Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều “biến chứng” tai hại đối với sức khỏe con người. Mất ngủ đã trở thành thói quen của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đằng sau những tác hại đã biết, các nhà khoa học mới đây còn khám phá ra một biến chứng nguy hiểm khác gây ra bởi mất ngủ.
Nhu cầu về giấc ngủ không chỉ đơn giản là để bổ sung mức năng lượng của chúng ta sau mỗi 12 giờ. Thời gian đi ngủ là lúc để bộ não thay đổi trạng thái hoạt động, loại bỏ những “sản phẩm” độc hại của hoạt động thần kinh trong ngày.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mất ngủ dai dẳng khiến não bộ tự loại bỏ một lượng đáng kể các tế bào thần kinh và kết nối khớp thần kinh.
Một nhóm nghiên cứu do nhà thần kinh học Michele Bellesi từ Đại học Bách khoa Marche ở Ý dẫn đầu đã kiểm tra phản ứng của não động vật có vú đối với thói quen ngủ không đủ giấc, và tìm thấy sự khác nhau kỳ lạ giữa những con chuột được nghỉ ngơi đầy đủ và không ngủ.
Giống như các tế bào khác trong cơ thể, các tế bào thần kinh trong não của bạn liên tục được làm mới bởi hai loại tế bào thần kinh đệm khác nhau – tế bào hỗ trợ thường được gọi là “chất keo” của hệ thần kinh.
Các tế bào vi mô có nhiệm vụ loại bỏ các tế bào già cỗi và hao mòn thông qua một quá trình gọi là thực bào – có nghĩa là “ăn tươi nuốt sống” trong tiếng Hy Lạp. Công việc của tế bào sao là cắt bỏ các khớp thần kinh (kết nối) không cần thiết trong não để làm mới và định hình lại hệ thống dây của nó.
Chúng ta đã biết rằng quá trình này xảy ra khi chúng ta ngủ để loại bỏ sự hao mòn thần kinh trong ngày, nhưng hiện tại các nhà khoa học nhận thấy điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta bắt đầu mất ngủ. Nhưng thay vì trở thành một điều tốt, bộ não đi quá đà với việc dọn dẹp, và thay vào đó bắt đầu gây hại cho chính nó.
Hãy tưởng tượng việc bộ não dọn rác khi bạn đang ngủ giống như việc ai đó vào nhà bạn sau nhiều đêm mất ngủ và vứt tivi, tủ lạnh và con chó của gia đình bạn một cách bừa bãi.
Bellesi cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi cho thấy các phần của khớp thần kinh bị tế bào hình sao ăn theo nghĩa đen vì mất ngủ”. Để tìm ra điều này, các nhà nghiên cứu đã chụp ảnh não của 4 nhóm chuột:
Một nhóm được ngủ từ 6 đến 8 giờ (nghỉ ngơi đầy đủ), một nhóm khác được đánh thức định kỳ sau giấc ngủ (thức giấc một cách tự nhiên), nhóm thứ ba được giữ thức thêm 8 giờ (thiếu ngủ) và nhóm cuối cùng được giữ thức trong năm ngày liên tục (thiếu ngủ kinh niên).
Khi các nhà nghiên cứu so sánh hoạt động của các tế bào hình sao trên bốn nhóm, họ đã xác định được chúng hoạt động trên 5,7% khớp thần kinh trong não chuột được nghỉ ngơi tốt và 7,3% trong não chuột tỉnh táo tự nhiên.
Ở những con chuột thiếu ngủ và thiếu ngủ kinh niên, họ nhận thấy một điều khác biệt: Các tế bào hình sao đã tăng hoạt động để thực sự ăn các phần của khớp thần kinh như tế bào vi mô ăn chất thải – một quá trình được gọi là thực bào tế bào hình sao.
Trong não chuột thiếu ngủ, các tế bào hình sao hoạt động trên 8,4% khớp thần kinh, và ở những con chuột bị thiếu ngủ kinh niên thì 13,5% khớp thần kinh của chúng có hoạt động tế bào hình sao.
Như nhà thần kinh học đã cho biết, hầu hết các khớp thần kinh bị ăn thịt ở hai nhóm chuột thiếu ngủ là những khớp thần kinh lớn nhất, có xu hướng lâu đời nhất và được sử dụng nhiều nhất – “như những món đồ nội thất cũ” – và việc dọn dẹp chúng là phản ứng hoàn toàn tốt cho cơ thể.
Nhưng khi nhóm nghiên cứu kiểm tra hoạt động của các tế bào vi mô trên bốn nhóm, họ phát hiện ra rằng nó cũng tăng mạnh ở nhóm thiếu ngủ kinh niên. Và đó là một điều đáng lo ngại, bởi vì hoạt động không kiểm soát của tế bào vi mô có liên quan đến các bệnh não như Alzheimer và các dạng thoái hóa thần kinh khác .
“Chúng tôi nhận thấy rằng hiện tượng thực bào tế bào hình sao, chủ yếu là các yếu tố tiền synap trong các khớp thần kinh lớn xảy ra sau khi mất ngủ cấp tính và mãn tính, nhưng không phải sau khi thức dậy tự phát, cho thấy rằng chất lượng giấc ngủ có thể thúc đẩy việc quản lý và tái chế các thành phần tàn dư của các khớp thần kinh được sử dụng nhiều”, các nhà nghiên cứu công bố kết quả nghiên cứu.
“Ngược lại, chỉ mất ngủ kinh niên mới kích hoạt các tế bào microglia và thúc đẩy hoạt động thực bào của chúng. Điều đó cho thấy rằng giấc ngủ gián đoạn kéo dài có thể gây ra chứng microglia và có thể khiến não chịu các tổn thương nghiêm trọng khác”.
Nhiều câu hỏi vẫn còn tồn tại, chẳng hạn như liệu quá trình này có được xảy ra tương tự trong não người hay không, liệu giấc ngủ có thể đảo ngược tình hình hay không?
Nhưng thực tế là số người chết vì bệnh Alzheimer đã tăng đáng kể lên 50% kể từ năm 1999. Đồng thời việc mất ngủ, ngủ không đủ giấc cũng dần trở thành căn bệnh phổ biến của lối sống hiện đại, một giấc ngủ ngon không phải điều dễ dàng với nhiều người. Bởi vậy, hãy thay đổi lối sống ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe càng sớm càng tốt, vì “phòng bệnh còn hơn là chữa bệnh”!
Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Thần kinh.
Thùy Anh –Theo Nhịp sống kinh tế