Cách đưa ra quyết định tốt đến từ việc bạn tiếp nhận thông tin ra sao.
Elon Musk không phải một vị CEO điển hình. Ông không giống một người đàn ông sở hữu gần 250 tỷ USD. Những thói quen của Elon Musk hơi khác với những gì người ta mong đợi.
Ví dụ, ông sống trong một ngôi nhà lắp ghép diện tích 35 mét vuông, trị giá 50.000 USD thuộc tài sản của công ty tên lửa SpaceX, sau khi bán hết tài sản vật chất – bao gồm cả nhà của mình. Ông cũng có thói quen sử dụng Twitter đặc biệt khác thường, đôi khi gây ra những rắc rối.
Tuy nhiên, thật khó để bàn cãi về thành công mà Musk đạt được trong vài năm qua. Tesla, công ty sản xuất xe điện mà ông điều hành, là nhà sản xuất ô tô có giá trị nhất thế giới. SpaceX, công ty tên lửa do ông thành lập, đi trước nhiều năm so với các công ty tư nhân ngành vũ trụ khác. 2 công ty này đã giúp Elon Musk sở hữu khối tài sản lên đến 230 tỷ USD, nhiều hơn bất cứ ai từ trước đến nay.
Tất cả những thành công đó khiến nhiều người đặc biệt quan tâm đến cách ông duy trì năng suất hoạt động của bản thân và các công ty. Câu trả lời, theo nhiều cách, đến từ các thói quen – thậm chí là thói quen khác thường của Elon Musk.
Chúng ta đều làm mọi thứ theo thói quen. Đó có thể là thói quen nhỏ, chẳng hạn, một số người dậy sớm và tập thể dục trước khi ngày mới bắt đầu. Họ biến nó thành một thói quen.
Một số khác lớn hơn. Bạn có thể sở hữu một thói quen hoàn thành một số việc nhất định trong ngày. Bằng cách tạo ra một quy trình và thực hiện chúng theo trình tự giống nhau, nó sẽ trở thành thói quen, cho phép bạn tập trung năng lượng tinh thần vào việc khác.
Và đây là một thói quen thú vị của Elon Musk: giả sử mình sai lầm. Lần tới, khi bạn phải đưa ra một quyết định quan trọng, bạn sẽ làm gì khác đi nếu bạn cho rằng cách làm của mình là sai? Hoặc trong lần trò chuyện tiếp theo, bạn sẽ lắng nghe theo cách khác như thế nào nếu bạn cho rằng người đối diện có thông tin hữu ích với bạn.
Đó chính xác là những gì Elon Musk gợi ý, và đó là thói quen bất thường nhất của ông.
“Bạn nên áp dụng cách tiếp cận mà bạn là người sai”, Musk nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2014. “Mục tiêu của bạn là ít sai hơn”.
Cần lưu ý, mục tiêu của Elon Musk không phải là trở thành người luôn đúng. Đó là sự khác biệt quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nhân, những người đầu tư thời gian và nguồn lực cho các ý tưởng. Bạn sẽ rất muốn cách làm của mình đúng và giả sử rằng cách tiếp cận của mình là sai không hề dễ dàng. Tuy nhiên, vấn đề là đôi khi bạn đang sai thực sự.
Mục tiêu của bạn là thành công, không phải là chiến thắng trong các cuộc tranh cãi. Mục tiêu của bạn không nên là bảo vệ niềm kiêu hãnh của bản thân mà là xây dựng những gì tốt nhất có thể. Những người gần gũi với bạn thường có vị trí rất quan trọng. Họ hiểu bạn và những gì bạn đang cố gắng hoàn thành. Tuy nhiên, họ không gần gũi đến mức có thể nhìn thấy hết các điểm mù trong bạn.
Vấn đề là bạn cần tự nhận thức rằng mình có những điểm mù và giả định rằng những điểm mù đó có thể khiến con đường phía trước của bạn bị trật bánh. Sau đó, bạn cần yêu cầu những người mình tin tưởng tiết lộ một vài thông tin để xoá bỏ điểm mù.
Nói đây là thói quen bất thường bởi khi trở thành người đàn ông giàu nhất trên Trái Đất, việc nghe câu “bạn sai rồi” không bao giờ là dễ dàng. Nghĩ rằng mình đã sai còn khó hơn. Các vị CEO, dù có là tỷ phú hay không – không giỏi nghe những lời đó. Kết quả là, họ dễ bỏ qua những thông tin có giá trị.
Quan điểm của Musk là bạn nên giả sử rằng bất cứ ý tưởng nào của bạn đều thiếu điều gì đó quan trọng. Vì vậy, việc của bạn không phải là tìm hiểu xem mình đúng thế nào mà tìm thông tin để mình trở nên đúng đắn hơn. Đôi khi, những tham vấn đó giúp bạn nhận ra bạn đã đúng tất cả – điều này quá tốt.
Tuy nhiên, hầu hết trường hợp bạn sẽ học được điều gì đó. Có ai đó sẽ mang đến một thông tin quan trọng. Kết quả là, bạn sẽ đưa ra quyết định tốt hơn. Cách tiếp cận này không chỉ bất thường mà còn rất khó. Đó là lý do tại sao việc luyện tập sẽ rất hữu ích.
Theo Đức Nam–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị