Công việc này luôn ‘khát’ người làm vì đằng sau mức lương cao ngất ngưởng là mồ hôi, công sức và những đêm thức trắng.
Nghề hái ra tiền, nhưng hiếm người làm
Trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm, phân biệt giới tính có vai trò giúp kiểm soát và xuất bán chính xác với mục đích của từng khách hàng. Ví dụ, nơi nào chuyên nuôi gà lấy trứng thì rõ ràng phải giữ con mái, loại bớt trống; trái lại, nơi nào chuyên lấy thịt thì tỷ lệ trống/mái được phân chia kiểu khác.
Phân loại gà con theo giới tính tùy vào mục đích của mỗi trang trại. Mà oái oăm ở chỗ, nhìn cái trứng không thì chẳng biết sẽ nở ra con gì. Nên là đợi gà ấp xong, sẽ có những chuyên viên soi “tĩ” gà để biết giới tính và phân chia theo yêu cầu của từng trang trại. Ảnh minh họa: Internet.
Nhưng nhìn trứng thì không thể biết được giới tính của gà. Nên thế giới lại sinh ra nghề nghiệp có tên xác định giới tính gà bằng cách soi “tĩ” gà. Phương pháp này được sáng tạo vào năm 1933 bởi người Nhật Bản, phát minh làm chấn động ngành công nghiệp gia cầm ở Nhật và đưa xứ sở này thành quốc gia hàng đầu về chăn nuôi. Mặc dù có nhiều cách để làm được điều này thông qua lông cánh, màu lông trên lưng gà, nhưng xác định thông qua lỗ tử huyệt này vẫn cho kết quả chính xác nhất.
Ở nước Anh, mỗi năm, người lao động làm nghề này được nhận mức lương trung bình khoảng 40.000 Bảng Anh, tương đương 1,3 tỷ đồng. Tại Hàn Quốc, công việc soi giới tính gà con cũng cho thu nhập khá, với mức gần 70 triệu KRW/năm (hơn 1,3 tỷ đồng). Những người làm nghề này có thể phân loại trung bình 10.000 gà con mỗi ngày. Trong 1 tiếng đồng hồ phải phân loại được trên 700 con gà nên yêu cầu rất cao về thể lực và khả năng tập trung. Trong khi đó, ở Mỹ công việc này cũng luôn cần người làm. Mỗi người làm nghề làm sẽ được trả lên đến $32,000/năm (khoảng gần 800 triệu/ năm) để soi giới tính gà hàng ngày, càng làm nhiều thì mức lương càng tăng.
Nghề nghiệp này đã được khắc họa trong bộ phim “Minari”. Siêu phẩm này nối tiếp thành công của bộ phim Ký sinh trùng của xứ sở kim chi từ năm trước để nhận được 6 đề cử và thắng giải thưởng “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” của Giải Quả Cầu Vàng Oscar 2021. Trong bộ phim, với “giấc mơ Mỹ” ấp ủ trong lòng, hai vợ chồng nhân vật chính người Hàn đến định cư ở Mỹ đã ngày đêm ròng rã nương nhờ công việc “soi giới tính gà” này để đến được gần hơn với ước mơ có thể tự làm giàu, gây dựng nên được trang trại của mình tại xứ sở cờ hoa.
Những khắc khổ của người làm nghề soi giới tính gà cũng đã được khắc họa trong bộ phim đoạt giải Oscar – Minari.
Hiện tại ở Việt Nam, mặc dù đã xuất hiện nghề này nhưng còn ít người biết đến, đặc biệt cũng vì hiếm người có đủ khả năng để chọn được gà bằng phương pháp nhìn qua lỗ huyệt. Do đó, mặc cho nhu cầu cao, mức thu nhập rất hậu hĩnh, nhưng ngành nghề này vẫn đang thiếu “nhân sự” trầm trọng.
Đằng sau mức lương cao ngất ngưởng là mồ hôi, công sức và những đêm thức trắng
“Căn cứ phân biệt đơn giản nhất là dựa vào lỗ huyệt gà (tĩ gà). Con trống sẽ có gai giao phối, đó là một cái nốt tròn, bóng, đỏ, còn gà mái thì không có“, chị Nguyễn Thị Dung (33 tuổi, ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội), người gắn bó với nghề soi lỗ huyệt gà hơn 10 năm nay, chia sẻ trên VnExpress về cách thực hiện việc soi giới tính gà.
Để soi được giới tính một cách chính xác, chị Dung phải đi theo quy trình: cầm một chú gà lên, một tay nặn phân và soi lỗ huyệt ở hậu môn dưới bóng đèn trong khoảng 2 giây, sau đó nhanh chóng thả vào đúng chiếc giỏ của giới tính đúng. Cứ liên tục như vậy nhanh tay thoăn thoắt, chỉ mất khoảng 1 tiếng là chị đã phân loại xong 1200 con, mỗi buổi làm được 4000 con, thu nhập được từ 60-100 triệu đồng/tháng. Nhưng đến mùa gà nở nhiều, người làm nghề này phải hoạt động hết công suất bất kể ngày đêm, mỗi ngày thậm chí có thể nhận được 5 triệu đồng.
Để phân loại được giới tính, yêu cầu trước tiên phải là gà mới nở sau vài giờ, chưa được cho ăn. Ảnh minh họa: Internet.
Dù nghề phân biệt giới tính của gà qua lỗ huyệt mang lại nguồn thu nhập cao nhưng rất ít người gắn bó với nghề này. Chị Dung cho biết, cả làng chị chỉ có khoảng vài ba người theo được nghề vì không phải ai cũng có khả năng “nhìn” được giới tính của gà, thậm chí bóp gà sai cách còn làm chết gà.
Nhiều người mới theo nghề đành phải xin hỏi kinh nghiệm của người đi trước, và thậm chí học qua các video của người Hàn Quốc, Trung Quốc để tìm ra cách làm phù hợp với mình trong khoảng 3-6 tháng. Có người còn bỏ ra công sức và mức học phí lên đến khoảng 30 – 40 triệu đồng/khóa để học được nghề nghiệp có mức lương hậu hĩnh này. Nhiều người làm những công việc có liên quan đến chăn nuôi cũng rất cần đến những kiến thức và kĩ năng này nên họ cũng theo học các khóa học “soi tĩ gà”.
Một thợ học nghề chia sẻ về quá trình học tập gian nan của mình để trở nên lành nghề soi tĩ gà: “Có những thời điểm vàng để soi hậu môn gà. Ví dụ như sau khi gà nở 2-3 tiếng phải soi ngay, bởi nếu hậu môn của con gà đã khô thì các dấu hiệu phân biệt sẽ khó hơn, tốn nhiều thời gian và cần nhiều kinh nghiệm khác để phân biệt chúng. Học rồi mới thấy vì sao nghề này được trả công cao, nhưng khát người. Nhưng không phải ai học xong cũng có thể làm nghề thành thạo. Để có thể phân biệt được gà trống, gà mái thì phải có kinh nghiệm và độ nhạy bén của mỗi người. Có những người học xong rồi cũng bỏ nghề vì độ chính xác không cao trong việc soi giới tính gà“.
Cứ như vậy, môi trường làm việc luôn nghe tiếng ù ù từ lò ấp, không gian nóng bức, mùi hôi của phân gà, mùi tanh nồng của gà con mới nở, đặc biệt trong những tháng hè oi ả, thì quả thật mức lương “trên trời” kia vẫn khiến nhiều người chùn bước. Ảnh: Internet.
“Nghề này vất vả lắm, phải ngồi 1 tư thế có lúc 10 tiếng đồng hồ vào ngày cao điểm, vừa đau lưng, vừa mỏi mắt. Lò ấp lúc nào cũng có nhiệt độ cao, rồi bụi bặm từ lông gà, mùi hôi từ phân gà, đặc biệt yêu cầu phải thật tinh mắt và nhanh tay nên nhiều người không trụ được với nghề”, chị Mến – một thợ soi giới tính gà khác cho biết trên Nhịp Sống Việt.
Mọi công sức cố gắng thì vẫn luôn được đền đáp xứng đáng. Sau nhiều năm làm nghề và liên tục học hỏi, giờ đây chị Dung không chỉ còn làm cho trại gia đình mà còn mở rộng và làm cho 3 trại gà khác ở Đông Anh, Bắc Từ Liêm và Bắc Ninh. Cứ 4 ngày một trại ra lò nên hầu như chị không có ngày nghỉ. Song song với đó, chị cũng dạy nghề cho vài chục học viên để tăng thêm thu nhập. “Tôi chỉ nhận những người độ tuổi từ 18-28, để đảm bảo họ nhanh nhẹn và tinh mắt. Người bị cận thị không thể làm được nghề này“, chị nói trên VnExpress. Ngôi làng của chị vốn lâu nay chỉ gắn bó với những nghề trồng trọt nông sản, chăn nuôi, nay gia đình chị lại bất ngờ phất lên nhờ chính “nghề lạ” này.
Nguồn: Tổng hợp-Thu Ngân–Theo Trí Thức Trẻ