Các chuyên gia nhấn mạnh rằng các biện pháp là dấu hiệu quan trọng cho thấy Quốc hội kỳ vọng chính quyền mới sẽ tạo thách thức lớn cho Trung Quốc.
Bộ khung mới của Quốc hội Mỹ
Quốc hội Mỹ đã chuẩn bị để chuyển giao cho chính quyền kế nhiệm của ông Biden một bộ khung mới nhằm đối phó với Trung Quốc, một kế hoạch nhằm tăng cường phối hợp cách bộ máy an ninh quốc gia Mỹ đối đầu với Bắc Kinh và đảm bảo rằng các nhà lập pháp có công cụ để xác định xem hướng đi ấy có thành công hay không – WaPo đưa tin.
Dự thảo quốc phòng thường niên, dự kiến sẽ được các nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu vào tuần tới, thiết lập một chương trình để củng cố vị thế của Mỹ và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời đầu tư cho các tàu ngầm tấn công bổ sung mà các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc coi là sống còn khi đương đầu với lực lượng hàng hải của Trung Quốc.
Theo dự luật, một vị trí giám đốc an ninh mạng mới được tạo ra để điều phối những hoạt động như vậy ở phạm vi chính phủ. Dự luật cũng đề ra kế hoạch khiến Lầu Năm Góc bớt phụ thuộc vào bộ máy sản xuất của Trung Quốc, từ vi điện tử cho tới khẩu trang.
Các lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ đã thảo đề xuất từ tuần trước, khi Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với CBS News về những nỗ lực vận động hành lang “cả công khai lẫn bí mật” của Bắc Kinh “nhằm đảm bảo chỉ những điều luật có lợi cho Trung Quốc mới được thông qua” ở Mỹ.
Kỳ vọng và thông điệp của Quốc hội Mỹ
Mặc dù các chuyên gia nhận định dự thảo quốc phòng kể trên là “những bước đi đầu tiên tốt đẹp”, chứ không chỉ là một màn đại tu kịch tính, họ nhấn mạnh rằng các biện pháp là dấu hiệu quan trọng cho thấy Quốc hội kỳ vọng chính quyền mới sẽ tạo thách thức lớn cho Trung Quốc – và các nghị sĩ sẽ theo dõi tình hình.
“Chúng ta thường nói về những gì mình cần làm nhưng không hề hành động”, Bonnie Glaser – giám đốc Dự án Năng lượng Trung Quốc tại CSIS cho rằng các nhà lập pháp rõ ràng “quan tâm tới việc đảm bảo điều động nguồn lực và mức độ chú ý thích hợp đối với Trung Quốc”.
“Quốc hội đang gửi một thông điệp rõ ràng”, Glaser tổng kết thông điệp của dự thảo quốc phòng đối với chính quyền ông Biden trong một câu: “Hãy tiến lên phía trước!”
Chương trình trọng tâm nhằm vào Trung Quốc trong dự thảo quốc phòng là Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương mới, với mục đích thiết lập một hướng tiếp cận tầm khu vực để đối phó với Trung Quốc ngay trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.
Chương trình bắt nguồn từ Sáng kiến Răn đe Châu Âu, vốn khởi động từ 2014 để thúc đẩy sự hiện diện của lực lượng Mỹ nhằm hỗ trợ bảo vệ đồng minh NATO trước Nga.
Sáng kiến mới được đầu tư ở mức 2,2 tỉ USD trong năm đầu tiên và cơ bản có nhiệm vụ củng cố vị thế, năng lực và đồng minh của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, cố vấn quốc phòng cũng xác nhận rằng cách triển khai sáng kiến còn tùy thuộc vào chính quyền Biden.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, việc đối phó với Trung Quốc sẽ là một trong những thử thách sớm nhất và quan trọng nhất đối với chính quyền mới, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc thách thức Mỹ cả về quân sự, kinh tế, lẫn công nghệ.
“Trung Quốc đã xuất hiện như một cường quốc khác, và ông Biden không có bất kỳ lựa chọn nào ngoài cố gắng xác định một lối tư duy mới về thách thức”, chuyên gia quân sự Michael O’Hanlon đánh giá.
Ông cũng cho biết thêm rằng mặc dù dự luật cho Bộ trưởng Quốc phòng nhiều chỉ dẫn nhưng chính quyền ông Biden vẫn có thừa không gian để đưa ra cách xử lý Bắc Kinh của riêng mình.
“Nếu tôi là một phần trong chính quyền sắp tới của ông Biden, tôi sẽ dành lời cảm ơn cho Quốc hội bởi sắp xếp ý tưởng đôi khi hữu ích nhưng không có quá nhiều chi tiết bó buộc ông Biden phải làm điều đó, thay vì những gì ông ấy muốn”, O’Hanlon nói.
Theo Trí Thức Trẻ