như anh nói, từ từ nâng một khối đồng xu nặng trịch lên từ lòng đất, tỉ mẫn gỡ từng đồng một, cầm trên tay và cảm nhận ngàn vạn tiếng reo vui từ một thế giới cổ xưa nào đó vọng về, cảm giác ấy không phải ai cũng có được. Nó còn tuyệt diệu hơn bất kỳ giá trị vật chất nào có thể mang lại.
Chúng tôi đã có một buổi sáng ngồi cùng nhau trong một căn phòng mênh mông toàn cổ vật, trên một bộ bàn ghế đời nhà Nguyễn, nhâm nhi chén trà được pha trong chiếc ấm cổ đời nhà Minh, trong mùi hương trầm phảng phất từ chiếc lư đồng đời nhà Trần, để cho tâm trí mê mải trong thế giới huyền ảo của hàng trăm, hàng nghìn năm trước. Chúng tôi đều rất kiệm lời. Thế giới cổ vật tự có ngôn ngữ riêng của nó mà mỗi người “nghe” theo cách riêng của mình…
Nguyễn Thế Chung (Báo Quảng Trị)