Sau khi Ramanujan đưa cuốn sổ tay chép đầy công thức toán học của mình cho Hardy xem, nhà toán học hàng đầu châu Âu – Hardy kích động đến nỗi quỳ sụp xuống đất…
Ramanujan, một nhà toán học vĩ đại được mọi người gọi là ‘thiên tài đến từ tương lai’, ông đã để lại 3900 công thức toán học và mệnh đề vô cùng bí ẩn trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Sau ông 100 năm, những công thức và mệnh đề mà Ramanujan tạo ra đã khiến cho rất nhiều người đạt được giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực toán học cùng với rất nhiều học giả nổi tiếng có sự nghiệp vinh quang, mà đó chỉ là họ mới giải được một phần rất nhỏ trong số tất cả những nội dung công thức toán học của Ramanujan mà thôi. Công thức và mệnh đề mà ông đưa ra vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu của nhân loại hiện nay. Ramanujan thẳng thắn nói rằng: Tất cả những khám phá của ông đều đến từ Chúa.
Thiên tài ngàn năm khó gặp Srinivasa Ramanujan sinh vào ngày 22 tháng 12 năm 1887 tại thị trấn Erode, Tamil Nadu, miền đông nam Ấn Độ. Gia cảnh ông rất nghèo khó, chỉ sống dựa vào tiền lương ít ỏi của ba mình cùng với số tiền thuê phòng của khách trọ. Năm Ramanujan 11 tuổi, ông học được một số kiến thức toán học từ những người khách ở trọ của nhà ông; năm 13 tuổi, ông may mắn mượn được một cuốn “Lưỡng Giác” do nhà toán học S.L.Loney biên soạn từ một người bạn học lớp trên, chỉ trong một thời gian rất ngắn ông đã đọc hiểu hết toàn bộ cuốn sách này, giải hết toàn bộ đề bài trong sách, và còn đưa ra công thức Euler : exp(ix)=cosx + i sinx. Ông bắt đầu bộc lộ tài năng toán học của mình vào năm 14 tuổi.
Nhưng ngoài toán học ra, Ramanujan hoàn toàn không hứng thú với những môn học khác, kỳ thi trung học cũng không đạt yêu cầu. Vì để thay đổi sự bám chấp của Ramanujan đối với toán học, ba mẹ ông đã cưới cho Ramanujan một cô vợ 9 tuổi! Vì để kiếm sống nuôi gia đình, nên Ramanujan đành phải ngày ngày mang theo cuốn sổ tay ghi đầy công thức toán học trong đó chạy đi tìm việc làm khắp nơi, nhưng không ai giao công việc cho ông làm cả. Cuối cùng, có một văn phòng kế toán của người Anh nhận ông vào làm, và khuyên ông nên liên hệ với các nhân viên nghiên cứu của Cambridge. Vào thời điểm đó, cuộc sống của Ramanujan rất khó khăn, thường xuyên phải sống trong cảnh đói khát.
Đi đến nước Anh xa xôi
Năm 1913, Ramanujan gửi một dãy các định lý phức tạp cho ba học giả của Đại học Cambridge ở Anh gồm H.F.Baker; E.W.Hobson và Godfrey Harold Hardy (G.H. Hardy).
Khi đó, Hardy được coi là người thay đổi sự lạc hậu về toán học của nước Anh, trọng tâm nghiên cứu của toàn bộ toán học Châu Âu đều hướng về bậc thầy thiên tài toán học này. Vào thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp toán học của Hardy, ông nhận được một lá thư từ Ấn Độ gửi đến, lá thư đó chính là của Ramanujan, một người không tên tuổi. Trong thư liệt kê ra hơn 100 công thức phức tạp. Sau khi đọc xong lá thư đó, Hardy nói rằng: “Mỗi một công thức trong này đều vượt trên tiêu chuẩn của đề thi toán cao nhất!”. Khi ông xem kỹ lại các công thức trong lá thư, ông phát hiện ra rằng, ngay cả chính ông cũng không thể hoàn toàn phát minh ra công thức phức tạp đến như vậy, thậm chí có một số công thức còn khiến ông không thể lý giải nổi. Sau đó, Hardy ngay lập tức gửi thư cho Ramanujan, mời Ramanujan đến Đại học Cambridge ở Anh để nghiên cứu chuyên sâu.
Khi nhà toán học Hardy nhìn thấy Ramanujan mà ông đã trông chờ rất lâu, tưởng rằng gặp được một bậc thầy toán học, nào ngờ phát hiện ra Ramanujan gần như chưa từng được tiếp xúc với bất cứ giáo dục toán học nào đàng hoàng cả, có rất nhiều định lý toán học phổ thông mà Ramanujan lại chưa từng nghe nói đến bao giờ.
