Một cuộc chiến nổ ra ở Trung Đông sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với Trung Quốc, cây viết của OilPrice bình luận.
Thiệt hại của Ả Rập Saudi là cơ hội “vàng” của Mỹ?
Nếu như các vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) nhằm vào các cơ sở dầu mỏ Abqaiq và Khurais hôm 14/9 vừa qua là thiệt hại lớn đối với Ả Rập Saudi, thì đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đó lại là lợi thế “vàng” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Forbes nhận định.
Đầu tháng này, Trung Quốc đã áp 5% thuế bổ sung đối với 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ, trong đó bao gồm dầu mỏ. Theo số liệu của Cơ Quan Quản Lý Thông Tin Năng Lượng (EIA), chỉ tính riêng trong tháng 6, Mỹ đã xuất khẩu sang Trung Quốc 8,7 triệu thùng dầu thô.
Con số trên tuy không đáng kể đối với nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới như Trung Quốc, tuy nhiên các công ty xuất khẩu dầu của Mỹ mới chỉ ở giai đoạn chập chững bước vào thị trường năng lượng, do đó việc mất đi một vị khách “sộp” như Trung Quốc sẽ là thiệt hại không nhỏ đối với họ.
Thực tế, sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên đối phương chính thức có hiệu lực vào ngày 1/9 vừa qua, Unipec, một nhánh của tập đoàn dầu khí Trung Quốc Sinopec, đã nhanh chóng tìm cách bán lại số dầu nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời tuyên bố ngừng nhập dầu thô của Mỹ.
Tuy nhiên, sau vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ trọng yếu của Ả Rập Saudi gần đây, Trung Quốc lại phải tìm đến dầu mỏ của Mỹ.
Theo Forbes, vụ tấn công nhằm vào các cơ sở của Aramco đã ảnh hưởng nhiều nhất tới nguồn cung dầu thô nhẹ. Ả Rập Saudi đã đề nghị các khách hàng của mình lựa chọn những loại dầu thô khác, tuy nhiên một số doanh nghiệp Trung Quốc đã quyết định tìm kiếm các đối tác thay thể để mua được đúng loại dầu thô nhẹ họ cần.
Hãng thông tấn Reuters cho biết mới đây Unipec – công ty từng vội vàng bán tháo dầu thô nhập khẩu Mỹ khi thương chiến tăng nhiệt – đã “cuống cuồng” đặt hàng ít nhất 4 tàu dầu của Mỹ bất chấp thuế quan, sau vụ việc hôm 14/9 và trong bối cảnh cuộc thương chiến giữa hai nước Mỹ-Trung có dấu hiệu tạm thời hạ nhiệt trước thềm cuộc đàm phán của các quan chức hai nước vào ngày 19/9 tới.
Rõ ràng lợi thế đang nghiêng về phía ông Trump, Forbes kết luận.
Cuộc chiến ở Trung Đông sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất với Trung Quốc
Sau khi Tổng thống Trump hôm Chủ nhật (15/9) vừa qua tuyên bố rằng Mỹ đã “khóa chặt mục tiêu và lên đạn sẵn sàng” để trả đũa thủ phạm tấn công hai cơ sở khai thác dầu của Ả Rập Saudi, rất nhiều người đã “ngửi” thấy mùi chiến tranh, cây viết của OilPrice bình luận.
Mặc dù chỉ một ngày sau đó, Tổng thống Trump đã đính chính lại rằng ông không muốn chiến tranh nổ ra, nhưng mối lo ngại về tình trạng căng thẳng leo thang ở Trung Đông thì vẫn còn nguyên đó. Và Trung Quốc sẽ là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nếu cuộc chiến ấy nổ ra.
Sau các cuộc tấn công hôm 14/9, giá dầu Brent đã nhanh chóng tăng vọt lên hơn 70 USD/thùng trước khi giảm xuống mức 68 USD/thùng. Tại Trung Quốc, giá dầu thô và các sản phẩm tinh chế cũng tăng vọt trong ngày hôm qua (17/9), khi các công ty đổ xô mua dự trữ.
Theo công ty nghiên cứu thị trường JLC, mỗi lần giá dầu Brent tăng 5 USD sẽ khiến chi phí dầu thô nhập khẩu đội lên khoảng 40 USD/tấn. Đó sẽ là một cú sốc khá lớn trên thị trường dầu mỏ, và thậm chí tình hình có thể còn trở nên tồi tệ hơn nữa.
Trung Quốc đã kí hợp đồng đầu tư 400 tỉ USD vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, khí đốt và dầu mỏ, cũng như ngành giao thông vận tải của Iran trong vòng 25 năm tới. Cam kết lớn này được thực hiện nhằm đảm bảo một nguồn cung dầu khí rất cần thiết đối với Trung Quốc trong tương lai, nơi có ngành sản xuất đang tăng trưởng và luôn “khát” năng lượng. Còn đối với Iran, thì đây là một cách để nước này tiếp tục kiếm tiền từ dầu mỏ bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, sau vụ việc hôm 14/9, Mỹ và Ả Rập Saudi đã lần lượt chỉ đích danh Iran là thủ phạm, và rất có thể hai nước này sẽ quyết định trả đũa Tehran vì điều đó.
Cho dù chỉ là tạm thời, nhưng việc thiếu hụt 12 triệu thùng dầu có thể sẽ khiến thị trường dầu mỏ chao đảo và giá dầu tăng cao. Nhưng đối với Trung Quốc, việc thiếu nguồn cung dầu mỏ không đáng lo ngại bằng nguy cơ chiến tranh nổ ra ở Trung Đông.
“Nếu một cuộc chiến giữa [Mỹ, Ả Rập Saudi và Iran] nổ ra, thì khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc [vào Iran] sẽ gặp nguy”, cây viết Kenneth Rapoza của báo Forbes phân tích.
Không chỉ dùng hỏa lực để trả đũa, mà Mỹ còn có thể siết chặt hơn các lệnh trừng phạt đối với Iran, khiến Trung Quốc cũng bị “vạ lây” khi đầu tư cho đồng minh này.
Trung Quốc có lẽ là chủ nợ lớn nhất của Iran trong thời điểm hiện tại. Nước này sẽ thu lợi được nhiều nhất nếu Mỹ gỡ bỏ trừng phạt Iran, nhưng ngược lại sẽ thiệt hại lớn nhất nếu áp lực đối với Iran gia tăng.
theo Trí Thức Trẻ