Các kỹ sư đến từ những trung tâm nghiên cứu phát triển có thể trở thành chìa khóa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh về giá bán và giá thành cho Việt Nam.
” Thời kỳ vàng son của lợi thế nhân công giá rẻ tại Việt Nam không còn. Chúng ta phải nghĩ về điều đó” , ông Nguyễn Đức Thuấn – nhà sáng lập TBS Group – Tập đoàn giày da, may mặc hàng đầu Việt Nam đặt vấn đề tại diễn đàn do Forbes Việt Nam tổ chức.
Theo ông Thuấn, hiện nay lương tối thiểu tại một số quốc gia xung quanh đạt khoảng 100 USD/tháng, Bangladesh thậm chí chỉ 75 USD/tháng. Trong khi đó, lương tháng tối thiểu tại Việt Nam khoảng 150 USD, có vùng đạt 200 USD/tháng. Tính tổng, chi phí tối thiểu cho người lao động Việt Nam hiện đã lên tới 400 USD/tháng.
Nhà sáng lập TBS Group nhận định, suy cho cùng, năng lực lõi để cạnh tranh nằm ở giá bán và giá thành .
“Bản chất của chuỗi cung ứng, ngoài các tiêu chuẩn chung chung thì gốc gác vấn đề là giá thành và tốc độ cung ứng. Giá thành và tốc độ cung ứng đến từ đâu? Bản chất là đến từ các trung tâm nghiên cứu phát triển.
Chúng ta nên thống kê xem Việt Nam có bao nhiêu người làm trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển trên 1 triệu dân, thuộc ngành nghề nào trong các ngành nghề lớn có thể xuất khẩu được và là thế mạnh cạnh tranh của đất nước. Tôi đọc tài liệu cách đây 3-4 năm, Nhật Bản đứng đầu, rồi đến Mỹ, Hàn Quốc, các nước châu Âu, gần đây nổi lên là Trung Quốc. Có khoảng 5.000-8.000 người/triệu dân làm trong các phòng nghiên cứu phát triển”, ông Nguyễn Đức Thuấn phân tích.
Các doanh nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Để trụ vững thứ hạng và đảm bảo kim ngạch xuất khẩu khi đã không còn lợi thế về nhân công giá rẻ, Việt Nam cần nghĩ cách làm sao để nâng cao năng suất lao động nhờ các kỹ sư làm trong trung tâm nghiên cứu . Từ đó, doanh nghiệp có thể tạo nên phong trào tới các nhà trường. Bản thân TBS Group tài trợ từ thiết bị, vật liệu đến giáo trình cho trường Đại học để có thêm nhiều người nghiên cứu sâu về cách tối ưu giá thành trong ngành thời trang.
Trong khi đó, với ngành du lịch, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Thiên Minh Group cho biết cũng cần một đội ngũ nhân lực lớn.
Trước đại dịch Covid-19, năm 2019 thì ngành du lịch đóng góp 9,2% vào GDP, tương đương 35 tỷ USD. Năm 2023, ngành du lịch dự báo đóng góp 8% GDP, đến 2024 vượt ngưỡng 9,2%. Du lịch sẽ là một trong ba ngành kinh tế mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh bền vững, tầm nhìn trở thành Top 3 quốc gia có du lịch phát triển nhất thế giới.
Để làm được điều đó, ngoài việc cải thiện về sản phẩm du lịch, phát triển cụm điểm đến, thì cần phát triển nguồn nhân lực.
“Các ngành khác có thể nói dùng AI để tăng năng suất gấp 10 lần nhưng trong việc nấu cơm, nấu ăn, giao tiếp với khách du lịch thì phần lớn vẫn phải cần con người. Do đó, phải tiếp tục đào tạo được nguồn nhân lực. Đây không chỉ là vấn đề của Việt nam. Các nước châu Âu cũng đang thiếu hụt nhân lực trong ngành du lịch, khách sạn. Trong 3 năm tới, chúng ta cần một triệu người nữa tham gia vào ngành du lịch” , ông Trần Trọng Kiên nói.
Theo Hoàng Thùy-Nhịp sống thị trường