Trung bình mỗi năm, nông dân trồng na Hoàng Hậu ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) thu hoạch na 2 lần, năng suất na khoảng 3 tấn/công (1.300m2). Sau khi khấu trừ chi phí, mỗi công đất trồng na Hoàng Hậu, nhà vườn thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Từng gặp nhiều khó khăn khi buổi đầu đem cây na Hoàng Hậu về canh tác ở vùng đất Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, nhiều nhà vườn trồng na Hoàng Hậu cùng nhau thành lập Tổ hợp tác (THT) na Hoàng Hậu Vĩnh Thới để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng na.
Từ đó, bà con nông dân nơi đây tạo ra vùng trồng rộng, với chất lượng và sản lượng ổn định quanh năm, giúp sản phẩm na dần được thị trường biết tới và ưa chuộng; các thành viên trong THT có thu nhập ổn định hơn.
Là một trong những nhà vườn tiên phong đưa cây na Hoàng Hậu về trồng ở xã Vĩnh Thới, thời gian đầu, anh Phạm Văn Đức – Tổ trưởng THT na Hoàng Hậu Vĩnh Thới gặp không ít trở ngại, song với tinh thần ham học hỏi, chịu khó nghiên cứu, anh đã thành công với cây trồng mới của địa phương.
Từ 3 công trồng giống na Hoàng Hậu thử nghiệm, đến nay, anh Đức mở rộng diện tích trên 2ha. Không làm giàu một mình, sau khi thành công với cây na Hoàng Hậu, anh Đức luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nhà vườn ở địa phương để cùng nhau canh tác na hiệu quả.
Anh Đức tâm sự: “Ban đầu ở địa phương chỉ có mình tôi trồng na Hoàng Hậu. Đến khoảng những năm 2019 – 2020, khi dịch hại tấn công cây có múi trên diện rộng, nhiều nhà vườn ở địa phương chuyển sang trồng na Hoàng Hậu.
Mô hình trồng na Hoàng Hậu ở xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) góp phần giúp nông dân phát triển kinh tế, thu nhập tăng lên thấy rõ.
Vì là cây trồng mới nên kỹ thuật trồng và tìm kiếm thị trường ở buổi đầu rất gian nan. Từ thực tế đó, năm 2019, tôi và một số nhà vườn ở địa phương “rủ nhau” thành lập THT na Hoàng Hậu Vĩnh Thới với 29 thành viên, diện tích canh tác 12ha.
Ngoài bà con cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, các thành viên trong THT còn hướng đến việc xây dựng vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, có chứng nhận mã số vùng trồng.
Chúng tôi xác định phải xây dựng vùng nguyên liệu lớn, chất lượng sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường”.
Nhờ định hướng chiến lược rõ ràng nên hiện nay, THT na Hoàng Hậu Vĩnh Thới có trên 50% diện tích sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, toàn bộ diện tích trồng na được cấp mã số vùng.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để sản phẩm na Hoàng Hậu của THT có được thị trường tiêu thụ ổn định.
Theo đánh giá của nhà vườn, na Hoàng Hậu phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Trung bình mỗi năm, nông dân thu hoạch 2 lần trái, năng suất na khoảng 3 tấn/công (1.300m2).
Sau khi khấu trừ chi phí, mỗi công đất trồng na Hoàng Hậu, nhà vườn thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Trung bình mỗi năm, THT cung cấp cho thị trường trên 120 tấn na Hoàng Hậu, chủ yếu là thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Anh Phạm Văn Đức – Tổ Trưởng THT na Hoàng Hậu Vĩnh Thới, chia sẻ: “Mặc dù hiện nay, na của THT được tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa, nhưng để phát triển bền vững hơn thì việc hướng đến thị trường xuất khẩu là cần thiết.
Muốn làm điều này, khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch là vấn đề quan trọng.
Do đó, THT rất mong được ngành chức năng hỗ trợ các giải pháp ở khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch để THT có điều kiện hoàn thiện chuỗi sản xuất na.
Bên cạnh đó, để giúp quảng bá sản phẩm tốt hơn, chúng tôi rất quan tâm đến việc đầu tư bao bì và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Điều này rất cần đến sự “trợ lực” từ ngành chức năng và chính quyền địa phương”.
Ông Phạm Quan Dự – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Hiện nay, na Hoàng Hậu là một trong những nông sản có tiềm năng kinh tế cao được nhiều nông dân ở địa phương lựa chọn canh tác.
Nhằm giúp cho sản phẩm na của nhà vườn tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, xã đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp tỉnh, huyện hỗ trợ các thành viên của THT tham gia các lớp tập huấn về sản xuất na theo hướng an toàn, bền vững; hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP.
Địa phương cũng định hướng sẽ hỗ trợ một số loại nông sản thế mạnh của xã như: sầu riêng, na Hoàng Hậu, mít ruột đỏ… chuẩn bị hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Bởi địa phương xác định, để sản phẩm nông sản phát triển bền vững hơn, tăng niềm tin của người tiêu dùng thì bắt buộc sản phẩm phải có xuất xứ và đạt các chứng nhận rõ ràng…
Mỹ Lý (Báo Đồng Tháp)