Sau khi Ramanujan đưa cuốn sổ tay chép đầy công thức toán học của mình cho Hardy xem, nhà toán học Hardy kích động đến nỗi quỳ sụp xuống đất. Trong cuốn sổ tay của Ramanujan ghi chép toàn bộ công thức toán học quan trọng trong lịch sử Châu Âu, hơn nữa đây chỉ mới là chiếm 1/3 toàn bộ công thức mà thôi, 2/3 công thức còn lại là những công thức hoàn toàn mới mà nhà toán học Hardy chưa từng nhìn thấy bao giờ. Hardy xúc động nói rằng: “Cậu ấy là một người chiến thắng toàn bộ giới toán học Châu Âu”.
Khoảng thời gian ở Cambridge
Năm 1914, Ramanujan lên đường đi đến Cambridge, sự hợp tác giữa Ramanujan và Hardy chính thức bắt đầu. Mặc dù Ramanujan đã thiếu một số khóa đào tạo cơ bản nhất trước đó, nhưng tài năng và sự siêng năng của Ramanujan đã nhanh chóng bù đắp cho sự thiếu hụt này. Trong thời gian ở Cambridge, Ramanujan và Hardy cùng nhau khám phá ra công thức lý thuyết số, giải quyết được vấn đề phân tích số nguyên dương của giới toán học trong suốt mấy thế kỷ. Nhờ vào những nghiên cứu toán học này, cộng thêm sự tiến cử nhiệt tình của Hardy, Ramanujan được đề cử làm thành viên Hội Hoàng Gia nước Anh. Năm 1918, khi đó Ramanujan mới 30 tuổi, Ramanujan trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của Hội Hoàng Gia trong lịch sử.
Chỉ sau 3 năm ở nước ngoài, Ramanujan đổ bệnh trong thời kỳ khan hiếm thực phẩm của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ramanujan quay trở về Ấn Độ trong tình trạng sức khỏe suy yếu, ông qua đời vào năm 1920, khi mới 32 tuổi.
Vinh quang của đời sau
Ngoài 37 bài luận văn được phát biểu công khai ra, Ramanujan còn để lại rất nhiều bản thảo, được ví như là một kho sách nhỏ, bao gồm những bản thảo viết tay hoàn thành được một phần nhỏ và ba cuốn sổ bìa da. Dựa vào những tài liệu này và những lời quả quyết rất bí ẩn của Ramanujan, các nhà toán học đã mở ra một lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới, đưa ra rất nhiều lý thuyết toán học quan trọng, mà những lý thuyết này đã nhiều lần giúp các nhà toán học có liên quan giành được giải thưởng Fields (Fields Medal), một giải thưởng cao quý được giới khoa học ví von là “giải Nobel” trong giới toán học.
Nhà toán học người Mỹ gốc Nhật – Ken Ono gọi công thức mà Ramanujan không thể giải ngay lập tức vì những thắc mắc toán học được sinh ra từ cách tính là “Oracle”. Sau đó, Ono hợp tác với Jan Bruinier của Đại học Công nghệ Dortmund, Đức. Họ đã xây dựng một công thức có thể tính toán nhanh chóng và chính xác số lượng lớn các lý thuyết số, vì vậy mà ông nhận được rất nhiều lời khen ngợi.
Đức tin trong sáng của Ramanujan
Ramanujan làm thế nào nghĩ ra được những công thức toán học đó, điều này luôn là một thắc mắc lớn. Các nhà toán học hàng đầu thế giới và được đào tạo chuyên nghiệp biết rất rõ rằng: cần phải sử dụng một loạt các lập luận logic để chứng minh một cách chặt chẽ từng định lý, mới có thể khiến cho mọi người tin vào tính xác thực của định lý. Nhưng Ramanujan lại không gặp khó khăn trong vấn đề này. Ramanujan viết một số lượng lớn các định lý và phép tính trong đầu hoặc tính toán bằng phấn viết, viết từ trang này sang trang khác, và Ramanujan gần như là sẽ không dừng lại để giải thích rằng mình làm thế nào để nghĩ ra những kết luận này. Chỉ với ba cuốn sổ mà ông đã ghi chép 3900 kết luận liên quan đến tính chất toán học. Từ sau khi Ramanujan qua đời, các nhà toán học luôn cố gắng để chứng minh hoặc bác bỏ những kết luận đó của ông.
Ramanujan bắt đầu nghiên cứu toán học từ năm 15 tuổi, và qua đời ở tuổi 32, chỉ trong 17 năm ngắn ngủi đó, phát minh và thành tựu của ông luôn là một câu hỏi không lời giải đáp. Và điều thần bí nhất là, Ramanujan nói rằng những công thức này đều là Thần nói cho ông biết trong giấc mơ. Cả đời Ramanujan đều có đức tin vào tôn giáo của mình (Ấn Độ giáo). Và Ramanujan còn cho rằng toàn bộ thành tựu cùng với cách lý giải toán học của cả đời ông đều nhờ vào đức tin đối với tôn giáo. Ramanujan thường nói: “Đối với tôi, một phương trình chỉ có ý nghĩa khi nó phản ảnh một suy nghĩ của Thần”. Ramanujan thường xuyên cầu nguyện với Thần để tìm kiếm nguồn linh cảm, thường được điểm hóa qua những giấc mơ, Ramanujan tin rằng Thần linh thực sự có tồn tại.
Theo Vision Times-Châu Yến biên dịch